P.V: Xin đồng chí đánh giá khái quát những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế của thành phố 6 tháng đầu năm 2008.
Đồng chí Đinh Thị Thục (Đ/c Đ.T.T): Qua 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn gặp nhiều khó khăn: Giá cả hàng hóa leo thang; thời tiết diễn biến phức tạp; dịch cúm gia cầm; dịch lợn tai xanh... nhưng với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, quân và dân thành phố đã triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra, đạt được những kết quả toàn diện trên các mặt kinh tế - xã hội. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ổn định và phát triển mạnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 273 tỷ đồng (theo giá cố định năm 1994), tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2007, trong đó doanh nghiệp ngoài quốc doanh đạt 217,8 tỷ đồng, tăng 30,1%. Một số sản phẩm có mức tăng khá cao so với cùng kỳ như may mặc đạt 1,3 triệu sản phẩm, tăng 39,1%; giấy bìa đạt 258,9 tấn, tăng 33,9%; thép đúc và thép kết cấu phi tiêu chuẩn đạt 11,3 nghìn tấn, tăng 31,9%... Các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp kinh tế chịu sự quản lý trực tiếp của thành phố không ngừng cải tiến phương pháp quản lý, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao.
Một góc thành phố Ninh Bình. Ảnh: Xuân Tứ
Sản xuất nông nghiệp tuy không chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế song với sự quyết tâm, nhân dân thành phố vẫn tích cực đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu giống, mùa vụ, tạo ra năng suất, sản lượng cây trồng cao. Diện tích gieo trồng vụ đông xuân toàn thành phố đạt trên 1.774 ha, trong đó lúa là 1.472 ha, còn lại là rau màu các loại. Năng suất lúa ước đạt 62,58 tạ/ha, tăng 1,02% so với cùng kỳ năm 2007. Hoạt động tài chính, tín dụng có nhiều tiến bộ, thu ngân sách tăng, ước đạt 203.570 triệu đồng, đạt 54,7% kế hoạch... Hoạt động thương mại, dịch vụ cũng không ngừng được mở rộng, số hộ kinh doanh tăng nhanh.
P.V: Thưa đồng chí, việc trở thành đô thị loại III có tác động như thế nào đến nền kinh tế của thành phố?
Đ/c Đ.T.T: Được công nhận là đô thị loại III là niềm vinh dự, tự hào của toàn thể Đảng bộ, nhân dân thành phố nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung. Việc trở thành đô thị loại III đã hội tụ đầy đủ các yếu tố, trong đó có cơ sở hạ tầng được đầu tư, chỉnh trang, diện mạo đô thị văn minh, hiện đại dần hình thành. Đây chính là tiền đề vững chắc và thuận lợi để phát triển một nền kinh tế đa dạng.
Bên cạnh đó người dân thành phố phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo, vào chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; yên tâm, hăng say lao động, năng động, sáng tạo tạo ra những sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng; tạo ra những sản phẩm giá trị, sản lượng cao góp phần tăng doanh thu trên địa bàn. Thực tế cho thấy, từ khi được công nhận là đô thị loại III đến nay, kinh tế của thành phố sôi động hẳn lên, có nhiều bước chuyển tích cực, thể hiện rõ qua kết quả trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008 như đã nêu ở trên.
P.V: Để phục vụ cho việc quy hoạch thành phố, diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp dần, điều đó có ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thưa đồng chí?
Đ.c Đ.T.T: Diện tích đất nông nghiệp thu hẹp dần, tất yếu dẫn đến dôi dư số lao động nông nghiệp. Trước tình trạng đó, thành phố đã không ngừng chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Trên cơ sở điều tra nhu cầu học nghề, việc làm, thành phố đã hỗ trợ giải quyết việc làm cho 430 lao động; kiểm tra, thẩm định 53 dự án vay vốn của Ngân hàng CSXH với số tiền 1 tỷ đồng hỗ trợ tạo điều kiện giải quyết việc làm cho trên 200 lao động...
Bên cạnh đó, các đơn vị cũng không ngừng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện gieo trồng hết diện tích, đổi mới cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nỗ lực thâm canh, gối vụ tăng hệ số sử dụng đất, tạo ra sản lượng, năng suất cao đảm bảo an ninh lương thực. Đồng thời thực hiện chuyển đổi ngành nghề, kinh doanh, tập trung phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế. Từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của nhân dân mà nền kinh tế của thành phố có sự chuyển dịch linh hoạt hơn theo hướng tích cực tăng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ. Dấu hiệu đáng mừng là tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng xã hội 6 tháng đầu năm trên địa bàn đạt 1.183 tỷ đồng, tăng 24,2% so với cùng kỳ.
P.V: Để xứng tầm là trung tâm kinh tế của tỉnh, thành phố đang tập trung vào những vấn đề gì?
Đ.c Đ.T.T: Trong 6 tháng cuối năm thành phố đang tập trung cao độ triển khai việc xét duyệt các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh vào cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề Ninh Phong; quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp Viên Nha (phường Ninh Khánh); tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng sản xuất, hỗ trợ vốn vay, thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Ưu tiên các dự án đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp sạch, sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, lĩnh vực dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, các dịch vụ vui chơi giải trí.
Thành phố cũng đang tích cực cải tạo, sắp xếp các hộ kinh doanh tại các khu phố thương mại, trung tâm thương mại. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho sản xuất vụ mùa thắng lợi, hoàn thành vượt mức diện tích trồng cây vụ đông; xây dựng, phát triển vùng sản xuất, mạng lưới tiêu thụ sản phẩm rau an toàn cho phường Ninh Sơn, Ninh Phúc; khuyến khích các dịch vụ kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn. Với vai trò là một trung tâm kinh tế, văn hóa, chính trị của tỉnh, thành phố đang chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung cho công tác thu ngân sách với hướng phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, kế hoạch của ngành và tỉnh giao.
P.V: Xin cảm ơn đồng chí
Hoàng Tâm (Thực hiện)