Kết quả thanh tra tại Công ty TNHH Nestlé Việt Nam năm 2008 cho thấy, chi phí bán hàng của doanh nghiệp (DN) chiếm 61,1% trên tổng chi phí; chi phí quảng cáo, tiếp thị chiếm 38%. 9 tháng đầu năm 2009, Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã chủ động giảm chi phí bán hàng xuống mức 59,2% và chi phí quảng cáo tiếp thị xuống 27%. DN cũng giảm giá sản phẩm sữa LACTOGEN từ 12% đến 18% giá bán (có hiệu lực từ ngày 7-7-2009); giảm giá sữa NAN từ 7% đến 12% giá bán (có hiệu lực từ ngày 14-9-2009).
Tại Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition Việt Nam, năm 2008 chi phí bán hàng chiếm tới 77,53% trên tổng chi phí; 6 tháng đầu năm 2009, chi phí này giảm xuống mức 66,45%. Chi phí dành cho quảng cáo của DN năm 2008 ở mức 53,46% và 6 tháng đầu năm 2009 giảm xuống mức 36,22%. Kết quả thanh tra cho thấy, chi phí bán hàng, quảng cáo của DN này luôn ở mức cao; nhóm chi phí thuộc mức khống chế (10%) đã vượt quá quy định (năm 2008 vượt 19 lần và 6 tháng đầu năm 2009 vượt 10 lần). Nếu DN thực hiện cắt giảm chi phí quảng cáo, tiếp thị và phối hợp với nhà phân phối quản lý giá bán sữa người tiêu dùng sẽ được mua sữa nhập khẩu với mức giá thấp hơn.
Kết quả thanh tra tại Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến tương tự với hai DN nêu trên. 6 tháng đầu năm 2008, chi phí bán hàng của DN này chiếm 62,65% tổng chi phí và bằng 9,34% trên giá bán. Chi phí quảng cáo và tiếp thị chiếm 21,21%. 6 tháng đầu năm 2009, chi phí bán hàng của DN này đã tăng lên 85,08% và chiếm 20,83% trên giá bán. Trong đó chi phí cho quảng cáo, tiếp thị chiếm tới 42,75% trên tổng chi phí. Thanh tra Bộ Tài chính kết luận, mặc dù giá vốn của DN này có xu hướng giảm song giá bán trên thị trường vẫn không giảm do tăng chi phí tiếp thị, quảng cáo và các loại chi phí khác. Thanh tra Bộ kiến nghị, DN cần công khai giá bán của từng sản phẩm sữa đến người tiêu dùng; tiết giảm hợp lý chi phí quảng cáo, tiếp thị và giảm giá bán hợp lý theo đúng quy định của Bộ Tài chính.
Theo TTXVN