Vườn cây thuốc nam mẫu tại Trạm Y tế xã Yên Sơn là một trong những vườn thuốc tiêu biểu của thành phố Tam Điệp, không chỉ bởi sự phong phú, đa dạng mà còn tạo hiệu quả trong việc hướng dẫn người dân sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh, góp phần gìn giữ những bài thuốc cổ truyền quý của dân tộc. Đồng chí Lê Thị Thu Thủy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Yên Sơn cho biết: Vườn thuốc nam của Trạm được xây dựng nhiều năm nay, với diện tích trên 40m2, gồm 57 loại cây thuốc thuộc 9 nhóm theo quy định của Bộ Y tế như: nhóm cây chữa ho, nhóm chữa đau nhức cơ xương khớp, nhóm chữa cảm sốt, nhóm chữa hội chứng lị… Những loại cây thuốc nam này đa phần dễ trồng, dễ chăm sóc, có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị. Để áp dụng hiệu quả những vị thuốc dân gian trong điều trị những bệnh thông thường, Trạm tuyên truyền tới nhân dân trong xã thông qua việc xây dựng bảng hình ảnh và thông tin về công dụng của các cây thuốc nam chữa các bệnh thường gặp để người dân tìm hiểu. Mỗi ngày, Trạm có khoảng 30 người dân đến khám, chữa bệnh, tại đây các y, bác sỹ tuyên truyền cho người dân về hiệu quả cây thuốc nam như dùng diếp cá để hạ sốt, lá ổi để chữa tiêu chảy, viêm họng thì dùng hạt lựu, rễ cây chanh, rễ cây dâu, rễ cây rẻ quạt. Trong 10 tháng năm 2018, Trạm khám cho 4.016 lượt bệnh nhân, trong đó có 1.556 lượt người khám, chữa bệnh bằng đông tây y kết hợp, chiếm 39%.
Vườn thuốc nam Trạm Y tế phường Nam Sơn có những loại cây rất quen thuộc như: Ngải cứu, quất, tía tô, gừng, hẹ, đinh lăng, xạ đen, kim ngân, sim, hương nhu… Những loại thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, đau nhức cơ xương khớp... Đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Trạm trưởng Trạm y tế phường cho biết: Hiện tại, Trạm y tế vẫn thường xuyên chăm sóc, bổ sung và sử dụng kết hợp giữa đông, tây y trong việc chữa một số bệnh thông thường cho người dân. Thuận lợi của Trạm là có y sĩ y học cổ truyền nên việc tuyên truyền về vườn cây thuốc nam mẫu của Trạm cho người dân đang phát huy hiệu quả khá tốt. Bác Nguyễn Thị Liên, tổ 13, phường Nam Sơn thường xuyên qua Trạm xin cây thuốc về trồng và sử dụng cho biết: Gia đình tôi hay sử dụng các loại cây thuốc nam có sẵn trong vườn. Nếu cây nào không có thì ra vườn thuốc nam mẫu của Trạm y tế xin về trồng, vì dùng thuốc nam tuy tác dụng chậm hơn thuốc tây y nhưng không có tác dụng phụ. Như tôi tuổi đã cao và có cháu nhỏ nên rất hay mắc những bệnh về cảm, hô hấp, sốt, ngoài da…, nhất là trong thời điểm giao mùa, sử dụng thuốc nam rất phù hợp và khi khỏi bệnh người rất khỏe.
Hiện nay, tại 9/9 Trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố Tam Điệp đã chú trọng phát triển vườn cây thuốc nam mẫu nhằm duy trì tiêu chí chuẩn quốc gia về y tế của địa phương. Trung tâm Y tế thành phố Tam Điệp đã chỉ đạo các trạm y tế xã, phường dành một phần diện tích đất hợp lý cho vườn cây thuốc nam mẫu. Các vườn mẫu luôn đảm bảo có từ 40 - 60 loại cây thuốc nam, thuộc 9 nhóm thuốc khác nhau theo quy định của Bộ Y tế. Vườn cây được trồng riêng phân theo khu nhóm, có bảng ghi tên khoa học, tên thường gọi và công dụng chữa bệnh để người dân dễ hiểu, dễ sử dụng. Thực tế cho thấy, so với việc chữa bệnh theo phương pháp tây y, chữa bệnh thông thường bằng các bài thuốc nam có nhiều ưu điểm như tránh được hiện tượng "nhờn thuốc". Việc bảo đảm tốt tiêu chí vườn cây thuốc nam mẫu trong xây dựng xã, phường chuẩn quốc gia về y tế còn nhằm mục tiêu lưu giữ những bài thuốc cổ truyền của dân tộc, bảo vệ và duy trì nguồn dược liệu quý. Hàng năm, việc điều trị bệnh kết hợp tây y và y học cổ truyền tại các trạm y tế xã, phường trên địa bàn thành phố đạt trung bình trên 32%.
Tuy nhiên, việc phát triển vườn thuốc nam mẫu tại các trạm y tế xã, phường vẫn còn gặp một số khó khăn như: Một số trạm y tế có vườn thuốc nam nhưng việc duy trì số cây thuốc theo quy định không đơn giản, nhất là trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, do một số cây sinh trưởng theo mùa. Cùng với đó, tình trạng các trạm y tế có vườn thuốc nam nhưng cũng khó phát triển, bởi hầu hết các trạm mới chỉ có các cây thuốc mẫu thông dụng, chứ chưa thể sơ chế thành thuốc nguyên liệu để đưa vào sử dụng khi cần thiết. Việc ứng dụng thuốc nam còn hạn chế do thiếu cán bộ chuyên khoa y học cổ truyền công tác tại các trạm y tế xã. Đặc biệt, kinh phí cho hoạt động y tế phường, xã eo hẹp, khó đầu tư cho hoạt động y học cổ truyền nói chung và vườn thuốc nam nói riêng. Ngoài ra, người dân vẫn chưa quan tâm tới việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Hiện tại, các trạm mới chủ yếu tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng cây thuốc nam để chữa bệnh.
Để phát huy hiệu quả những vườn thuốc nam mẫu tại trạm y tế tuyến xã, phường, ngành Y tế thành phố Tam Điệp tiếp tục tham mưu các cấp chính quyền có những cơ chế, chính sách và đề án để phát triển vườn cây thuốc nam mẫu tại các trạm y tế; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc khám, chữa bệnh bằng y học cổ truyền, hướng dẫn người dân cách sử dụng, trồng và chăm sóc một số cây thuốc thông dụng tại gia đình để chủ động điều trị khi mắc những bệnh thông thường; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ về y học cổ truyền tại các trạm y tế xã, phường.
Bài, ảnh: Hồng Vân