Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Ninh Bình có khoảng 108 hộ giết mổ gia súc, gia cầm, 600 hộ chăn nuôi (với hơn 5.500 con lợn, 4.000 con chó, 1.000 con trâu bò và 16.000 con gà, vịt). Tuy số lượng chăn nuôi không nhiều, nhưng thành phố là nơi trung chuyển, tiêu thụ sản phẩm thịt gia súc, gia cầm lớn, nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.
Đồng chí Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật thành phố cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi diễn biến hết sức phức tạp, nếu không phòng chống kịp thời sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi của thành phố Ninh Bình.
Do vậy, cùng với việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật, UBND thành phố đã ban hành Công điện số 01 ngày 22/2/2019 về triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo đó, UBND các phường, xã đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật; kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại cơ sở.
Các xã, phường phối hợp với phòng chuyên môn cũng đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người chăn nuôi và người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả lợn châu Phi. Thường xuyên tổ chức phun thuốc khử trùng, tiêu độc tại khu vực chợ, nơi giết mổ lợn. Phối kết hợp với các ban, ngành chức năng xử lý nghiêm những trường hợp nhập lậu, không rõ nguồn gốc sản phẩm thịt gia súc, gia cầm lưu thông trên địa bàn. Hướng dẫn người dân cách nhận biết bệnh dịch tả lợn châu Phi...
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cũng đã chủ động phối hợp với các ngành như Quản lý thị trường, công an, nông nghiệp... kiểm soát tại các chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn những hành vi vận chuyển, mua bán lợn nhiễm bệnh.
Đồng thời chỉ đạo Trạm thú y phối hợp với các xã, phường kiểm tra, rà soát lại tổng đàn lợn, tổng số hộ chăn nuôi và các điểm giết mổ, buôn bán lợn trên địa bàn. Phát động người chăn nuôi định kỳ vệ sinh chuồng trại, phun hóa chất tiêu độc, khử trùng để hạn chế mầm bệnh phát sinh. Triển khai có hiệu quả công tác tiêm phòng vụ xuân - hè 2019 để chủ động phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm túc việc tiêu độc, khử trùng tại các chợ và khu vực giết mổ lợn. Cung cấp, phân bổ hóa chất, hỗ trợ vôi bột cho các hộ chăn nuôi, Ban quản lý chợ trong suốt thời gian diễn ra nguy cơ dịch bệnh.
Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm ở động vật của thành phố cũng đã phân công cán bộ chuyên môn, bám sát địa bàn, theo dõi nắm tình hình, hướng dẫn xử lý kịp thời khi phát hiện các ổ dịch. Kiểm tra, kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển, mua bán gia súc, gia cầm. Tổ chức tập huấn về công tác phòng, chống dịch bệnh cho cán bộ thú y cơ sở và các hộ chăn nuôi lớn trên địa bàn...
Xuân Trường