Các ý kiến phát biểu đều tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ hiện hành với các quy định về quyền sở hữu đã góp phần quan trọng trong việc khuyến khích các hoạt động sáng tạo và bảo hộ thành quả của lao động sáng tạo, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người sáng tạo, nhà sử dụng, công chúng hưởng thụ, bảo vệ được lợi ích quốc gia và tương thích với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp và giống cây trồng, nạn sao chụp tác phẩm, vi phạm về nhãn hiệu hàng hóa… gây thiệt hại cho nhà đầu tư. Các đại biểu đi sâu vào phân tích các nội dung cần sửa đổi, bổ sung như: thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nên quy định là 50 hay 75 năm để bảo vệ lợi ích chính đáng của tác giả; thời hạn thẩm định nội dung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp sửa đổi theo hướng nâng thời gian thẩm định lên nhằm đảm bảo cho việc thẩm định hiệu quả; việc giám định về sở hữu trí tuệ nên xác định là hoạt động dịch vụ, có thể xã hội hóa kết hợp giữa trung tâm giám định công lập với các tổ chức, cá nhân khác có đủ điều kiện tham gia việc giám định…
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận về dự thảo Luật người cao tuổi. Tại tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu và Đồng Nai đã sôi nổi thảo luận về dự thảo Luật này. Hầu hết các ý kiến đồng tình cao với việc ban hành Luật Người cao tuổi, thay thế cho Pháp lệnh trước đây về người cao tuổi với nhiều quy định mới, có ý nghĩa động viên, khích lệ và quan tâm đến đối tượng người cao tuổi. Các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung liên quan đến việc xác định đối tượng, độ tuổi của người cao tuổi, chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước đối với người cao tuổi, ngân sách chi thường xuyên cho người cao tuổi… Theo đó, các đại biểu có ý kiến: Khả năng ngân sách và các điều kiện bảo đảm của Nhà nước hiện nay còn hạn chế nên cần xác định ưu tiên thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi là công dân Việt Nam sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn đối với số lượng người cao tuổi sinh sống ở trong nước. Tuy nhiên, người cao tuổi là nguồn lực đóng góp trí tuệ, công sức cho xã hội nên để phát huy lợi thế, đóng góp của người cao tuổi nước ngoài đối với đất nước, đề nghị dự thảo Luật nên bổ sung áp dụng một số quy định hỗ trợ đối với người nước ngoài từ 60 tuổi trở lên sống tại Việt nam nhằm đảm bảo sự kế thừa của Pháp lệnh Người cao tuổi.
Về vấn đề chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các ý kiến đề nghị Nhà nước cần quan tâm, tăng cường ngân sách để chăm sóc, hỗ trợ cho người cao tuổi nhằm phát huy sức mạnh của người cao tuổi đối với sự phát triển của đất nước. Bên cạnh đó, các đại biểu kiến nghị, ngoài 7 nhóm đối tượng người cao tuổi được hưởng chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước, dự thảo Luật cần quy định rõ việc hỗ trợ đối với người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: trường hợp ông, bà phải nuôi cháu chưa thành niên do bố, mẹ của cháu chết vì HIV/AIDS… thì phải được hưởng các quyền và hỗ trợ đặc biệt như: phát bảo hiểm y tế, chăm sóc đặc biệt…
Về công tác hỗ trợ, chăm sóc người cao tuổi, các đại biểu đề nghị cần quan tâm đến ngân sách chi thường xuyên cho người cao tuổi. Nguồn ngân sách này cần được thực hiện theo sự ủng hộ của Nhà nước, đóng góp của UBND các cấp. Ngoài ra, khoản kinh phí cho các hoạt động thăm hỏi, mừng thọ nên thông qua công tác kêu gọi các nhà hảo tâm, tập đoàn kinh tế ủng hộ. Cần làm tốt công tác khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở chăm sóc người cao tuổi có chất lượng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Việc huy động này sẽ góp phần tăng kinh phí hỗ trợ người cao tuổi.
Bùi Diệu