Chậm trễ trong việc cấp sổ đỏ
Trước đây, 1 mẫu ruộng cấy của gia đình bà Đoàn Thị Vam ở xóm Đông, thôn Lạc Hiền (xã Yên Hòa, huyện Yên Mô) được chia làm 5 lô ở 5 chỗ nằm cách xa nhau.
Từ ngày DĐĐT, quy về một chỗ, công việc thăm đồng mất ít thời gian hơn hẳn, không những thế do áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nên chi phí cũng giảm đi nhiều mà năng suất có phần khá hơn. Bà Vam phấn khởi lắm, băn khoăn duy nhất của bà lúc này là làm thế nào để được cấp lại GCNQSDĐ trên thửa ruộng mới này.
Mong muốn của bà Vam cũng là nguyện vọng của rất nhiều bà con nông dân khác, đồng thời cũng là băn khoăn, trăn trở của chính quyền xã nơi đây. Ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: Cuối năm 2013, địa phương chính thức triển khai thực hiện DĐĐT.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực từ nhiều phía, nhất là lòng dân đồng thuận cao nên đến vụ xuân năm 2014 bà con đã tiến hành sản xuất trên thửa ruộng mới. Số thửa bình quân giảm từ 3,7 thửa/hộ xuống còn 1,5 thửa/hộ.
Tuy nhiên, hiện gần như 100% diện tích đất lúa của xã vẫn chưa được cấp đổi lại GCNQSDĐ, mặc dù xã đã hoàn thiện số liệu thô, làm phiếu thửa và biên bản giao đất thực địa cho người dân.
Không chỉ tại xã Yên Hòa mà hiện nay huyện Yên Mô hầu như chưa có xã nào hoàn thiện việc đo đạc, cấp lại "sổ đỏ" sau DĐĐT.
Mặc dù Yên Mô là một trong những huyện có kết quả DĐĐT tốt nhất tỉnh. Đến nay, toàn huyện đã có 217/220 thôn, xóm của 16 xã đã hoàn thành công tác DĐĐT với tổng diện tích đất nông nghiệp đã giao cho các hộ là 7.043 ha, đồng nghĩa với việc đã có sự thay đổi rất lớn về vị trí, diện tích, số thửa, mục đích sử dụng đất của hàng chục nghìn hộ nông dân.
Trao đổi với một số cán bộ địa chính, lãnh đạo các xã, nhiều vấn đề đã được nêu ra. Đa phần các ý kiến đều cho rằng: Sự chậm trễ của việc cấp lại GCNQSDĐ nông nghiệp cho hộ gia đình đang gây thiệt hại cho cả Nhà nước và nhân dân.
Bởi, Nhà nước sẽ gặp khó khăn trong quản lý, giải quyết tranh chấp đất đai của người dân; còn người sử dụng đất thì thiệt thòi do những trở ngại trong quá trình sản xuất và thực hiện các giao dịch dân sự như trao đổi, thế chấp vay vốn...
Thiếu kinh phí
Qua tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính dẫn đến việc chậm trễ trong cấp đổi GCNQSDĐ cho người dân sau DĐĐT chính là việc thiếu kinh phí.
Ông Phạm Văn Ngân, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết: "Chính quyền xã không đủ kinh phí, nhân lực để thực hiện trong khi không thể bắt người dân đóng thêm khoản phí mà họ đã bỏ ra trước đó để đóng góp chỉnh trang đồng ruộng".
Theo ông Vũ Văn Vẻ, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Mô thì ngay từ năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Hướng dẫn số 958/HD-STNMT hướng dẫn chi tiết việc hoàn thiện hồ sơ địa chính sau DĐĐT, trong đó nêu cụ thể trách nhiệm của cấp xã, cấp huyện chỉnh lý hồ sơ như thế nào; địa phương đã có và chưa có bản đồ địa chính chính quy dạng số thì làm ra sao, các mẫu biểu để triển khai…
Cuối năm 2014, UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 80/KH-UBND về việc thực hiện đo đạc, chỉnh lý Hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau DĐĐT.
Theo đó trong năm 2015 và 2016 sẽ phải tiến hành đo đạc, chỉnh lý Bản đồ địa chính và cấp Giấy chứng nhận đất nông nghiệp sau DĐĐT của 23/35 đơn vị cấp xã đã hoàn thành công tác DĐĐT trước ngày 30-9-2014, trong đó có 12 xã của huyện Yên Mô.
Tuy nhiên, công việc này phải mất hàng tỷ đồng nhưng hiện giờ kinh phí vẫn chưa có nên huyện Yên Mô cũng như các địa phương khác đều phải chờ.
Ông Chu Thanh Hà, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 70 xã đã cơ bản hoàn thành xong DĐĐT. Tuy nhiên, các địa phương mới chỉ dừng lại ở việc đo đạc, giao đất ngoài thực địa chứ việc chỉnh lý hồ sơ, cấp lại GCNQSDĐ thực hiện được rất ít.
Để đẩy nhanh tiến độ công việc, trong thời gian tới Sở sẽ ưu tiên tập trung các nguồn lực, bố trí cán bộ, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ các địa phương kịp thời tháo gỡ, xử lý mọi vướng mắc liên quan.
Tuy nhiên, các địa phương cũng cần quyết liệt vào cuộc, đồng thời chủ động bố trí nguồn kinh phí cho công tác này.
Việc cấp GCNQSDĐ sau DĐĐT nhằm làm tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, bảo đảm quyền của người sử dụng đất và tránh tình trạng lấn chiếm, tranh chấp. Trên địa bàn tỉnh ta đã có những bài học trong việc quản lý đất đai gây khiếu kiện kéo dài do việc chậm trễ kiểm tra, rà soát, hoàn thiện hồ sơ chỉnh lý biến động đất đai.
Khối lượng công việc phải thực hiện trong thời gian tới là rất lớn, theo thống kê, khối lượng đo đạc, chỉnh lý Bản đồ địa chính và cấp GCNQSDĐ đối với đất nông nghiệp có tham gia DĐĐT tại 124 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh là gần 59 nghìn ha với số lượng GCNQSDĐ cần cấp gần 355.700 giấy. Ước tính sẽ cần hàng chục tỷ đồng để thực hiện công việc này.
Do vậy, các giải pháp để bố trí nguồn kinh phí, đẩy nhanh tiến độ chỉnh lý Bản đồ địa chính và cấp GCNQSDĐ cần sớm được đưa ra bàn thảo, thực hiện cả ở cấp tỉnh và cấp huyện để bảo đảm tính kịp thời, khích lệ và giúp người dân yên tâm dồn đổi ruộng.
Hà Phương