Tháng 9-1963, sau khi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Ninh Bình, thầy giáo Thịnh Đức Xương với những kết quả đột phá trong học tập, một đảng viên trẻ, giàu nhiệt huyết, đã được tín nhiệm giao trọng trách làm Hiệu trưởng trường cấp II xã Khánh Thành. Năm 1965, ông là chuyên viên Phòng Giáo dục huyện Yên Khánh. Tháng 7-1967, là Trưởng phòng Tổng hợp-Ty Giáo dục Ninh Bình. Tháng 10-1973, là Trưởng phòng Giáo dục huyện Kim Sơn, rồi về làm hiệu phó, hiệu trưởng Trường THPT Yên Khánh B.
Sau gần 40 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, tháng 4-1998, thầy giáo Thịnh Đức Xương được về nghỉ hưu. Nhưng rồi nghỉ chưa ấm chỗ, với tâm huyết của một người thầy trăn trở vì "sự học", năm 2000 thầy giáo Thịnh Đức Xương lại đứng ra vận động, thành lập Hội Khuyến học huyện Yên Khánh và được tín nhiệm giao trọng trách làm Chủ tịch Huyện Hội.
Yên Khánh là vùng quê thuần nông, những năm đầu thập niên 2000 đời sống mọi mặt của nhân dân còn hết sức khó khăn, không ít học sinh nghèo, neo đơn, tàn tật phải vật lộn với hoàn cảnh để được đến trường đi học. Một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên với tinh thần học cho biết cái chữ, nên chỉ học hết cấp I, cấp II rồi nghỉ học phần vì do hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, phần vì thiếu sự đam mê, chí tiến thủ trong học tập, tu dưỡng, phần vì thiếu sự quan tâm của gia đình, xã hội.
Từ thực trạng trên, thầy giáo Thịnh Đức Xương đã không ngừng trăn trở, tích cực tham mưu cho lãnh đạo huyện, cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra những giải pháp, quan tâm, tạo điều kiện cho hoạt động khuyến học, khuyến tài có những bước phát triển toàn diện, vững chắc.
Những ngày đầu mới đi vào hoạt động, thầy đã cùng với Thường trực Hội thường xuyên đi cơ sở, phối hợp với cấp ủy, chính quyền để tìm những hạt nhân tích cực của phong trào nhằm xây dựng và phát triển tổ chức Hội. Với quyết tâm cao cùng những giải pháp có tính khả thi chỉ sau hơn một năm tất cả các thôn, xóm, xã, thị trấn ở Yên Khánh đã có tổ chức khuyến học.
Hội Khuyến học huyện đã sớm phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, phòng Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng phát triển các chi Hội Khuyến học tại các cơ quan, đơn vị, trường học, thu hút đông đảo các lực lượng tham gia. Thầy giáo Thịnh Đức Xương còn đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các cơ sở Hội trong Hội CCB, Hội Phụ nữ và chính từ đây phong trào "Tiết kiệm chi tiêu, nuôi lợn nhựa khuyến học" được phát động mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng.
Đến nay, gần 33% tổng số hộ gia đình của huyện Yên Khánh là hội viên Hội Khuyến học, 190 thôn, xóm, phố được bình xét, kiểm tra công nhận danh hiệu cộng đồng khuyến học, 248 dòng họ, trên 13.000 hộ gia đình được công nhận danh hiệu dòng họ, gia đình hiếu học.
Bản thân thầy giáo Thịnh Đức Xương đã có nhiều sáng kiến, đề xuất cùng với Ban Thường vụ, Hội Khuyến học các cấp trong việc xây dựng và phát triển Quỹ Khuyến học, tạo động lực cho hoạt động khuyến học ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.
Ông đã cùng với các đồng chí khác trong thường trực Hội đến với các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, viết thư kêu gọi Hội Khuyến học đồng hương tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, những người con xa quê làm ăn thành đạt đóng góp xây dựng quỹ và đã thu hút một số tiền không nhỏ ủng hộ Quỹ, nổi bật là việc xây dựng Quỹ khuyến học mang tên doanh nhân Vũ Duy Thanh.
Từ nguồn Quỹ, mỗi năm đã có hàng chục nghìn học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi được khen thưởng, hàng nghìn học sinh nghèo, học sinh khuyết tật, neo đơn, bất hạnh được trợ cấp, cấp học bổng.
Những món quà trợ cấp, những suất học bổng, những phần thưởng tuy chưa lớn nhưng theo thầy giáo Thịnh Đức Xương đó là sự mở lòng của cả xã hội, sự đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và các tổ chức quần chúng, của từng người dân trên địa bàn, để khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho bao thế hệ con em quê hương tu dưỡng và học tập tốt hơn.
Hội Khuyến học Yên Khánh đã vinh dự được UBND tỉnh tặng cờ thi đua xuất sắc, T.Ư Hội Khuyến học Việt Nam tặng Bằng khen. Trong thành tích chung đó có sự đóng góp không nhỏ của ông Thịnh Đức Xương.
Lê Liêu