Về việc điều chỉnh địa giới thành phố Hà Nội và một số tỉnh
Sáng 19-5, QH làm việc tại hội trường, thảo luận về việc điều chỉnh địa giới thành phố Hà Nội và một số tỉnh dưới sự điều khiển của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng.
Hầu hết các ý kiến phát biểu đều thể hiện sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ về việc cần thiết điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh và về chủ trương mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Về những vấn đề cụ thể, các đại biểu QH có những ý kiến và đề xuất.
Theo đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam), Tờ trình của Chính phủ về vấn đề quan trọng này cần nêu rõ hơn những lý do để sáp nhập các xã, huyện của các tỉnh khác về Hà Nội. Việc sáp nhập, mở rộng địa giới cần được tiến hành vững chắc bởi cùng với nó là sự chuyển dịch của các công sở, của bộ máy hành chính. Chính phủ cần đưa ra hai phương án để QH xem xét, lựa chọn và quyết định.
Ðại biểu Triệu Thị Bình (Yên Bái) quan tâm tới việc gìn giữ các nét văn hóa truyền thống của tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc sau khi điều chỉnh về Hà Nội và đề nghị các cơ quan chức năng cần có nhiều hoạt động, chương trình cụ thể góp phần không để quá trình đô thị hóa làm phai mờ các giá trị văn hóa lâu đời. Các bộ, ngành hữu quan cần quan tâm đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào các dân tộc sau khi trở thành công dân của Thủ đô. Ðại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) đề nghị: Chính phủ cần thành lập Ủy ban Ðặc trách về vấn đề mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội, từ đó có Tờ trình hợp lý, chặt chẽ và khoa học hơn, hợp ý Ðảng, lòng dân, tạo sự đồng thuận cao.
Ðại biểu Nguyễn Khắc Nghiên (Phú Thọ) ủng hộ chủ trương mở rộng Thủ đô bởi trên lĩnh vực quốc phòng, đây sẽ là công việc có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ Thủ đô nói riêng và an ninh, quốc phòng của đất nước nói chung.
Từ góc độ của một cán bộ quản lý công tác giao thông, đại biểu Hồ Nghĩa Dũng (Ðác Nông) cho biết: Quỹ đất dành cho giao thông hiện nay ở Hà Nội còn ít, chiếm khoảng 7%. Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu quan trọng khác trong giao thông đô thị của Thủ đô Hà Nội so với thủ đô các nước khác trong khu vực còn thấp (chỉ bằng 20% đến 30%). Với hiện trạng này, không thể quy hoạch giao thông Hà Nội tiến lên bằng mức trung bình của thế giới. Việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô sẽ góp phần quan trọng giúp các cơ quan chức năng có quỹ đất để quy hoạch giao thông Hà Nội hợp lý hơn, khoa học hơn.
Ðại biểu Nguyễn Sinh Hùng (Hà Tĩnh) nhấn mạnh: Thủ đô hiện nay chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của kết cấu hạ tầng, giao thông, thủy lợi, nông nghiệp, cũng như xây dựng, quốc phòng, an ninh và văn hóa-xã hội; vì vậy việc mở rộng địa giới hành chính là cần thiết. Ðây là vấn đề quan trọng, cho nên QH cần dựa vào tham mưu của các cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn và coi đó là cơ sở quan trọng để quyết định. Tờ trình của Chính phủ về vấn đề này là kết quả một quá trình làm việc nghiêm túc, dân chủ, đúng pháp luật, đã lấy ý kiến của HÐND cấp huyện, xã của các tỉnh, thành phố liên quan.
Nhất trí với chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội, đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn: Có nhất thiết phải xây dựng Thủ đô với diện tích tự nhiên, quy mô dân số lớn như Tờ trình hay không? Ðại biểu Mã Ðiền Cư (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ cần cân nhắc về quy mô mở rộng Hà Nội sao cho hợp lý và đúng khả năng. Hà Nội mở rộng sẽ có tỷ trọng lao động nông nghiệp chiếm tới 80% và đây sẽ là một thách thức rất lớn đối với kinh tế Thủ đô trong thời kỳ CNH, HÐH.
Ðại biểu Ðặng Như Lợi (Cà Mau) đề nghị cần làm rõ mở rộng địa giới trước rồi mới quy hoạch hay quy hoạch xong rồi mới mở rộng. Hà Nội hiện nay có thực trạng cơ sở hạ tầng yếu kém, vậy Hà Nội mở rộng sẽ như thế nào? Ðại biểu này đề nghị QH nhất trí với chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhưng giao Chính phủ nghiên cứu lại đề án, mời chuyên gia trong và ngoài nước tư vấn, lấy ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân.
Một số đại biểu QH nhấn mạnh: Mở rộng Thủ đô là công việc quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, vì vậy QH cần xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Ðại biểu Nguyễn Lân Dũng (Ðác Lắc) cho rằng, theo Tờ trình của Chính phủ thì Hà Nội mới quá rộng lớn trong khi mục tiêu đề ra chưa rõ ràng, chưa có phương án tối ưu. Ðề án mở rộng Hà Nội cần có quá trình chuẩn bị chặt chẽ, có phản biện, có thẩm định, không nên tiến hành vội vã.
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam
Buổi chiều, với sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Hùynh Ngọc Sơn, QH thảo luận ở hội trường dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam (QÐNDVN).
Luật Sĩ quan QÐNDVN hiện hành có hiệu lực thi hành từ ngày 1-4-2000. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật cũng bộc lộ một số bất cập, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp yêu cầu xây dựng quân đội trong thời kỳ mới.
Những điểm sửa đổi, bổ sung chủ yếu là: Xác định chức vụ cơ bản của sĩ quan, về tuổi phục vụ của sĩ quan, về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ của sĩ quan, chính sách đối với sĩ quan tại ngũ, sĩ quan biệt phái, vấn đề tiền lương, bảo đảm nhà ở cho sĩ quan và gia đình, và một số vấn đề khác.
Trong thảo luận, hầu hết ý kiến của đại biểu QH nhất trí cao việc sửa đổi, bổ sung vào 15 điều của Luật Sĩ quan QÐND hiện hành. Các đại biểu Lê Minh Hồng (Hà Nam), Nguyễn Văn Bình (Cao Bằng), Võ Văn Liêm (Vĩnh Long) và nhiều đại biểu khác nhất trí việc bổ sung ở Ðiều 13 nâng độ tuổi phục vụ của sĩ quan cấp úy và cấp tá thêm hai năm (so với luật hiện hành).
Nhiều đại biểu QH đồng tình bổ sung chức danh "chính ủy" vào hệ thống chức danh của quân đội từ cấp trung đoàn và Ban chỉ huy quân sự cấp quận, huyện trở lên; chức danh "chính trị viên" ở cấp đại đội và tiểu đoàn. Nhiều đại biểu QH đồng tình việc phong quân hàm cao hơn một bậc đối với sĩ quan phục vụ tại "địa bàn trọng yếu" và đơn vị có "nhiệm vụ đặc biệt", nhưng cần có tiêu chí cụ thể để xác định rõ thế nào là "địa bàn trọng yếu" và thế nào là đơn vị có "nhiệm vụ đặc biệt".
Ðại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) đề nghị ghi ngay trong luật, nếu học viên sĩ quan tốt nghiệp loại giỏi thì phong quân hàm trung úy (nếu bình thường chỉ phong thiếu úy).
Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) và một số đại biểu khác đề nghị, đối với sĩ quan quân đội biệt phái sang phục vụ ở các ngành, đơn vị ngoài quân đội, cần được áp dụng chính sách phong quân hàm, chế độ như sĩ quan tại ngũ, tránh thiệt thòi.
Một số đại biểu QH đề nghị cần có chính sách, chế độ đối với đội ngũ sĩ quan kỹ thuật, nhất là ở các binh chủng không quân, hải quân, bộ đội tên lửa, ra-đa...
Ðối với chế độ tiền lương, nhà ở, một số đại biểu QH đề nghị dự luật phải xác định tiêu chuẩn cụ thể, có tính khả thi cao, góp phần động viên đội ngũ sĩ quan yên tâm phục vụ quân đội.
Ðại biểu Nguyễn Văn Bé (TP Hồ Chí Minh) đề nghị có chính sách trợ cấp cho con sĩ quan dưới 18 tuổi (từ một đến hai con). Ðại biểu Sùng Thị Chứ (Yên Bái) đề nghị việc hỗ trợ nhà ở cho sĩ quan nên thực hiện qua lương mới mang tính khả thi. Theo ND