Năm 2016, trên địa bàn Thành phố Ninh Bình xảy ra các hiện tượng thời tiết thủy văn đặc biệt nguy hiểm như rét đậm, bão mạnh, mưa lớn đã làm thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.
Đặc biệt cơn bão số 1 có cường độ mạnh, ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn thành phố đã làm 164 cột điện, cột đèn, cột thông tin bị nghiêng và đổ gãy; sập và tốc mái 234 ngôi nhà và 2 trụ sở làm việc; đổ gãy trên 4.000 cây xanh, cây bóng mát các loại; đổ hỏng 261 pano, áp phích và biển quảng cáo…
Về sản xuất nông nghiệp, thành phố bị thiệt hại 130 ha lúa mới cấy; 150 ha cây trồng màu; gây ngập úng 1.090 ha lúa; đổ, nghiêng trên 3.500 m2 nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp; có trên 4.000 con gia cầm bị chết; thiệt hại 10 ha nuôi trồng thủy sản;... Cơn bão số 1 đã làm thiệt hại ước tính hơn 30 tỷ đồng trên địa bàn thành phố Ninh Bình
Theo dự báo, tình hình thời tiết năm 2017 ngày càng có chiều hướng khó lường, cường xuất bão có xu thế ngày càng tăng, đường đi của áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều.
Để chủ động phòng chống, ngay từ đầu mùa mưa bão Thành phố Ninh Bình đã tổ chức Kiện toàn Ban chỉ huy PCTT &TKCN, thành lập Đội xung kích PCTT &TKCN năm 2017 và có phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Đồng thời xây dựng và triển khai phương án PCTT &TKCN năm 2017 cụ thể và chi tiết với từng tình huống có thể xảy ra.
Tại hội nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện hơn phương án PCTT &TKCN năm 2017 của Thành Phố Ninh Bình.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh đánh giá cao công tác PCTT &TKCN trong năm 2016 trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Với dự báo về diễn biến thời tiết năm 2017, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị thành phố Ninh Bình tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo để nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác PCTT. Xây dựng và chuẩn bị phương án PCTT và TKCN theo phương châm 4 tại chỗ trong đó lấy phòng, tránh là chính.
Tổ chức rà soát cơ chế phối hợp giữa các lực lượng và các tình huống mà phương án đã đề ra, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhà ở dân cư, trường học, trạm xá đã xuống cấp. Trong sản xuất nông nghiệp cần có phương án để chủ động tiêu thoát nước cho trên 1.100 ha lúa và hoa màu.
Thành phố cần bổ sung phương án phòng, ứng phó với các tình huống cháy, nổ; phương án ứng cứu các tình huống thiên tai xảy ra; phương án khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Dịch vụ đô thị có phương án đốn cây, tỉa cành các cây xanh, cây bóng mát nhưng phải đảm bảo mỹ quan đô thị.
Hồng Giang - Đức Lam