Những diễn biến mới tại Ukraine8Ngày 2/2, Alexandre Zakhartchenko - thủ lĩnh lực lượng ly khai ở thành phố Donetsk, miền Đông Ukraine, tuyên bố sẽ huy động 100.000 chiến binh tham gia cuộc tấn công mới nhất của họ nhằm vào lực lượng của Kiev.
Cũng trong ngày 2/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố nước này sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraine, đồng thời khẳng định ủng hộ các cuộc đàm phán và một giải pháp ngoại giao đối với cuộc xung đột giữa chính quyền Kiev và phe ly khai ở miền Đông Ukraine.
Cùng ngày, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cho biết nước này chưa đưa ra quyết định về khả năng cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev trong bối cảnh Washington cân nhắc các phương án hỗ trợ chính quyền Ukraine trong cuộc chiến chống lực lượng ly khai.
*Hãng RIA đưa tin ngày 3/2, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã kêu gọi Kiev đàm phán trực tiếp với lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, đồng thời cảnh báo chớ quy chụp trách nhiệm cho Moskva về cuộc xung đột. Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố Moskva ủng hộ phe ly khai song bác bỏ những cáo buộc của Phương Tây rằng Nga hậu thuẫn tiền, vũ khí và binh sĩ cho lực lượng này.
*Theo AFP và AP, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ngày 4/2 đã kêu gọi thực thi một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời để dân thường có thể sơ tán khỏi thị trấn tiền tiêu Debaltseve, miền Đông Ukraine.
*Cuộc hội đàm tại Điện Kremli giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel về một sáng kiến hòa bình cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, đã kết thúc rạng sáng 7/2, với cam kết về việc có thể có một "văn kiện chung" về thực thi các thỏa thuận đạt được tại Minsk, Belarus, hồi tháng 9/2014. Các nhà lãnh đạo cũng thông báo rằng Tổng thống Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko sẽ thảo luận về một đề xuất trong cuộc điện đàm 4 bên vào ngày 8/2.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh sáng kiến hòa bình Pháp-Đức là nỗ lực cuối cùng nhằm chấm dứt giao tranh ở Ukraine.
Hành quyết con tin man rợ của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng
*Phóng viên TTXVN tại Tokyo ngày 2/2 cho biết sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết con tin thứ hai người Nhật Bản và đe dọa đưa Nhật Bản vào danh sách mục tiêu khủng bố, Chính phủ Nhật Bản đã ra lệnh siết chặt các biện pháp an ninh nhằm bảo vệ công dân nước này cả ở trong và ngoài nước.
*Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 3/2 đã công bố một đoạn video về cái chết của viên phi công người Jordan Muath al-Kaseasbeh. Đoạn băng hình trên cho thấy phi công Kaseasbeh đã bị kẻ bắt giữ thiêu sống. Theo trang mạng tình báo SITE, đoạn video dài 22 phút trên đã được các nhóm cực đoan tung lên mạng ngày 3/2. Viên phi công Kaseasbeh đã bị IS bắt giữ kể từ khi máy bay của phi công này bị rơi ở Syria hồi tháng 12/2014.
Ngay sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày 3/2 công bố một đoạn video về cái chết của viên phi công người Jordan Muath al-Kaseasbeh, cộng đồng quốc tế đã tuyên bố lên án mạnh mẽ hành vi tàn bạo và dã man này.
*Để đáp trả vụ lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hành quyết phi công Mazz al Kassasbeh, ngày 4/2, Jordan đã thi hành án tử hình đối với tù nhân Sajida al-Rishawi, nữ phiến quân người Iraq mà IS từng đòi trả tự do để đổi lấy con tin mà chúng giam giữ, và tù nhân Ziad al-Karboli, là thành viên cấp cao của Al-Qaeda. Rishawi là nghi can đánh bom bị kết án tử hình do tham gia cuộc tấn công đẫm máu tại Amman năm 2005 làm 60 người thiệt mạng, trong khi Karboli bị tuyên án tử hình năm 2008 vì tội sát hại một người Jordan.
* Reuters dẫn tin từ Tờ Thời báo Hoàn cầu (Global Times) số ra ngày 5/2 cho biết tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hành quyết 3 tay súng người Trung Quốc tham gia hàng ngũ của IS ở Syria và Iraq, nhưng sau đó lại tìm cách bỏ trốn. Đây là báo cáo mới nhất về việc các chiến binh Trung Quốc bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Trung Đông này.
Máy bay của hãng hàng không TransAsia (Đài Loan) lại bị rơi
* Hãng Tân Hoa xã dẫn thông báo của Cơ quan cứu hộ Đài Loan (Trung Quốc) cho biết hai hộp đen của chiếc máy bay thuộc hãng hàng không TransAsia (Đài Loan) bị rơi ngày 4/2 đã được tìm thấy và các chuyên gia sẽ tiến hành giải mã ngay trong đêm.
* Ngày 7/2, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm 5 thi thể tại hiện trường vụ rơi máy bay của hãng hàng không TransAsia tại Đài Loan, Trung Quốc, nâng tổng số nạn nhân thiệt mạng lên 40 người. Trung tâm ứng phó thiên tai Đài Loan cho biết các thi thể vừa được tìm thấy ở cách vị trí máy bay rơi từ 500m đến 1km. Hiện vẫn còn 3 hành khách mất tích.
Chiếc máy bay ATR 72-600 của hãng hàng không TransAsia khởi hành ngày 4/2 từ sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc đã rơi xuống sông Cơ Long chỉ 10 phút sau khi cất cánh. Trong số 58 người trên máy bay, chỉ có 15 người được cứu sống. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng thứ hai liên quan đến hãng hàng không TransAsia Airways trong vài tháng qua sau vụ máy bay rơi hồi tháng Bảy năm ngoái tại Bành Hồ khiến 48 người thiệt mạng do gặp bão.
Nguyên nhân chính xác của vụ tai nạn vẫn chưa được xác định, song kết quả phân tích ban đầu cho thấy động cơ bên phải của máy bay đã phát tín hiệu cảnh báo trong buồng lái vào thời điểm 37 giây sau khi cất cánh. Các phi công đã chủ động tắt động cơ bên trái và cố khởi động lại nhưng không được.
Một số tin tức đáng chú ý khác
*Lần đầu tiên kể từ khi căn bệnh Ebola bùng nổ ở Tây Phi hơn một năm trước, một loại thuốc thử nghiệm điều trị căn bệnh này đã cho những kết quả "khả quan". Viện nghiên cứu y khoa Inserm của Pháp ngày 5/2 thông báo khoảng 80 bệnh nhân ở Guinea được dùng thử nghiệm loại thuốc do Nhật Bản cung cấp, đã phục hồi nhanh hơn và số bệnh nhân tử vong cũng giảm. Thuốc Favipiravir, còn được gọi là Avigan, do hãng dược phẩm Toyama thuộc Tập đoàn Fujifilm, điều chế.
*Ngày 5/2, cuộc họp lần thứ 22 của Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-EU (JCC) đã diễn ra tại thủ đô Jakarta (Indonesia). Hội nghị khẳng định quan hệ hợp tác ASEAN-EU tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian qua và nhấn mạnh tính chất đặc biệt của quan hệ đối tác giữa hai bên với mối quan hệ chính trị được tăng cường, những tiến bộ ấn tượng đã đạt được trong nhiều lĩnh vực và các khu vực hợp tác mới đang được phát triển.
*Vòng đàm phán thứ 8 về Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ được tổ chức ở Brussels, Bỉ từ ngày 2-6/2. Các cuộc đàm phán về hiệp định TTIP đầy tham vọng giữa Mỹ và EU đã kéo dài hơn một năm và được kỳ vọng sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, phục vụ khoảng 1 tỷ người tiêu dùng.
* Ngày 6/2, Hội nghị các quan chức cấp cao (SOM) Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) đã khai mạc tại tỉnh Pampanga, miền Bắc Philippines. Hội nghị diễn ra trong hai ngày với nội dung thảo luận định hướng chính sách của APEC trong năm 2015.
*Ngày 5/2, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách vấn đề Đông Á-Thái Bình Dương Daniel Russel đã chủ trì cuộc họp báo với chủ đề "Các ưu tiên chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Á-Thái Bình Dương trong năm 2015" tại thủ đô Washington.
*Theo số liệu thống kê mới công bố của cơ quan di trú Mỹ, lượng người Cuba nhập cư vào nước này trong quý 4/2014 đã tăng tới 60% so với cùng kỳ năm 2013, lên 8.600 người.
*Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án mạnh mẽ nhất tình trạng leo thang bạo lực, tấn công của "các phần tử khủng bố Boko Haram" ở Nigeria và chống lại quân đội TChad ở Cameroon.
*Cảnh sát Bangladesh cho biết đêm 6/2 đã xảy ra hai vụ ném bom xăng làm 8 người, trong đó có 2 trẻ em, thiệt mạng và 31 người bị thương.
Theo Dangcongsan.vn