Dịch bệnh Ebola - "vết dầu loang" ngày càng khó kiểm soát
![]() |
Chăm sóc bệnh nhân Ebola (Ảnh: AP) |
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết đến ngày 12/10 đã có khoảng 4.493 người thiệt mạng trong tổng số 8.997 người bị nhiễm và dịch bệnh đã lan rộng ra 7 quốc gia. Nhóm thứ nhất gồm có 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Nhóm 2 gồm Nigeria, Senegal, Tây Ban Nha và Mỹ là những nước có ít ca nhiễm mới nhưng khả năng cách ly cao.
Đặc biệt, Amber Vinson là nữ y tá thứ hai bị nhiễm Ebola trên đất Mỹ, sau Nina Phạm, nữ y tá gốc Việt, khi họ cùng chăm sóc bệnh nhân Thomas Duncan, người Liberia đã qua đời hôm 8/10. Điều này cho thấy bản đồ dịch Ebola đang ngày càng rộng, vượt qua biên giới châu Phi để lan dần sang châu Âu và Mỹ.
Các nhà chức trách y tế Mỹ ngày 15/10 thông báo đang khẩn trương tìm kiếm, xác định danh tính và phỏng vấn 132 hành khách cùng chuyến bay với nhân viên y tế. Trong khi đó, Tổng thống Barack Obama đã hủy bỏ tất cả các chuyến đi trong 2 ngày 15 - 16/10 để tập trung vào công tác đối phó chống lại nguy cơ lây lan của dịch bệnh Ebola trên lãnh thổ nước này, đồng thời hứa hẹn một phản ứng "tích cực hơn nữa" để tránh các trường hợp lây nhiễm mới.
Ngay từ ngày 16/10, các biện pháp kiểm tra bổ sung sẽ được tiến hành trong 4 sân bay Mỹ: sân bay Newark Liberty (gần New York), Chicago O'Hare, Atlanta Hartsfield và Dulles ở ngoại ô Washington. Tuần trước, sân bay quốc tế JFK của New York đã bắt đầu kiểm soát nhiều hơn đối với các hành khách từ 3 nước Tây Phi bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Ebola (Liberia, Guinea, Sierra Leone).
Tại Quốc hội Mỹ, ngày 15/10, Chủ tịch Hạ viện và các quan chức Quốc hội khác đề nghị chính quyền Obama tạm đình chỉ thị thực của các cá nhân Liberia, Guinea và Sierra Leone cho đến khi tình trạng bùng nổ dịch bệnh nằm dưới sự kiểm soát.
Tại Pháp, Tổng thống François Hollande tuyên bố thành lập "một thiết bị kiểm soát các chuyến bay đến từ khu vực bị ảnh hưởng bởi virus".
Maroc cũng đã thông báo khởi động một "kế hoạch quốc gia" để "ngăn chặn sự xâm nhập của virus Ebola" tại đây.
Thủ tướng Cộng hòa Séc Bohuslav Sobotka cũng nói rằng tất cả du khách đến sân bay Prague từ các khu vực bị ảnh hưởng hiện phải trải qua kiểm tra nhiệt độ và điền vào các mẫu đơn y tế.
Tại Dubai, trường hợp nghi ngờ đầu tiên ở vùng Vịnh đã được phát hiện hôm 15/10. Hành khách đến từ Liberia qua Maroc đã được cách ly.
Nhà chức trách Mexico và Nicaragua cũng cho biết sẽ giám sát chặt chẽ dòng người di cư sang Mỹ để ngăn chặn nguy cơ dịch Ebola xuất hiện.
Canada kêu gọi các công dân nước này rời khỏi Tây Phi.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng siết chặt các biện pháp kiểm tra và giám sát ở các sân bay, cảng biển và cửa khẩu trên bộ. Phó Thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria chịu trách nhiệm xử lý cuộc khủng hoảng y tế này.
Chính quyền Anh thông báo bắt đầu quét thân nhiệt các hành khách từ Tây Phi qua 2 sân bay chính ở London và tuyến đường sắt từ châu Âu.
Bộ Y tế Singapore đã bổ sung các biện pháp kiểm tra virus Ebola đối với du khách nhập cảnh vào nước này, với nhiều biển báo đã được dựng lên để chỉ dẫn về các điểm kiểm tra mới được bổ sung ở nhiều nơi tại sân bay quốc tế Changi.
Bộ Y tế Malaysia cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp chống lại sự lây lan của virus Ebola, giám sát chặt chẽ các điểm nhập cảnh, đặc biệt là các sân bay quốc tế ở bang Selangor, Penang, Johor và Sabah.
Trước tình hình ngày càng đáng lo ngại này, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho biết cộng đồng quốc tế đến nay đã không thành công trong việc ứng phó với dịch bệnh Ebola vốn đặc biệt tác động tới 3 quốc gia Tây Phi là Guinea, Liberia và Sierra Leone. Các thành viên Hội đồng Bảo an một lần nữa "nhắc lại mối quan ngại của họ về quy mô chưa từng có của dịch Ebola ở châu Phi".
Trong khi đó, giới chức Anh và Mỹ cũng đã đưa ra những cảnh báo khắc nghiệt rằng cộng đồng quốc tế sẽ phải chịu trách nhiệm về tổn thất nhân mạng lớn ở Tây Phi và mối đe dọa lớn hơn trên khắp thế giới nếu không tăng cường hỗ trợ về y tế và tài chính giải quyết cuộc khủng hoảng Ebola.
Cuộc chiến khốc liệt chống "Nhà nước Hồi giáo" tự xưng IS
![]() |
Khói bốc cao do giao tranh dữ dội ở Kobane (Nguồn: AFP) |
Ngày 14/10, một số tờ báo Anh đã dẫn lại một nguồn tin an ninh cho biết, các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công những mục tiêu của Đảng Công nhân người Kurd ở Đông Nam nước này. Đây là những đợt không kích lần đầu tiên nhằm vào Đảng Công nhân người Kurd kể từ khi lệnh ngừng bắn được thiết lập năm 2013. Các cuộc giao tranh ác liệt giữa IS và lực lượng người Kurd tại thị trấn chiến lược Kobane ở Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, đã làm lung lay tiến trình hòa bình mong manh giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Đảng Công nhân người Kurd. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan thì cho rằng sự bất ổn trên là do "các lực lượng đen tối" gây ra nhằm tìm cách phá hoại tiến trình hòa bình với Đảng Công nhân người Kurd.
Ngoài ra, những ngày qua, Mỹ và các nước liên quân đã tăng cường mạnh các cuộc không kích nhằm vào lực lượng IS - đang đe dọa tới cộng đồng người Kurd tại khu vực biên giới Syria tiếp giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngày 13 và 14/10, Mỹ và liên quân đã thực hiện tổng cộng 21 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại thị trấn chiến lược Kobani, tạm thời kìm hãm được sự thắng thế của IS trong các cuộc giao tranh trên bộ. Tuy nhiên, các đại diện quân sự Mỹ cũng lưu ý rằng, tình hình chiến sự đang diễn biến nhanh chóng và "rất dễ thay đổi".
Ngày 14/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh tại thị trấn biên giới phía Bắc Syria và tỉnh Anbar của Iraq. Phát biểu trước đại diện quân đội của 21 nước liên quân tham gia chiến dịch chống IS, ông Obama tuyên bố Mỹ và các nước liên quân sẽ tiếp tục không kích nhằm vào các mục tiêu của IS trên cả hai mặt trận Iraq và Syria.
Trong khi đó, bất chấp các chiến dịch không kích tăng cường của Mỹ và liên quân, các tay súng của IS vẫn đang tiếp tục gia tăng và mở rộng các hoạt động phòng thủ tại Iraq. Kể từ cuối tuần trước, các chiến binh cực đoan của IS và một nhánh khác của lực lượng này đã tiến hành một loạt các cuộc tấn công bằng bom nhằm vào ngoại ô thủ đô Baghdad của Iraq. Ngày 14/10, một chiếc xe bom đã phát nổ tại một trạm kiểm soát ở ngoại ô thủ đô Baghdad, khiến ít nhất 21 người, trong đó gồm cả các quan chức cảnh sát, thiệt mạng. Đặc biệt, trong số những nạn nhân của vụ tấn công còn có một quan chức cấp cao đang giữ vai trò là thứ trưởng Bộ Nội vụ của Iraq.
Cũng trong ngày 14/10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đã nhất trí sẽ tăng cường các hoạt động chia sẻ thông tin tình báo giữa hai nước về các phần tử cực đoan thuộc lực lượng IS. Điều này cho thấy các nỗ lực nhằm loại bỏ những mối đe dọa từ IS đối với an ninh thế giới đang trở thành một mối ưu tiên hàng đầu và đã thôi thúc hai cường quốc là Nga và Mỹ gạt bỏ những bất đồng sâu sắc liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine để cùng hợp tác trong cuộc chiến vốn được dự báo là sẽ kéo dài và đầy thử thách này.
Nngày 15/10, Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (Centcom) ra thông báo cho biết chiến dịch không kích quốc tế do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu của IS tại Iraq và Syria đã được đặt tên là "Operation Inherent Resolve" (tạm dịch là "Chiến dịch Giải pháp cố hữu"). Theo lý giải của Centcom, việc đặt tên cho chiến dịch chống IS tại Iraq và Syria là "Giải pháp cố hữu" nhằm phản ánh một quyết tâm kiên định và các cam kết mạnh mẽ từ Mỹ và các nước đối tác đối với khu vực và trên thế giới, nhằm loại bỏ IS cũng như các mối đe dọa mà lực lượng này gây nên đối với Iraq, trong khu vực và cộng đồng thế giới.
Trong hai ngày 14 - 15/10, Mỹ và liên quân đã thực hiện tổng cộng 18 cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu của IS tại khu vực gần thị trấn chiến lược Kobane (còn biết đến với tên gọi Ayn al-Arab) thuộc phía Bắc Syria và phá hủy một số căn cứ của IS tại khu vực này. Phát ngôn viên Lầu Năm góc John Kirby, ngày 15/10, xác nhận các cuộc không kích của Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được hàng trăm tay súng cực đoan thuộc lực lượng IS. Tuy nhiên, ông Kirby cũng thừa nhận rằng, bất chấp những nỗ lực tăng cường từ Mỹ và liên quân, Kobane vẫn có nguy cơ thất thủ và rơi vào tay IS. Phát ngôn viên trên cảnh báo IS đã công khai mục tiêu muốn chiếm đóng Kobane, vì vậy, lực lượng này sẽ tiếp tục huy động thêm binh sỹ tới chiến đấu tại thị trấn chiến lược này trong những ngày tới.
Trong khi đó, tình hình chiến sự trên thực địa tại nước láng giềng Iraq cũng không mấy khả quan hơn khi các tay súng IS đe dọa đang tiến về thủ đô Baghdad. Trong tuyên bố cùng ngày, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ phụ trách việc xây dựng liên minh quốc tế chống IS, ông John Allen thừa nhận rằng, các tay súng cực đoan của IS đã "giành được những ưu thế quan trọng" tại Iraq, bất chấp chiến dịch không kích quốc tế do Mỹ dẫn đầu.
Tiếp tục trong hai ngày 17 - 18/10, chiến đấu cơ của Mỹ đã thực hiện 25 cuộc không kích ở Syria và Iraq nhằm vào các phần tử thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS) và những cơ sở dầu mỏ do lực lượng này kiểm soát. Quân đội Mỹ cho hay trong số 15 cuộc không kích tại Syria, 12 cuộc nhằm "làm suy giảm và triệt phá hoạt động sản xuất, thu gom, tích trữ dầu mỏ và cơ sở vận chuyển của IS". 3 cuộc không kích còn lại nhằm vào các cứ điểm chiến đấu của IS gần Kobane và một trại quân sự ở tỉnh Raqa.
Trước tình hình này, ngày 17/10, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường hỗ trợ chính phủ và lực lượng an ninh Iraq trong cuộc chiến chống quân Hồi giáo nổi dậy đang ngày càng khốc liệt.
Căng thẳng chưa lắng dịu xung quanh vấn đề Ukraine
![]() |
Một tay súng thuộc lực lượng ly khai ở khu vực Donetsk (Ảnh: AFP) |
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo "Politika" của Serbia ngày 15/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết việc Tổng thống Mỹ Barack Obama coi "hành động gây hấn của Nga ở châu Âu" là một trong 3 mối đe dọa chính của nhân loại là một hành động thù địch. Tổng thống Putin nhấn mạnh việc kéo dài các biện pháp trừng phạt chống Nga tùy thuộc vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) và Nga sẽ đánh giá để có các biện pháp đáp trả phù hợp với lợi ích quốc gia. Ông Putin khẳng định phương Tây cần hiểu rằng mưu toan sử dụng biện pháp trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp để gây áp lực đối với Nga sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine mà còn gây khó khăn cho cuộc đối thoại, trong đó có đối thoại về vấn đề Ukraine. Tổng thống Putin cảnh báo âm mưu cô lập Nga là một mục tiêu ảo tưởng, phi lí và sẽ không thể thực hiện được, hơn nữa kinh tế châu Âu cũng như thế giới sẽ phải gánh chịu thiệt hại không nhỏ. Liên quan đến Ukraine, Tổng thống Nga nêu rõ bất chấp giai đoạn phức tạp hiện nay trong quan hệ giữa hai nước, Nga muốn hợp tác bình đẳng và cùng có lợi với các đối tác Ukraine, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện được sau khi tình hình ổn định và đạt hòa bình bền vững tại Ukraine. Ông kêu gọi các lực lượng chính trị ở Ukraine nhanh chóng ngồi vào bàn đối thoại vì lợi ích và an ninh của nhân dân.
Cũng trong ngày 15/10, Chánh Văn phòng Tổng thống Nga Sergei Ivanov đã đưa ra nhận định đáng lo ngại rằng: Lệnh ngừng bắn tại Đông Ukraine đang trong trạng thái "rất mong manh" ngay cả khi các thỏa thuận có liên quan đã được các bên ký kết tại Minsk (Belarus). Ông Ivanov cho rằng tình hình tại Ukraine hiện rất khó đoán định, đặc biệt là đưa ra những dự báo trong dài hạn. Bên cạnh đó, ông Ivanov cũng cho rằng, yếu tố đầu tiên là thiết lập một lệnh ngừng bắn, và sau đó cần xem đây là nền tảng để tiến hành đối thoại chính trị.
Trong cuộc điện đàm ngày 15/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Ukraine Petro Poroshenko đã thảo luận về cách thức tất cả các bên liên quan phải thực hiện thỏa thuận ngừng bắn được ký ngày 5/9 tại thủ đô Minsk của Belarus.
Ngày 16/10, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine.
Cùng ngày, Thủ tướng Áo Werner Faymann cho biết nước này thích hợp để làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine.
Ngày 16/10, Tổng thống Ukraine Petr Poroshenko đã ký ban hành đạo luật về quy chế đặc biệt của vùng Donbas. Theo đó, đạo luật "Về quy chế tự quản đặc biệt ở một số khu vực của các tỉnh Donesk và Lugansk" quy định phương thức tạm thời tổ chức tự quản địa phương, hoạt động của các cơ quan chính quyền địa phương tại một số khu vực ở hai tỉnh Donesk và Lugansk với mục tiêu tạo điều kiện nhanh chóng bình thường hóa tình hình, khôi phục trật tự luật pháp, quyền hiến pháp và quyền tự do công dân. Quy chế đặc biệt tại các vùng lãnh thổ trên được áp dụng tạm thời trong thời gian 3 năm kể từ ngày đạo luật có hiệu lực.
Tại cuộc họp của Hội đồng thường trực Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 16/10, đại diện thường trực Nga tại OSCE Andrei Kelin tuyên bố việc ủng hộ các lực lượng chủ trương giải quyết hòa bình cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine hiện nay có một ý nghĩa quan trọng. Hành động của các phần tử cực đoan tại Ukraine cần phải bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ, trong đó có OSCE.
Tuy nhiên, quân đội Ukraine ngày 18/10 cho biết hai binh sĩ nước này đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh với lực lượng ly khai ở miền Đông, trong bối cảnh cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng Ukraine giữa Kiev và Moskva diễn ra tại Italy không đạt được đột phá nào. Cuộc giao tranh này là hành động bạo lực mới nhất đe dọa phá vỡ lệnh ngừng bắn giữa Kiev và lực lượng ly khai, vốn đã thất bại trong việc dập tắt những điểm nóng trong vùng.
Theo số liệu của Liên hợp quốc, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine đã khiến hơn 3.400 người thiệt mạng trong vòng sáu tháng qua, nghiêm trọng nhất là ở vùng Donetsk và Lugansk
Một số tin tức đáng chú ý khác
* Ngày 14/10, Ấn Độ tuyên bố sẵn sàng "đối thoại nghiêm túc" với Pakistan về tất cả những vấn đề tồn đọng, kể cả vấn đề tranh chấp biên giới ở Kashmir, song cho rằng Islamabad không quan tâm đến thương lượng và đang sử dụng "chiến thuật nghi binh" bằng cách đưa vấn đề lên Liên hợp quốc. Cùng ngày, giới chức quân đội Pakistan và Ấn Độ đã trao đổi ý kiến qua đường dây nóng về tình trạng xung đột kéo dài dọc biên giới thuộc khu vực Kashmir, khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa trong tuần qua.
* Ngày 15/10, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã tiến hành cuộc đối thoại quân sự cấp cao lần đầu tiên trong vòng 7 năm qua tại làng đình chiến Panmunjom. Việc các tướng lĩnh quân đội của Hàn Quốc và Triều Tiên có thể cùng ngồi vào bàn đàm phán cũng được đánh giá là một động thái góp phần "nhen nhóm" tia hy vọng giúp cải thiện mối quan hệ liên Triều - vốn đang trở nên căng thẳng sau các vụ đấu súng trên biển và trên bộ vào các ngày 7/10 và 10/10 vừa qua.
* Ngày 15/10, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết cơ quan này đang thu xếp tổ chức một cuộc gặp gỡ cấp cao giữa quan chức quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối tháng này. Theo đó, phía Tokyo muốn tổ chức cuộc gặp gỡ cấp cao giữa quan chức quốc phòng Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề Diễn đàn Quốc phòng châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) từ ngày 29 - 31/10 tới. Dự kiến, Nhật Bản sẽ cử Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách các vấn đề quốc tế, ông Hideshi Tokuchi tới tham dự sự kiện diễn ra ở Seoul vào cuối tháng 10 này và mong muốn rằng, ông Tokuchi có thể tiến hành đối thoại trực tiếp với người đồng cấp Hàn Quốc Baek Seung-joo trong khoảng thời gian trên.
* Ngày 15/10, Tư lệnh Lục quân Thái Lan Udomdej Sitabutr cho biết ông sẽ áp dụng các giải pháp hòa bình để chấm dứt tình trạng bạo lực kéo dài ở miền Nam nước này. Các giải pháp hòa bình sẽ thay thế các hình thức trấn áp ở cấp thôn bản. Ông cũng cảnh báo "bất kỳ một nỗ lực nào nhằm chia rẽ khu vực sẽ không được tha thứ". Mô hình mới an toàn này hiện được triển khai tại huyện Thung Yang Daeng, tỉnh Pattani sau đó sẽ mở rộng ra các khu vực khác nếu thành công.
* Ngày 16/10, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bỏ phiếu bầu 5 nước ủy viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an. Các nước trúng cử là Angola, Malaysia, New Zealand, Venezuela và Tây Ban Nha. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 nước ủy viên, trong đó có 5 ủy viên thường trực (Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) và 10 ủy viên không thường trực. Năm nước ủy viên không thường trực đang ở giữa nhiệm kỳ là Chad, Chile, Jordan, Litva và Nigeria. Dự kiến, 5 ủy viên không thường trực mới sẽ bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm từ tháng 1/2015 để thay thế các nước Argentina, Australia, Hàn Quốc, Luxembourg và Rwanda.
* Ngày 17/10, Trung Quốc và Hàn Quốc ra tuyên bố phản đối mạnh mẽ việc Thủ tướng Shinzo Abe đã gửi đồ lễ và 110 nghị sĩ Nhật Bản đến viếng đền Yasukuni ở Tokyo nhân dịp bắt đầu lễ hội mùa Thu kéo dài 4 ngày tại khu đền này. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 17/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tỏ rõ "thái độ không hoan nghênh" việc ông Abe đã gửi đồ lễ và một số nghị sĩ Nhật Bản đã viếng đền Yasukuni, vốn được xem một biểu tượng trong quá khứ gây tranh cãi của Nhật Bản. Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Noh Kwang-il cũng đã ra tuyên bố kêu gọi các nhà chính trị Nhật Bản cần "nhận thức rõ" một thực tế rằng, việc tỏ lòng thành kính trước ngôi đền Yasukuni chẳng khác nào "chối bỏ trật tự thế giới" và bác bỏ vai trò mà Nhật Bản đã thiết lập trước cộng đồng thế giới sau Thế chiến thứ II. Qua đó, phát ngôn viên trên hối thúc Nhật Bản cần khép lại lịch sử, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn, dựa trên một thái độ thành khẩn và nhìn nhận nghiêm túc về những gì đã diễn ra trong quá khứ.
* Ngày 17/10, Tòa án quốc tế xét xử tội ác Khmer Đỏ (ECCC) tại Campuchia đã nối lại phiên xét xử hai cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ là Noun Chea (Nuôn Chia) và Khieu Samphan (Khiêu Xăm-phon) với các cáo buộc sát hại người Việt Nam và người Hồi giáo dân tộc Chăm, cưỡng hôn và cưỡng bức trong thời gian nắm quyền (1975 - 1979).
* Hội nghị Cấp cao ASEM 10 diễn ra trong hai ngày 16 - 17/10 đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch với nhiều quyết định quan trọng, chuyển thông điệp mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo ASEM về quyết tâm tăng cường quan hệ đối tác Á - Âu vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở hai châu lục và thế giới, đồng thời định hướng cho hợp tác của Diễn đàn trong thời gian tới. Các nhà lãnh đạo cũng thông qua 27 sáng kiến mới do các thành viên đề xuất và thành lập 16 Nhóm hợp tác chuyên ngành nhằm hiện thực hóa các định hướng hợp tác trong giai đoạn 2014 - 2016./.
Theo Dangcongsan.vn