Tại Nhà máy gạch Vườn Chanh (Công ty cổ phần vật liệu và xây lắp Tam Điệp), trong các dây chuyền sản xuất, không khí lao động rất khẩn trương, sôi nổi, người lao động phấn khởi, mong muốn năm nay, nhà máy sản xuất và tiêu thụ được nhiều sản phẩm gạch, tạo việc làm ổn định và thu nhập cao cho người lao động. Anh Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch Công đoàn Nhà máy gạch Vườn Chanh cho biết, năm 2018 Nhà máy sản xuất được gần 23 triệu viên gạch, đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, doanh thu đạt 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 120 công nhân với mức lương bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, Nhà máy đề ra mục tiêu đạt bằng và phấn đấu cao hơn năm 2018. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm 2019, tại các tổ sản xuất của Nhà máy, công nhân đi làm theo đúng ngày quy định, giờ giấc được đảm bảo và hăng hái thi đua lao động sản xuất, với mong muốn làm ra nhiều sản phẩm có chất lượng, cung cấp cho thị trường xây dựng, góp phần hoàn thành kế hoạch mà Nhà máy đã đề ra. Từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi đến nay, Nhà máy đã sản xuất được hơn 1 triệu sản phẩm, tạo đà cho những kết quả mới trong quý I và cả năm 2019.
Công ty TNHH Y&I là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm may mặc xuất sang thị trường Nhật Bản. Ngay từ ngày mùng 8 Tết, 100% công nhân đã quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày với khí thế vui tươi và phấn khởi. Chị Nguyễn Thị Thủy, công nhân Công ty cho biết, được Công ty quan tâm, chăm lo về cả đời sống vật chất và tinh thần, mỗi công nhân Công ty càng có ý thức và trách nhiệm hơn trong việc đóng góp công sức để sản xuất ra những sản phẩm chất lượng, góp phần nâng cao uy tín và doanh thu cho Công ty. Được biết, để công nhân yên tâm lao động sản xuất, ngoài mức lương ổn định hàng tháng từ 6-7 triệu đồng/người, vào những dịp lễ, Tết, Ban Chấp hành Công đoàn Công ty có nhiều hoạt động tích cực, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động. Ngoài việc hưởng lương hàng tháng theo quy định, người lao động còn được hưởng các chế độ khác như được đóng BHXH, BHYT, được hỗ trợ tiền chuyên cần, xăng xe, nuôi con nhỏ…, mỗi tháng thu nhập thêm hàng triệu đồng, giúp người lao động ổn định cuộc sống, yên tâm làm việc, gắn bó với doanh nghiệp.
Thành phố Tam Điệp hiện có 2 khu công nghiệp là Tam Điệp 1 và Tam Điệp 2, với trên 400 doanh nghiệp và cơ sở sản xuất hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Nhiều năm qua, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được thành phố Tam Điệp quan tâm và tạo điều kiện phát triển. Các doanh nghiệp đã tích cực đầu tư xây dựng và đi vào sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nộp ngân sách tăng dần và tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động với thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố ước đạt 7.651 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2017 (theo giá so sánh năm 2010). Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp nhà nước ước đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 6,2%; giá trị sản xuất công nghiệp ngoài nhà nước ước đạt 2.287 tỷ đồng, đạt 94,8% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 4.137 tỷ đồng, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm 2017. Các sản phẩm đạt mức tăng khá như: Sản xuất xi măng ước đạt 2,7 triệu tấn, tăng 2,2%; thép các loại ước đạt 313 nghìn tấn, tăng 7,9%; giày các loại ước đạt 21,4 triệu đôi, tăng 25,8%; quần áo ước đạt 6,2 triệu cái, tăng 11,7%; gạch đạt 109,4 triệu viên, tăng 4,8% ...
Năm 2019, thành phố Tam Điệp xác định là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX đã đề ra. Trong đó tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 21/2/2016 của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2019 đạt 8,87%. Trong phát triển công nghiệp -TTCN, thành phố tập trung phát triển ổn định ngành công nghiệp khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng, ngành may, giầy da; đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến rau quả đi đôi với mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển làng nghề. Phấn đấu tổng giá trị sản xuất đạt 14.447 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng cơ bản đạt 9.830 tỷ đồng.
Bài, ảnh: Hạnh Chi