Trong đó, theo một sĩ quan cảnh sát khác, ít nhất 11 người đã thiệt mạng tại một nhà hàng Pháp ở Quận 10 và khoảng 15 người khác đã thiệt mạng ở nhà hát Bataclan, nơi khoảng 100 người đang bị bắt giữ làm con tin. Tổng thống Pháp Francois Hollande đã triệu tập một cuộc họp nội các khẩn cấp vào nửa đêm 13/11 (giờ địa phương) ngay sau khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố. Ông Hollande đã chỉ thị trực tiếp Bộ Nội vụ nước này giải quyết tình huống và tuyên bố áp đặt tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc. Ông cũng khẳng định "biện pháp thứ hai sẽ là đóng cửa biên giới quốc gia" và kêu gọi tăng cường các biện pháp quân sự. Tổng thống Pháp đã quyết định hủy chuyến công du tới Thổ Nhĩ Kỳ tham dự hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 trong tuần này. Ngay sau cuộc họp, thực hiện chỉ thị của Tổng thống Pháp Francois Hollande, các lực lượng an ninh nước này đã nhanh chóng triển khai tấn công vào Nhà hát Bataclan, nơi có khoảng 100 con tin đang bị bắt giữ. Truyền thông Pháp đưa tin, chiến dịch tấn công nhà hát Bataclan hiện đã kết thúc, ít nhất 2 kẻ tấn công đã bị tiêu diệt. Chính quyền Pháp đã cho đóng cửa tất cả các trường phổ thông và đại học trong ngày 14/11. Một số tuyến tàu điện ngầm tại Paris cũng đã được lệnh đóng cửa sau khi xảy ra các vụ tấn công. Trong một diễn biến liên quan, phản ứng sau loạt vụ bạo lực trên, ngay trong ngày 13/11, các quan chức thuộc Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết chưa thấy có sự đe dọa rõ ràng đối với Mỹ trong vụ việc trên. Trong khi đó, phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Barack Obama, tuyên bố sát cánh với Pháp trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cực đoan, đồng thời khẳng định sẽ làm mọi điều có thể để đưa những kẻ khủng bố ra ánh sáng. Vụ khủng bố đẫm máu này đã làm cả thế giới bàng hoàng, phẫn nộ. Ngày 13/11, Hội đồng Bảo an đã ra thông cáo mạnh mẽ lên án các vụ tấn công khủng bố dã man và hèn nhát" tại Paris, trong đó, nhấn mạnh "sự cần thiết phải đưa các thủ phạm của những hành động khủng bố này ra trước công lý". Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định, liên minh quân sự này sẽ sát cánh với Pháp chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ông nói: "Tôi bị sốc trước các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng tại Paris trong đêm 13/11. Chúng ta sẽ sát cánh và đoàn kết trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố". Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết, bà bị "sốc" trước thông tin các vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp, đồng thời nhấn mạnh: "Tôi bị sốc trước các thông tin và hình ảnh từ Paris. Ở thời điểm này, tâm trí tôi chỉ nghĩ về các nạn nhân trong những vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra, gia đình họ cùng toàn thể người dân Pháp". Thủ tướng Anh David Cameron, tuyên bố, sẵn sàng hỗ trợ nước láng giềng và nỗ lực hết sức để có thể phục vụ công tác điều tra. Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, cho biết, Nga lên án các vụ tấn công "thù hận" và những kẻ tấn công "mất nhân tính" trong các vụ khủng bố tại Paris, đồng thời tuyên bố sẵn sàng giúp điều tra thủ phạm. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi lời chia buồn và khẳng định sự ủng hộ đối với Tổng thống Francois Hollande và người dân Pháp. Nhiều quan chức của Liên minh châu Âu, trong đó có Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini, cũng bày tỏ sự đoàn kết với người dân Pháp sau các vụ tấn công khủng bố.. Tổng thống Mỹ Barack Obama lên án đêm bạo lực tại Paris, coi đây là vụ "tấn công nhằm tất cả nhân loại" khi mọi giá trị tự do, bình đẳng, tín ngưỡng đều bị phá vỡ. Phát biểu trước các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Obama nói: "Tất cả những ai nghĩ rằng họ có thể đe dọa được nhân dân Pháp hoặc giá trị mà nước Pháp đã xây dựng là sai lầm". Cùng ngày, chính phủ các nước Nam Mỹ đồng loạt lên án mạnh mẽ các vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff "vô cùng sốc" trước những gì đang diễn ra tại Pháp và bày tỏ tình đoàn kết với chính phủ và người dân Pháp. Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro lên án vụ khủng bố và khẳng định người dân nước này sẽ luôn sát cánh cùng nước Pháp. Tổng thống Ecuador Rafael Correa nhấn mạnh đây là một hành động "dã man". Tổng thống Peru Ollanta Humala cũng khẳng định tình đoàn kết với nhân dân Pháp. Tổng Thư ký Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) Ernesto Samper nhấn mạnh chủ nghĩa khủng bố đã trở thành một "đại dịch trên thế giới" và kêu gọi các quốc gia đoàn kết trong cuộc chiến chống khủng bố. Bất chấp các vụ tấn công khủng bố ở Paris, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết các sân bay sẽ tiếp tục mở cửa và các chuyến bay vẫn được vận hành bình thường . Tuy nhiên, ngày 13/11, Tập đoàn Hàng không Mỹ - hãng vận tải hành khách lớn nhất thế giới - đã quyết định tạm ngừng các chuyến bay tới Paris, mặc dù sân bay Pháp vẫn mở cửa hoạt động bình thường. Người phát ngôn của American Airlines Joshua Freed, nhấn mạnh: "Hiện sân bay quốc tế Charles de Gaulle vẫn mở cửa, tuy nhiên chúng tôi sẽ tạm ngừng khởi hành các chuyến bay trong tối nay (13/11, giờ Mỹ) tới Paris cho tới khi có thêm thông tin mới". Riêng Hãng hàng không United Continental Holdings vẫn tiếp tục cho phép 3 chuyến bay dự kiến khởi hành sang Paris vào tối 13/11 từ Chicago, Newark và Washington D.C vận hành bình thường.
Theo Dangcongsan