Chiều 28/4, tại cuộc họp khẩn cấp phòng chống dịch bệnh mùa hè và nguy cơ từ dịch cúm lợn, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, dịp nghỉ lễ sắp tới việc kiểm tra khách quốc tế đến sân bay Nội Bài sẽ được Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế quan tâm đặc biệt, cán bộ y tế trực 24/24. Hành khách có dấu hiệu nghi vấn sẽ được cách ly và xử lý lập tức.
Sân bay Nội Bài cũng có một phòng cách ly với đầy đủ phương tiện, thiết bị sẵn sàng sử dụng khi cần thiết. "Chúng tôi đã bố trí 5-10 người tại mỗi cửa ra sân bay để kiểm tra hành khách nước ngoài", ông Tuấn cho biết.
Ngoài ra, các loại thực phẩm có nguồn gốc từ lợn nhập khẩu từ vùng có dịch cũng sẽ được Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu kiểm tra, xử lý. Trong chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã thị sát, chỉ đạo việc kiểm tra y tế tại sân bay Nội Bài.
UBND Hà Nội đã dành ra một khoản ngân sách hơn 6 tỷ đồng để ứng phó với nguy cơ từ dịch cúm lợn. Công ty Dược phẩm Hà Nội cũng được chỉ đạo chuẩn bị sẵn thuốc Taminflu để sử dụng khi cần thiết.
Cũng trong chiều 28/4, hai đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội) đã đến kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm lợn A (H1N1) tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội).
Ông Nguyễn Tiến Hòa, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Hà Nội cho biết, tất cả mọi hành khách đến sân bay đều được kiểm tra đo thân nhiệt, phát tờ khai. Những hành khách có biểu hiện sốt cao trên 38 độ sẽ được đưa ngay vào phòng cách ly, được các nhân viên y tế khám sàng lọc, phân loại ngay.
Tuy nhiên một trong những khó khăn của công tác kiểm soát dịch bệnh theo ông Hòa là hiện nay lượng khách đến sân bay lớn nhưng quân số không đủ. Ngoài ra, cả sân bay có 3 máy đo thân nhiệt nhưng chỉ còn 1 máy hoạt động, còn 2 máy bị hỏng.
Ông cũng đề nghị Sở Y tế Hà Nội hỗ trợ thêm khẩu trang cho tất cả mọi trường hợp nghi ngờ và cả những người làm trong sân bay, tăng cường hóa chất khử trùng, cộng thêm máy đo thân nhiệt.
Về vấn đề này, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, Sở sẽ hỗ trợ đầy đủ các phương tiện phục vụ cho việc kiểm soát ở sân bay và tăng cường khoảng 100 máy đo nhiệt điện tử cầm tay.
Ông cũng cho biết, hóa chất khử trùng tại Hà Nội có khoảng 30 tấn, có thể sẵn sàng cung cấp khi cần thiết. Thuốc Tamiflu cũng đã chuẩn bị được 500 cơ số, tuy nhiên ông đã nhập thêm để tích trữ cùng với những thuốc khác như dịch truyền để phòng khi có dịch xảy ra.
Cũng trong chiều 28/4, ông Trần Thanh Dương, Cục phó Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế) đã đáp máy bay đến sân bay Tân Sơn Nhất để kiểm tra nhắc nhở công tác giám sát bệnh tại TP HCM.
Trước buổi làm việc, ông Dương một lần nữa khẳng định, cúm lợn A (H1N1) nguy hiểm ở chỗ loại virus này tập trung vào người ở độ tuổi tráng niên chứ không vào trẻ em và người già. Đặc điểm này giống với đại dịch cúm tại Tây Ban Nha đã từng làm chết hơn 40 triệu người. Hiện con người chưa có khả năng miễn nhiễm và chưa có văcxin điều trị.
Chính vì sự nguy hiểm của bệnh, ông Dương yêu cầu, ngoài việc giám sát ở các cổng cảng, TP HCM cần chú ý hơn công tác điều trị bằng cách hoạch hóa toàn bộ các bệnh viện đã từng được trang bị để chống dịch SARS hồi năm 2005 để sẵn sàng ứng chiến nếu có ca bệnh.
Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế TP HCM, Phan Văn Nghiệm cho biết, mọi công tác chuẩn bị ứng phó bệnh, từ giám sát cổng cảng, giám sát tại các bệnh viện, các địa phương, đến các cơ sở y tế điều trị chuyên biệt đã được thiết lập chặt chẽ.
Sau khi kiểm tra hệ thống đo thân nhiệt tại ga quốc tế và nghe lãnh đạo Sở Y tế TP HCM báo cáo tình hình giám sát, phòng chống bệnh, ông Dương cho biết đã tạm yên tâm. Tuy nhiên cũng theo ông Dương, do khả năng bị lây bệnh của nước ta thuộc nguy cơ cao, do đó việc giám sát cần phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt cho đến khi thế giới công bố hết dịch.
Thông tin cuối ngày lúc 16h (ngày 28/4) từ Cục Y tế Dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), hiện Việt Nam vẫn chưa phát hiện một trường hợp nào nghi cúm lợn A (H1N1).
Theo VnExpress