Năm 2012, Câu lạc bộ diễn xướng Chầu văn Thiên Phú (phường Tân Bình) được thành lập từ niềm đam mê nghệ thuật dân gian của các bạn trẻ là người con quê hương Tam Điệp với mục đích nhằm tôn vinh, giữ gìn và quảng bá những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật âm nhạc diễn xướng tâm linh hát Chầu Văn. Anh Phạm Văn Xuyên - một cung văn, đồng thời là người đồng sáng lập CLB diễn xướng chầu văn Thiên Phú cho biết: Hát chầu văn có lịch sử hình thành lâu đời, là đặc trưng của văn hóa vùng đồng bằng Bắc bộ. Hát văn ra đời sớm hơn các loại hình dân ca truyền thống khác, vừa là nghệ thuật trình diễn đặc sắc, vừa là yếu tố âm nhạc quan trọng trong nghi lễ thực hành văn hóa của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Hát văn có 13 lối hát với những làn điệu phong phú, tinh tế, giàu sắc thái biểu cảm. Các bài văn thường được sắp xếp như một câu chuyện. Câu văn có vần điệu, niêm luật, đầy chất thơ, chất nhạc. Mỗi làn điệu đòi hỏi một kỹ thuật riêng, kết hợp với nhạc cụ. Do đó, mỗi cung văn không chỉ là cung văn giỏi mà còn là những nghệ sỹ chơi nhạc cụ dân tộc (đàn nguyệt, phách, trống, đàn tỳ bà) thuần thục. Từ nét độc đáo của nghệ thuật chầu văn, những người yêu nghệ thuật hát chầu văn đã thành lập CLB nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đặc sắc này. Hiện nay, ngoài đam mê sưu tầm, diễn xướng, CLB diễn xướng chầu văn Thiên Phú đang thực hiện truyền niềm đam mê nghệ thuật dân gian này cho hơn 10 thanh niên, đến nay họ đã có thể trình diễn thuần thục 36 bài văn cổ, CLB cũng đã tích cực tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng cấp tỉnh, cấp thành phố, mang về nhiều thành tích cho địa phương. Năm 2018, CLB diễn xướng chầu văn Thiên Phú đạt 2 giải A trong tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc và tiết mục "Nhớ ơn Bác" tại Liên hoan các CLB chèo không chuyên tỉnh Ninh Bình.
Thành phố Tam Điệp là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa thờ và phối thờ Mẫu thường xuyên diễn ra hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ vào các dịp tuần tiết và lễ hội, như: Đền Dâu, đền Quán Cháo; đền Thượng (xã Quang Sơn); đền Bảo Sơn, đền Quèn (xã Đông Sơn); đền Bà Chúa Hồng (phường Yên Bình); đền Tráng (phường Tân Bình)… Toàn thành phố hiện có 5 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh và 55 cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu. Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thành phố Tam Điệp cho biết: Tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương được xác định là nơi có không gian diễn xướng "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ" khá rộng, có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tác động đến sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương. Xác định giá trị và ý nghĩa của loại hình hát văn, những năm qua, thực hiện kế hoạch, chương trình của thành phố Tam Điệp về phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, thành phố chỉ đạo phòng chức năng xây dựng các kế hoạch nhằm củng cố, phát huy giá trị loại hình nghệ thuật hát văn trên địa bàn thành phố, từ đó đã vận động cơ quan, đoàn thể, địa phương, quần chúng nhân dân đẩy mạnh loại hình nghệ thuật hát văn phát triển sâu rộng. Đẩy mạnh việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thành phố, chú trọng tìm tòi các hạt nhân, có tiềm năng hát Văn để làm hạt nhân thúc đẩy phát triển các CLB hát Văn tại các phường, xã. Tích cực triển khai thực hiện Đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt giai đoạn 2019-2022" của tỉnh trên địa bàn thành phố Tam Điệp. Việc thực hiện Đề án nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, uống nước nhớ nguồn, tinh thần hòa hợp dân tộc và trân trọng vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng, gắn với phát triển du lịch bền vững.
Hiện nay, cùng với các CLB văn hóa, văn nghệ quần chúng, phong trào hát Văn lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng dân cư, trong xây dựng văn hóa nông thôn mới. Trên địa bàn thành phố Tam Điệp đã có 9/9 phường, xã thành lập được câu lạc bộ hát Văn. Trong đó, thành phố Tam Điệp có cung văn được Trung ương Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam tặng Bằng khen vì đã có thành tích bảo tồn và phát huy văn hóa hát xướng dân gian trong tín ngưỡng tâm linh Đạo Thánh Mẫu Việt Nam như cung văn Nguyễn Phú Viễn (phường Tân Bình), cung văn Vũ Quốc Hội (phường Bắc Sơn) và nhiều cung văn có kiến thức, giọng hát Văn đặc sắc như cung văn Phạm Văn Xuyên (xã Quang Sơn), Đào Trung Kiên (phường Trung Sơn), Trần Văn Trung (phường Tân Bình)… Năm 2013, tiết mục hát Văn "Chúa Thác Bờ" của thành phố Tam Điệp tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Ninh Bình được Sở Văn hóa, Thể thao tặng Huy chương Vàng tiết mục hát văn. Năm 2018, đạt 2 giải A, 1 giải B trong tiết mục hòa tấu nhạc cụ dân tộc và tiết mục "Nhớ ơn Bác" tại Liên hoan các CLB chèo không chuyên tỉnh Ninh Bình.
Bài, ảnh: Hồng Vân