Phần lớn các ý kiến thảo luận đều tập trung đánh giá kết quả áp dụng hệ thống 8 nhóm giải pháp do Chính phủ trình Quốc hội thông qua trước diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2008, những bài học kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nền kinh tế trong tình hình mới như: việc lựa chọn mục tiêu tổng quát về kinh tế- xã hội năm 2009, công tác cảnh báo, dự báo về phát triển kinh tế- xã hội nước ta trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới, công tác điều hành chính sách tiền tệ và tài chính…
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 có những diễn biến bất lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống, đe dọa nghiêm trọng ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững.
Các ý kiến cũng đánh giá cao sự thẳng thắn nhận thiếu sót, khuyết điểm của Chính phủ. Tuy nhiên cũng cần chỉ rõ thiếu sót thuộc bộ, ngành nào? Ai là người chịu trách nhiệm? Về các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2009, các đại biểu đưa ra rất nhiều giải pháp thiết thực như: Nâng cao vai trò chủ lực của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước, quan tâm tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân, thực hiện cải cách hành chính và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đào tạo xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho CNH-HĐH đất nước…
Tham gia thảo luận nội dung này, đại biểu Bùi Đắc Luyên, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình đã có những đánh giá khách quan, toàn diện về những kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 của đất nước, đưa ra một số giải pháp để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2009.
* Ngày 30/10, Quốc hội tiến hành nội dung thảo luận về kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2008, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách trung ương và bổ sung ngân sách địa phương. Đối với dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và bổ sung ngân sách địa phương năm 2009, các đại biểu có quan điểm: Quan tâm đặc biệt đến việc nuôi dưỡng nguồn thu, nhất là nguồn thu trong nước và cần tạo ra các nguồn thu mang tính chất lâu dài; Cần tận dụng hiệu quả các chính sách ưu đãi hiện có trong xóa đói, giảm nghèo, xây dựng chính sách đặc thù để xóa đói, giảm nghèo nhanh, hiệu quả hơn; Chính sách thu ngân sách năm 2009 cần cố gắng đảm bảo kế hoạch thu trong điều kiện thực hiện một số luật thuế có tính giảm thu. Về dự toán ngân sách, các đại biểu đề nghị cần cơ cấu lại ngân sách (cả thu và chi) cho phù hợp với thực tiễn quản lý nền kinh tế trong điều kiện lạm phát, tăng thu nhưng không làm tăng gánh nặng cho nền kinh tế, tiết kiệm chi ngân sách, ưu tiên đầu tư cho con người, đảm bảo an sinh xã hội, dành sự đầu tư thỏa đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, xa…
Bùi Diệu