Để xây dựng thương hiệu sản phẩm "Chè xanh Quang Sỏi" và "Đào phai Tam Điệp", thành phố Tam Điệp đã tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm, đó là: nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen quý của cây chè và cây đào phai làm cơ sở cho việc nhân giống; tăng cường chuyển giao KHKT, nâng cao kiến thức cho nông dân trong trồng, chăm sóc cây; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hộ trực tiếp tham gia trồng, phát triển cây chè, cây đào phai; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, thủy lợi… Trong quá trình triển khai, thành phố coi trọng công tác tuyên truyền để người dân nhận thức đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, từ đó nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng trong sản xuất, tuân thủ quy trình hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn trong kỹ thuật canh tác để đảm bảo các sản phẩm chất lượng, an toàn, bảo vệ, duy trì thương hiệu.
Nhằm duy trì bảo tồn nguồn giống quý của cây chè, cây đào phai, thành phố Tam Điệp đã triển khai xây dựng mô hình "Bảo tồn giống chè bản địa phục vụ cho công tác nhân giống trên địa bàn xã Quang Sơn" và triển khai thực hiện 2 đề tài: "Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị, hiệu quả kinh tế cho cây đào phai ở xã Đông Sơn" và đề tài "Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật và sản xuất cây hoa đào phai tại thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình". Việc triển khai mô hình, các đề tài đã góp phần quan trọng tạo ra nguồn giống cây đào phai, cây chè Quang Sỏi có điểm nổi trội về chất lượng, tạo sức cạnh tranh trên thị trường. Đi kèm với việc bảo tồn nguồn gen quý của cây chè, cây đào phai, thành phố Tam Điệp đã chủ động phối hợp với ngành chức năng thực hiện quy trình xây dựng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm. Và hiện "Chè trại Quang Sỏi" và "Đào phai Tam Điệp" đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành Quyết định công nhận nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm.
Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 15, thành phố Tam Điệp đã chú trọng củng cố, nâng cao vai trò của các HTX, tổ hợp tác trong công tác quản lý, điều hành và tổ chức các dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, các Hợp tác xã Mùa Thu (là HTX có diện tích trồng đào phai), Quang Sỏi (HTX có diện tích trồng chè) đã nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ cung ứng giống, vật tư và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cây hoa đào phai, cây chè Quang Sỏi. Riêng đối với cây chè, ngoài việc duy trì nguồn gen quý, HTX Quang Sơn còn chú trọng tuyên truyền, vận động các hộ nông dân tích cực tham gia mô hình sản xuất chè an toàn. Đồng thời kêu gọi đầu tư vốn, công nghệ để tạo ra sản phẩm đa dạng, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng cung ứng cho thị trường.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè Quang Sỏi, đào phai Đông Sơn, đó là thành phố Tam Điệp đã quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông nội đồng, giao thông thủy lợi. Trong 5 năm, thành phố Tam Điệp đã đầu tư cứng hóa, bê tông hóa trên 23 km đường trục chính nội đồng phục vụ cho vùng trồng chè, trồng đào phai. Ngoài ra, HTX nông nghiệp Quang Sỏi tuyên truyền, lắp đặt 20 bể đựng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở các cánh đồng chè thuộc 5 thôn khối HTX nông nghiệp Quang Sỏi, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm và tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Sau 5 năm thực hiện, với sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở, sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân xã Đông Sơn, xã Quang Sơn, Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Tam Điệp (khóa VIII) đã đi vào cuộc sống, góp phần quan trọng xây dựng các thương hiệu sản phẩm truyền thống. Năng suất, chất lượng sản phẩm "Chè trại Quang Sỏi" và "Đào phai Tam Điệp" được nâng lên, giá bán sản phẩm ổn định hơn đã góp phần tăng thu nhập, ổn định đời sống cho người dân. Hiện nay, "Chè trại Quang Sỏi" là một trong những cây trồng chủ lực của xã Quang Sơn với diện tích 130 ha, trong đó, số diện tích chè có mật độ đảm bảo và cho năng suất tương đối ổn định là 87 ha. Năm 2019, năng suất bình quân của cây chè đạt 18 tấn/ha, sản lượng đạt 1.530 tấn, doanh thu đạt 7.650 triệu đồng, tăng 127 tấn và tăng doanh thu 638 triệu đồng/năm so với năm 2018, so với trước khi triển khai thực hiện nghị quyết, năng suất bình quân cây chè cao hơn 5,5 tấn/ha.
Cùng với sản phẩm "Chè trại Quang Sỏi", ngày nay, nhiều người biết đến cây "Đào phai Tam Điệp". Hiện đây là cây trồng chủ lực của xã Đông Sơn với 10 làng nghề trồng đào phai. Diện tích trồng đào phai trên địa bàn thành phố Tam Điệp được duy trì và mở rộng, hiện nay là 175 ha, tăng 47 ha so với năm 2013. Chất lượng và giá trị sản phẩm cây hoa đào phai ngày càng được nâng cao, nhiều hộ đã sản xuất theo hướng đào gốc, đào thế, nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ dân. Tổng thu nhập từ cây đào phai bình quân trong 5 năm qua (2015-2020) đạt khoảng 14,4 tỷ đồng, gấp 2 lần so với năm 2015.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thành ủy Tam Điệp cũng đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và chỉ ra một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 15, đó là: Công tác tuyên truyền về việc xây dựng thương hiệu sản phẩm chưa được sâu rộng. Diện tích trồng chè có xu hướng giảm (từ 172 ha năm 2015 giảm xuống còn 130 ha năm 2020). Sản phẩm chè hiện được tiêu thụ là chè cành tươi (không qua xử lý, chế biến, đóng gói...) dẫn đến khó khăn trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm, quản lý chất lượng hàng hóa. Trong khi đó, việc canh tác xen canh giữa cây chè và các cây trồng khác đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là trong quản lý sử dụng các thuốc BVTV trên các cây trồng xen canh. Bên cạnh đó, việc xây dựng các thương hiệu sản phẩm truyền thống gắn với phát triển du lịch trên địa bàn thành phố vẫn chưa thực sự tạo chuyển biến tích cực, do mặc dù đã quy hoạch xây dựng một số tuyến đường đào phai gắn với các điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được…
Với quyết tâm duy trì, phát triển thương hiệu sản phẩm truyền thống chè Quang Sỏi, đào phai Tam Điệp, Ban Thường vụ Thành ủy Tam Điệp đã ban hành kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố (khóa VIII) trong đó, phương châm chỉ đạo là tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu cho hai sản phẩm "Chè Trại Quang Sỏi" và "Đào phai Tam Điệp". Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, thông tin tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá thương hiệu và xây dựng mối liên kết hợp tác trong sản xuất gắn với doanh nghiệp để mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Mai Lan