Theo dự kiến, chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2010 gồm 48 dự án Luật, pháp lệnh, trong đó có 34 dự án trong chương trình chính thức và 14 dự án trong chương trình chuẩn bị. Thảo luận về các dự án Luật mới, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến nội dung dự án Luật thủ đô và đồng ý đưa dự án Luật này vào chương trình nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII. Về sự cần thiết của một số dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai, dự án Luật bảo hiểm tiền gửi, sửa đổi, bổ sung Luật báo chí, Luật Ngân sách Nhà nước… các ý kiến cho rằng, các dự án Luật này cần phải trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 vì các dự án Luật này đều có nội dung liên quan đến những đòi hỏi cấp bách của thực tế nhằm khắc phục những vướng mắc trong từng lĩnh vực, nhất là trong điều kiện kinh tế đang suy giảm…
Các ý kiến thảo luận cũng đề cập đến việc chuẩn bị các dự án Luật: cần tránh tình trạng chuẩn bị chưa kỹ, tránh dồn quá nhiều dự án Luật vào một cơ quan, ảnh hưởng đến chất lượng chuẩn bị các dự án Luật…
Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội làm việc theo tổ để thảo luận về dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh. Tổ đại biểu 4 tỉnh: Ninh Bình, Hà Giang, Bạc Liêu và Đồng Nai đã sôi nổi thảo luận về dự án Luật này.
Nhận định về dự án Luật, các ý kiến khẳng định sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về khám, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác khám, chữa bệnh hiện nay, hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám, chữa bệnh, tạo môi trường bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh của Nhà nước với cơ sở tư nhân.
Các đại biểu đi sâu vào phân tích một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau như: quy định cấm công chức, viên chức y tế thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý điều hành tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, chứ không nên cấm riêng đối với bệnh viện tư nhân; cơ chế pháp lý về quyền và nghĩa vụ của thầy thuốc, của người bệnh, của cơ sở khám, chữa bệnh, bảo hiểm rủi ro trong hành nghề…
Về tính khả thi của dự án Luật trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, các ý kiến đề nghị điều chỉnh, bổ sung một số cơ chế hiện hành, cùng với một số quy định mới để góp phần chấn chỉnh và lập lại kỷ cương trong hành nghề y cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc, hạn chế đang gặp phải hiện nay.
Các đại biểu cũng chỉ rõ, cùng với việc ban hành, bổ sung một số cơ chế, chính sách, cần quan tâm đến tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế, hạn chế tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến trên; Cần có cơ chế ưu tiên trong khám, chữa bệnh đối với người bệnh là người có công với cách mạng, người nghèo, nhân dân vùng sâu, khó khăn, trẻ em, người cao tuổi; Quy định về tuyến trong hệ thống khám, chữa bệnh, trách nhiệm của bệnh viện tuyến trên với tuyến dưới; nguồn lực để đảm bảo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và cơ chế tài chính trong các cơ sở khám, chữa bệnh…
Các nội dung: thẩm quyền cấp lại, gia hạn và thu hồi chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, việc cung ứng dịch vụ y tế đối với người bệnh, vấn đề cấp cứu… cũng được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến.
Bùi Diệu