Xác định, đây là tuyến đường quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, thời gian qua thành phố Ninh Bình đã có nhiều cố gắng trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để sớm bàn giao cho đơn vị thi công. Theo dự án xây dựng, tuyến đường này ảnh hưởng đến 429 hộ có cây cối, hoa màu, đất nông nghiệp và 107 hộ dân có tài sản, nhà cửa và đất thổ cư. Công tác GPMB được thành phố xác định là việc khó khăn, phức tạp, do vậy thành phố đã tập trung cả hệ thống chính trị để tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân tự giác chấp hành phương án bồi thường và thực hiện GPMB theo chế độ, chính sách quy định. UBND thành phố đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tính toán lập phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB theo đúng các quy định của Nhà nước.
Với nhiều nỗ lực, cố gắng, đến nay đã có 429 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp đã nhận tiền và bàn giao mặt bằng, đạt tỷ lệ 100%. Đối với đất thổ cư, thành phố đã xây dựng hoàn chỉnh các khu tái định cư phục vụ công tác GPMB của các hộ dân. Trong tổng số 107 hộ có nhà cửa, vật kiến trúc và đất thổ cư bị ảnh hưởng, thành phố đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ cho 104 hộ; trong đó có 101 hộ đã nhận tiền, 93 hộ đã tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho nhà nước, 8 hộ thuộc xã Ninh Nhất đã nhận tiền nhưng chưa tháo dỡ bàn giao mặt bằng. Hiện vẫn còn 3 hộ chưa nhận tiền bồi thường hỗ trợ GPMB theo phương án đã được phê duyệt, 3 hộ thuộc thôn Nguyên Ngoại thuộc diện phát sinh sau phải kê khai lập phương án bồi thường GPMB bổ sung. Đối với các hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và bàn giao mặt bằng, thành phố đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục giao đất tái định cư, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ và đến nay đa số các hộ đã xây dựng nhà ở ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện bồi thường GPMB, một số hộ đã làm đơn khiếu nại, tố cáo đến cơ quan Nhà nước, UBND thành phố Ninh Bình đã tham mưu cho UBND tỉnh mời tổ công tác của Thanh tra Chính phủ, các Sở, ngành của tỉnh cùng với thành phố tập trung rà soát phương án, tổ chức đối thoại và ban hành các văn bản, quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân đã cơ bản ổn định.
Trong quá trình thực hiện GPMB còn có một số khó khăn, vướng mắc đó là: Về nguồn kinh phí bồi thường tái định cư, tổng dự toán được phê duyệt là 119 tỷ đồng, kinh phí dự án đã cấp 89 tỷ đồng, nguồn kinh phí còn thiếu 30 tỷ đồng. Trong 8 hộ đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa bàn giao mặt bằng, UBND thành phố chủ động mời làm việc giải thích rõ, tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng các hộ vẫn cố tình chống đối không tháo dỡ bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. 3 hộ gia đình đã được duyệt phương án bồi thường, mặc dù thành phố và các sở, ngành có liên quan đã đối thoại nhiều lần (có hộ đã đối thoại 17 lần) nhưng vẫn cố tình không chấp hành việc nhận tiền và GPMB theo quy định. 3 hộ phát sinh bổ sung sau, hiện không nhất trí kê khai, kiểm đếm. Trước thực tế trên, UBND thành phố đã có đề xuất kiến nghị UBND tỉnh và chủ đầu tư bố trí đủ kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB và xây dựng các khu tái định cư theo dự toán được UBND thành phố phê duyệt, đến nay còn thiếu 30 tỷ đồng. Đề nghị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công công trình và lập phương án khôi phục lại hệ thống kênh mương bị ảnh hưởng GPMB thuộc địa bàn xã Ninh Nhất. Thành phố cũng đề nghị UBND tỉnh cho phép thành phố tổ chức cưỡng chế GPMB đối với 8 hộ dân đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ nhưng cố tình không tháo dỡ, bàn giao mặt bằng cho Nhà nước. Đối với 3 hộ chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB, thành phố sẽ tập trung cao cho công tác tuyên truyền, vận động để các hộ tự giác chấp hành. Trong trường hợp các hộ vẫn cố tình không chấp hành, thành phố sẽ hoàn thiện các thủ tục để tổ chức cưỡng chế GPMB theo đúng quy định của Nhà nước. Đối với 3 hộ phát sinh sau tiếp tục vận động, tuyên truyền để tiến hành kê khai, kiểm đếm, tính toán lập phương án bồi thường đảm bảo bàn giao mặt bằng trong thời gian sớm nhất.
Mạnh Dũng