Khó khăn chồng chất
Chưa khi nào người chăn nuôi lại lâm vào cảnh khốn đốn như hiện nay, giá các sản phẩm chăn nuôi xuống thấp kỷ lục, trong đó giảm nhiều nhất là thịt lợn. Cuối năm 2012, giá thịt lợn hơi duy trì ở mức 50 nghìn đồng/kg thì đến nay chỉ còn 29.000-30.000 đồng/kg đối với lợn nội và 36.000 đồng-38.000 đồng/kg đối với lợn siêu nạc, trong khi giá thành chăn nuôi lên tới 39.000-40.000 đồng/kg. Như vậy khi một con lợn xuất chuồng, trung bình người chăn nuôi lỗ 300.000-6.000.000 đồng/tạ. Thịt gia cầm và trứng gia cầm cũng đang ở mức thấp, trứng vịt 28.000-30.000 đồng/1chục, trứng gà ta 30.000 đồng/1 chục, gà ta 100.000 đồng/kg, gà màu 60-65.000 đồng/kg, gà trắng 30.000-32.000 đồng/kg.
Giá các sản phẩm chăn nuôi giảm, trong khi đó giá các loại nguyên liệu, thành phẩm thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y từ giữa năm 2012 đến nay liên tục điều chỉnh tăng với tỷ lệ trung bình 3-4%/tháng đã khiến nhiều cơ sở, hộ chăn nuôi hoạt động cầm chừng, giảm đàn, thậm chí ngừng nuôi.
Hơn 15 năm gắn bó với nghề nuôi lợn nhưng ông Phạm Khắc Nhu, thôn Đoàn Kết, xã Yên Sơn (thị xã Tam Điệp) chưa khi nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Những năm trước trong chuồng nhà ông lúc nào cũng có vài trăm con lợn nhưng hiện nay chỉ còn hơn 20 con lợn thịt và 6 con lợn nái. Ông Nhu cho biết: Từ năm 2012 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi điều chỉnh tăng 3 đợt, trong khi đó giá lợn hơi chỉ tăng được 1 tháng Tết, còn lại giảm sâu. Lợn lai giảm chỉ còn 29.000-30.000 đồng/kg mà còn khó tìm được người mua. Thương lái đến xem lợn, con nào ăn không đúng hãng cám, mông vai không tốt giá còn bị ép xuống thấp nữa. Nếu cứ mãi tình trạng như thế này chắc tôi phải bỏ nuôi vì lỗ.
Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Đồng Giao- một đơn vị sản xuất giống lợn có tiếng ở khu vực phía Bắc. Trung bình 1 năm Công ty cung ứng ra thị trường khoảng 10.000 con lợn giống các loại. Tuy nhiên thời điểm này Công ty cũng đang gặp không ít khó khăn. Ông Lại Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty cho biết: Nhiều trang trại lớn ở Hà Nam, Nam Định, Hòa Bình trước đây thường xuyên nhập giống của Công ty nay rơi vào tình trạng thua lỗ, khó khăn về vốn đã chuyển sang hoạt động cầm chừng, giảm đàn, thậm chí đóng cửa. Có lúc Công ty tồn khoảng 3.800 con lợn giống nên bắt buộc phải hạ giá bán thấp hơn giá thành, 1 con lợn giống bán ra Công ty lỗ 260.000-300.000 đồng/con nhưng vẫn phải bán. Nếu thời gian tới tình hình chưa có chuyển biến sẽ có nhiều trang trại tiếp tục đóng cửa và việc tiêu thụ của Công ty sẽ càng thêm khó khăn - ông Nguyên lo lắng.
Theo thống kê của ngành Chăn nuôi tỉnh, trong quý I năm 2013 số lượng đàn gia súc, gia cầm giảm mạnh: Đàn trâu giảm 600 con, đàn bò giảm gần 600 con, đàn lợn giảm trên 54 nghìn con và đàn gia cầm giảm 650 nghìn con so với thời điểm tháng 10-2012. Nguyên nhân số lượng gia súc, gia cầm giảm một phần là do đàn gia súc, gia cầm bị giết thịt phục vụ nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết nhưng nguyên nhân chính vẫn là do giá sản phẩm chăn nuôi thấp, người chăn nuôi không có lãi.
Kiểm soát hàng nhập lậu, khơi thông nguồn vốn
Theo ông Lại Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng, con nuôi Đồng Giao việc giá cả các sản phẩm chăn nuôi tụt dốc một phần nguyên nhân là do mức độ tiêu dùng thấp, mặt khác do việc kiểm soát gia cầm nhập lậu có lúc, có nơi chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để, đồng thời việc cho phép nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài cũng phần nào tạo áp lực lên ngành chăn nuôi trong nước. Do vậy, ông đề nghị thời gian tới, Nhà nước cần nghiêm túc hơn nữa trong việc xử lý gia cầm nhập lậu và hạn chế nhập khẩu thịt.
Một số chủ trang trại cho rằng, để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, các ngành chức năng cần tập trung loại trừ tận gốc việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng. Đồng thời Nhà nước cần chỉ đạo các ngân hàng có chính sách khoanh nợ cũ và tạo điều kiện cho họ tiếp tục được vay vốn để đầu tư sản xuất.
Ngày 8-8-2012, Chính phủ đã có văn bản số 1149 về các giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, trong đó có quy định người chăn nuôi được giãn nợ tối đa 24 tháng và lãi suất các khoản vay cũ, vay mới ở mức 11%/năm... Nhưng trên thực tế hầu hết những nông dân mà chúng tôi hỏi đều chưa được tiếp cận mức lãi suất ưu đãi này.
Để kịp thời giải quyết vấn đề này, thiết nghĩ chính quyền và các ngành chức năng ở địa phương cần tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thông báo rõ ràng chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho các cơ sở chăn nuôi và hướng dẫn họ tiến hành các thủ tục cần thiết để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Các địa phương cần thống kê, rà soát những cơ sở chăn nuôi gặp khó khăn để đề nghị ngân hàng hỗ trợ kịp thời.
Ông Bùi Văn Chính, Trưởng phòng kinh doanh, Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT Ninh Bình cho biết: Thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng nhà nước về việc tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở chăn nuôi, chúng tôi sẽ vận dụng tối đa các quy định về lãi suất, thời hạn, chế độ để giúp đỡ các doanh nghiệp chăn nuôi vượt qua khó khăn. Trong quý I năm 2013, tổng dư nợ cho vay của ngân hàng là 64.000 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn là 5.700 tỷ đồng (chiếm 78%).
Tuy nhiên, trong khi chờ các gói hỗ trợ từ Chính phủ, ngành nông nghiệp khuyến cáo trong tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, các hộ chăn nuôi nên sử dụng thức ăn chế biến bằng nguyên liệu tại chỗ, các cơ sở chăn nuôi cần hạn chế sử dụng thức ăn công nghiệp hỗn hợp hoàn chỉnh mà chuyển sang sử dụng thức ăn đậm đặc phối trộn với các nguồn nguyên liệu có sẵn như ngô, cám, khoai, sắn. Việc này giúp giảm giá thành thức ăn chăn nuôi xuống khoảng 10-12%. Đồng thời bà con nông dân cũng cần chú ý chọn mua các con giống đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình nuôi thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh...
Nguyễn Lựu