Năm 2016, mặc dù chịu ảnh hưởng rất lớn từ mưa, bão nhưng thành phố Ninh Bình đã chủ động và triển khai tốt công tác PCTT&TKCN, giảm tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngay trước mùa mưa bão, thành phố đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư, lực lượng... theo đúng phương án PCTT&TKCN.
Khi có mưa bão xảy ra, Ban chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Ninh Bình đã kịp thời ban hành các công điện, công văn chỉ đạo các xã, phường, các đơn vị tổ chức thực hiện tốt phương án phòng, chống và ứng phó với các cơn bão có nguy cơ đổ bộ vào tỉnh và khu vực thành phố Ninh Bình.
Các đơn vị, thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN thực hiện tốt công tác trực ban và nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ đã được phân công. Sau bão, các cơ quan, đơn vị nhanh chóng khắc phục hậu quả bằng những việc làm cụ thể như: Khôi phục hệ thống điện sinh hoạt, hệ thống đường dây thông tin; khơi thông cống rãnh, dòng chảy tiêu thoát nước trong khu dân cư và trong sản xuất nông nghiệp; cắt và thu gom cây xanh, biển quảng cáo, cột điện bị gãy đổ; dọn dẹp vệ sinh đường phố, trụ sở cơ quan, đơn vị...
Theo dự báo, tình hình thời tiết năm 2017 có chiều hướng khó lường, cường độ bão có xu thế ngày càng tăng, đường đi của áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều.
Ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ huy PCTT &TKCN cho biết: Để chủ động đối phó với thiên tai, bão, lụt, úng, thành phố Ninh Bình đã củng cố và kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN thành phố và các xã, phường, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN năm 2017 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên phụ trách địa bàn.
Đồng thời chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương coi công tác PCTT & TKCN là nhiệm vụ trọng tâm của mọi cấp, mọi ngành trong mùa mưa bão, chủ động phòng tránh là chính, chống phải tích cực ngay từ giờ đầu.
Tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng đê điều, công trình thủy lợi để trên cơ sở đó xác định các trọng điểm cần quan tâm trong mùa mưa bão.
Hiện toàn thành phố có 1 tuyến đê Trung ương (đê Hữu Đáy) và 5 tuyến đê địa phương với tổng chiều dài trên 31 nghìn mét. Hệ thống đê sông trên địa bàn thành phố trong nhiều năm qua cơ bản đã được đầu tư, nâng cấp, đủ khả năng chống lũ, đảm bảo an toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống lụt bão và các thiên tai khác.
Trên cơ sở đó hoàn thiện phương án PCTT & TKCN theo phương châm "4 tại chỗ" đảm bảo chi tiết, cụ thể, phù hợp. Phương án cũng đưa ra những tình huống cụ thể và các biện pháp ứng phó đối với áp thấp nhiệt đới, bão, chống lũ, chống úng, động đất và các loại thiên tai khác.
Cùng với đó, thành phố yêu cầu các xã, phường kiện toàn Ban chỉ huy PCTT & TKCN, lập phương án PCTT trên địa bàn, tổ chức lực lượng xung kích, lực lượng trực ban và xây dựng phương án bảo vệ các công trình công cộng thuộc xã, phường quản lý; xây dựng phương án di dời dân khi cần thiết, quan tâm đến hộ gia đình có người già, neo đơn, gia đình chính sách và các gia đình có nhà ở không bảo đảm an toàn.
Đến nay, thành phố đã chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác PCTT & TKCN năm 2017 bao gồm hơn 2 nghìn lực lượng xung kích từ các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, 3 nhà bạt, 100 áo phao, 150 phao cứu sinh, hơn 100 xe các loại, hàng nghìn bao tải, cọc tre, mai, cuốc, xẻng,... sẵn sàng ứng cứu khi tình huống phức tạp xảy ra. Với phương án đã đề ra, các đơn vị, các xã, phường đang tích cực triển khai nhiệm vụ đã được phân công.
Ông Đinh Xuân Thủy, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường và Dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình cho biết: Công ty được Ban chỉ huy PCTT & TKCN thành phố giao nhiệm vụ vận hành tốt các máy bơm để chống úng, tổ chức lực lượng khơi thông cống rãnh, tiêu nước đô thị, xây dựng và thực hiện kế hoạch đốn tỉa cây trước mùa mưa bão đảm bảo an toàn và tính mỹ quan đô thị, bảo vệ các công trình công cộng được giao quản lý và vệ sinh môi trường sau bão. Với nhiệm vụ được phân công, Công ty đã kiện toàn ban chỉ huy và xây dựng phương án PCTT & TKCN phù hợp.
Hiện nay Công ty đang tiến hành sửa chữa hệ thống chiếu sáng đô thị, rà soát và tiến hành chặt tỉa, đốn hạ các cây xanh có nguy cơ gãy đổ, nhất là những loại cây có thân giòn tại các tuyến đường lớn, nhiều người tham gia giao thông.
Đồng thời tăng cường lực lượng công nhân quét dọn vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh và yêu cầu các trạm bơm do Công ty quản lý tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng và cắt cử người trực thường xuyên, đảm bảo đáp ứng tốt yêu cầu khi có tình huống xảy ra, chống ngập lụt đô thị và bảo vệ hơn 1.000 ha lúa và hoa màu.
Hồng Giang