Bám sát Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã đoàn kết, năng động, nỗ lực huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đến nay, 100% các xã trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước mục tiêu phấn đấu từ 3 - 4 năm, 1 xã được nâng cấp thành phường. Thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bám sát sự lãnh đạo của tỉnh, sự quan tâm tạo điều kiện của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Bình, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ thành phố đến cơ sở đã tập trung quyết liệt với những giải pháp đồng bộ, tạo nên sức mạnh tổng hợp để sớm về đích nông thôn mới. Năm 2011, khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, 4 xã Yên Bình, Đông Sơn, Yên Sơn, Quang Sơn, mỗi xã chỉ đạt từ 4 - 5 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng nông thôn như: Giao thông, thủy lợi, trường học, văn hóa, môi trường,… chưa được đồng bộ, cần có nguồn vốn lớn để đầu tư, trong khi đó, 50% số xã lại là xã nghèo trọng điểm của tỉnh.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chiến lược, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để tập trung lãnh đạo, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội cụ thể hóa thành nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức thực hiện, đưa nghị quyết nhanh chóng vào hiện thực cuộc sống và phát huy hiệu quả thiết thực. Thành phố đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ xây mới, nâng cấp, mở rộng nhà văn hóa thôn. Đẩy mạnh huy động, lồng ghép các nguồn lực để kiên cố trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn. Chủ động lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất lúa - cá, hỗ trợ xây dựng thương hiệu đào phai, chè xanh Ba Trại, từng bước nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất theo định hướng tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm gắn với phát triển đô thị.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới sâu rộng đến mọi đối tượng, các tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức phong phú nhằm cung cấp đầy đủ thông tin để nhân dân hiểu được mục đích, nội dung, ý nghĩa của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tạo sự đồng thuận trong nhận thức, hành động thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Sau 7 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, thành phố đã đạt được kết quả hết sức quan trọng. Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu được thực hiện đột phá: Thành phố đã đầu tư mở rộng, nâng cấp, cải tạo 11,7km đường trục xã; 20,06km đường trục thôn. Tiếp nhận và hỗ trợ xi măng nâng cấp, cải tạo 40,2 km đường liên thôn, xóm, ngõ; rải cấp phối 40,31km và bê tông hóa 1 km đường trục chính nội đồng; lát 4,37km vỉa hè đường trục xã. Đảm bảo 100% đường trục xã, liên xã, đường trục thôn được bê tông, nhựa hóa; 100% đường ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa; 100% đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận lợi. Kiên cố hóa được 21km kênh mương do xã quản lý, đạt tỷ lệ 90,1%; xây dựng hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu tưới, tiêu cho 604/674 ha đất nông nghiệp (đất sản xuất lúa) của các xã, đạt 89,6. 100% các hộ trên địa bàn các xã sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ nguồn điện.
Đầu tư xây dựng mới 4 nhà hiệu bộ, 29 phòng học, nâng cấp, sửa chữa 33 phòng học và nhiều công trình phụ trợ khác. Thành lập mới 1 trường tiểu học, nâng tổng số trường học trên địa bàn 4 xã lên 11 trường; trong đó, 10/11 trường đạt chuẩn quốc gia. Xây mới nhà văn hóa, 2 trung tâm một cửa của UBND xã, 11 nhà văn hóa thôn; nâng cấp, sửa chữa 4 khu thể thao xã, 20 nhà văn hóa thôn. Đến nay, 100% các xã có nhà văn hóa, sân thể thao, 100% các thôn có nhà văn hóa và các trang thiết bị phục vụ hoạt động của thôn đạt chuẩn theo quy định. Hỗ trợ, tu sửa, nâng cấp nhà, xây mới 23 nhà tình thương cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách tại các xã. Tuyên truyền, vận động các hộ gia đình đầu tư xây mới 970 nhà; nâng cấp, sửa chữa 1.033 nhà ở và các công trình phụ trợ; nâng tổng số hộ gia đình có nhà đạt chuẩn theo quy định đạt 96,67%, không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Trên lĩnh vực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho lao động nông nghiệp: Khuyến khích dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế cho thu nhập cao; đưa cơ giới hóa vào sản xuất; sáp nhập 12 HTX quy mô nhỏ thành 6 HTX Nông nghiệp có quy mô toàn xã hoặc liên thôn. Phát triển 10 làng nghề, 172 ha trồng cây đào phai, nâng cao giá trị sản phẩm 1 ha đào lên 190 triệu đồng/năm. Đến nay, toàn thành phố có 45 trang trại và 112 gia trại, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động.
Lĩnh vực phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, thu hút trên 300 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ cho 12 lượt doanh nghiệp với số tiền 850 triệu đồng nhằm động viên, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân đầu tư sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề thành phố có lợi thế như: Công nghiệp chế biến nông sản, sản xuất vật liệu xây dựng, may mặc, nghề mộc, cơ khí... Hàng năm, các cơ sở sản xuất công nghiệp đã thu hút và giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động với thu nhập ổn định, bình quân từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Những giải pháp trọng tâm đó đã góp phần tạo việc làm cho 94,9% lao động trong độ tuổi, nâng cao thu nhập bình quân đầu người toàn thành phố năm 2017 ước đạt 40,8 triệu đồng (tăng 21,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2010); khu vực nông thôn ước đạt 37 triệu đồng/người/năm (tăng 24,91 triệu đồng so với năm 2010), giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,68%. Công tác phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường đạt được những kết quả khích lệ: 100% các xã đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, xóa mù chữ mức độ II, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ III, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ II. 100% các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020; 85,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Trong nhiều năm liền không có dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng "Xã đạt chuẩn văn hóa", "Thôn văn hóa", "Gia đình văn hóa" được triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo nhân dân hưởng ứng tham gia. Đến nay, 100% xã được công nhận "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", 75% thôn được công nhận thôn văn hóa; 88,38% hộ gia đình 3 năm liền đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa". Công tác vệ sinh môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ. 100% hộ gia đình được sử dụng nước sạch và nước hợp vệ sinh; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có giấy chứng nhận và cam kết về an toàn vệ sinh thực phẩm; 36 trang trại, 84 gia trại được xây dựng cách biệt với nhà ở và được quy hoạch cách ly với khu dân cư; 100% hộ gia đình có nhà vệ sinh, nhà tắm đạt tiêu chuẩn quy định; có hệ thống tiêu thoát nước thải, chất thải sinh hoạt đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước; 80% các thôn tổ chức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, 20% các thôn xử lý rác thải tại hộ gia đình. Hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững, tạo sự ổn định để xây dựng và phát triển. 100% cán bộ, công chức xã đạt chuẩn; 100% các xã có đủ các tổ chức hệ thống chính trị theo quy định. Hàng năm, 100% cấp ủy, chính quyền đạt "Trong sạch, vững mạnh", các tổ chức chính trị - xã hội đạt tiên tiến trở lên. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy ở các xã chiếm từ 15% trở lên.
Tình hình an ninh trật tự luôn được giữ vững và ổn định; không xảy ra các hoạt động chống phá, khiếu kiện đông người kéo dài, vượt cấp trái pháp luật; Không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội và không phát sinh thêm người mắc các tệ nạn xã hội; các vụ phạm pháp hình sự giảm dần trong những năm gần đây, tội phạm và vi phạm hành chính về ma túy được kìm chế, không còn các đối tượng mại dâm. Hai xã Đông Sơn, Yên Sơn đã được Bộ Công an có Quyết định đưa ra khỏi diện xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự. 92,5% thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn về an ninh trật tự.
Xác định Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Đảng bộ, chính quyền thành phố Tam Điệp đã tâp trung lãnh đạo, chỉ đạo và tạo thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và người dân chủ động phát huy nguồn lực, đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới. Với phương châm của xây dựng nông thôn mới là "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân hưởng thụ", việc xây dựng nông thôn mới thực sự đã khơi dậy được nguồn lực to lớn trong nhân dân. Trong tổng giá trị kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới, nhân dân các xã đã đóng góp 162 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 16,05%; vốn tín dụng là 501,7 tỷ đồng, chiếm 49,84%; vốn doanh nghiệp trên 104,49 tỷ đồng, chiếm 10,38%.
Từ thực tiễn cho thấy, sự nghiệp xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí, 50 chỉ tiêu sẽ không thực hiện được nếu không có sự tham gia đóng góp tích cực của toàn xã hội. Kết quả đó, đã làm sâu sắc hơn bài học xây dựng phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng thành phố Tam Điệp ngày càng văn minh và giàu đẹp.
Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, phấn đấu 100% đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và nâng cấp thành phường; hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí của đô thị loại II, phấn đấu Tam Điệp sớm trở thành đô thị loại II trực thuộc tỉnh.
Đinh Công Toản
TUV, Bí thư Thành ủy Tam Điệp