Có mặt tại xưởng gốm của HTX gốm Gia Thủy, hình ảnh đầu tiên mà chúng tôi bắt gặp là những người thợ gốm đang cần mẫn, tỉ mỉ chuốt từng đường nét trên mỗi sản phẩm mộc được làm từ đất sét. Đây là một trong những công đoạn rất quan trọng để làm nên một sản phẩm đạt giá trị thẩm mỹ cao. HTX gốm Gia Thủy có hơn 40 lao động, trong đó có 30 thợ chính. Những lao động ở đây đa phần ở tuổi 35 trở lên và đã gắn bó với nghề ít nhất là 20 năm, còn lại là thợ phụ.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Trần Văn Tân - một nghệ nhân đã có 33 năm tâm huyết với nghề cho biết: "Để làm nên một sản phẩm gốm hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn. Nguyên liệu chính là đất sét vàng, đất phải được phơi khô từ 2-3 ngày, sau đó đập ra cho tơi, sàng qua lưới lấy đất mịn nhồi nước, cho vào máy xay trộn thật đều, nhuyễn. Sau đó nhào cho thật mịn và dẻo, như thế sản phẩm mới có độ bóng, chắc, không bị rỗ. Đất sau khi để ráo được đưa lên bàn quay để tạo sản phẩm.
Tiếp đó làm bóng sản phẩm bằng cách lấy khăn sạch nhúng vào nước cái "bông đá" và chà lên sản phẩm. Phơi tiếp 2-3 nắng cho giảm bớt độ ẩm, sau đó người thợ sẽ tiến hành các khâu cắt gọt các bộ phận (vòi, quai...), tỉa lại đường nét, hoa văn, tạo họa tiết sao cho sản phẩm thật tinh xảo. Cuối cùng là công đoạn nung ở nhiệt độ cao nhất là: 1.5000C. Để sản phẩm có màu đỏ tươi, cần phải khống chế nhiệt độ theo từng cấp, như thế sản phẩm mới không bị nứt và 10 ngày sau mới được ra lò thành phẩm". Mỗi công đoạn trong nghề gốm đòi hỏi phải có kinh nghiệm, bí quyết riêng cùng với biết bao giọt mồ hôi, công sức hòa quyện vào chất dẻo của đất để tích tụ thành cái đẹp. Anh Đinh Quang Hà - một trong những nghệ nhân có tay nghề cao tâm sự: "Làm nên một sản phẩm có giá trị cao không chỉ nhờ vào năng khiếu, kinh nghiệm mà quan trọng hơn cả là sự cần cù, tâm huyết với nghề của người thợ gốm".
Sản phẩm chủ yếu của làng nghề gốm Gia Thủy là chum, vò, vại, ấm... Người dân nơi đây đã biết tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có do thiên nhiên ban tặng để rồi từ một cục đất thô sơ, vô tri vô giác qua đôi bàn tay, khối óc của người thợ đã làm nên những sản phẩm có hồn với những họa tiết, đường nét thật tinh tế, sắc sảo. Đặc biệt, trong những năm gần đây mặt hàng gốm sứ đã trở thành sản phẩm thời thượng và được thị trường các nước trên thế giới quan tâm, ưa chuộng, bởi loại sản phẩm này có màu sắc tự nhiên của đất và lửa chứ không phải tráng men như gốm mỹ nghệ.
Những nghệ nhân của HTX gốm Gia Thủy đã không ngừng học hỏi, tìm tòi để sáng tạo nên các sản phẩm ngày một phong phú về chủng loại, độc đáo về kiểu dáng, nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng. Mỗi năm, HTX tiêu thụ ra thị trường trong nước (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương...) và thị trường nước ngoài (Nhật) từ 4.000-5.000 sản phẩm, đạt doanh thu từ 700-900 triệu đồng/năm, qua đó tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong xã. Những người thợ có tay nghề cao thu nhập khoảng 3 triệu đồng/người/tháng, thợ tay nghề thấp cũng đạt 1,5-2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lê Xuân Lưu, Chủ nhiệm HTX gốm Gia Thủy và cũng là người có thâm niên làm gốm lâu nhất cho biết: "Hiện nay, khó khăn mà làng gốm Mỹ Lộc gặp phải là vấn đề vốn để mua nguyên liệu và mặt bằng để sản xuất. Mặc dù nguyên liệu có sẵn nhưng lại không tập trung, đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghề gốm ở đây phát triển chưa được như mong muốn.
Những người thợ gốm Mỹ Lộc mong muốn các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ nguồn vốn, tháo gỡ khó khăn để phát triển nhằm tạo thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới, và quan trọng hơn là giữ gìn một làng nghề truyền thống - làng gốm Mỹ Lộc.
Hà Ngân