Những chính sách an sinh "riêng có" Xác định rõ muốn phát triển bền vững, thành phố không chỉ chú trọng tăng trưởng kinh tế, quan tâm đến quản lý đô thị, suốt 10 năm qua, trong giải pháp điều hành, triển khai, thành phố chỉ đạo các địa phương đặc biệt coi trọng trách nhiệm của từng cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan đối với công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.
Với phương châm "đầu tư cho an sinh xã hội cũng chính là đầu tư cho sự phát triển", thành phố Ninh Bình đã đề ra những chính sách "riêng có" để tăng cường trợ giúp cho người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Và chính những chính sách "riêng có" này được xem là một trong những giải pháp đột phá trong công tác bảo đảm an sinh xã hội.
Cụ thể, ngay sau khi được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, năm 2008, thành phố Ninh Bình đã tiến hành rà soát hộ nghèo, khảo sát nguyên nhân và phân loại đối tượng để có biện pháp giúp đỡ hiệu quả, phù hợp. Đối với các hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, thành phố đã quyết định trích ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ nghèo có nhu cầu vay vốn để phát triển sản xuất trong thời gian 2 năm (2008-2009). Theo đó, toàn thành phố đã có 108 hộ nghèo được vay với tổng số vốn là 806 triệu đồng và số tiền được hỗ trợ lãi suất là trên 125 triệu đồng. Từ nguồn vốn này nhiều hộ đã dần ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Đối với các đối tượng là người già cô đơn không nơi nương tựa, không còn khả năng lao động, thành phố hỗ trợ từ nguồn ngân sách mỗi tháng 145.000 đồng/người, để đảm bảo mức sống bằng với mức sống trung bình của người dân. Điều đáng nói là mức trợ cấp của các đối tượng này đã được thành phố quan tâm điều chỉnh cho phù hợp với mức sống ngày càng tăng của người dân.
Năm 2016, trên cơ sở rà soát điều kiện thực tế, HĐND thành phố Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 12 về việc trợ cấp bổ sung hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo, cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa trên địa bàn thành phố. Theo đó, mức hỗ trợ của các đối tượng này đã được điều chỉnh tăng từ 145.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng. "Năm 2009, thành phố Ninh Bình cũng được biết đến là địa phương đầu tiên trong cả nước có chính sách hỗ trợ 100% BHYT cho các đối tượng cận nghèo. Theo đó toàn thành phố đã có 1.296 đối tượng cận nghèo được hưởng chính sách này"- đồng chí Vũ Đức Tín, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.
Một ngày cuối năm 2016, chúng tôi có dịp đến thăm gia đình ông Đinh Văn Mùi ở thôn Đông Thượng, xã Ninh Phúc. Gia đình ông Mùi là một trong những hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã. Hai vợ chồng ông sinh được 6 người con thì có 2 cô con gái bị tàn tật, trí tuệ không được bình thường nên năm nay cả hai cô con gái đã trên 50 tuổi nhưng vẫn sống cùng bố mẹ già ngoài 86 tuổi. Suốt mấy chục năm qua, 4 thân già sống nương tựa vào nhau. Ông Mùi xúc động nói: May nhờ có chính sách trợ giúp của Nhà nước và chính sách trợ giúp "riêng có" của thành phố mà gia đình tôi đã được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa, hai cô con gái mỗi tháng được hỗ trợ 270.000 đồng/người từ chính sách hỗ trợ người khuyết tật, cô đơn nên gia cảnh vơi bớt khó khăn. Gia đình tôi cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo thành phố, sự trợ giúp từ những tấm lòng nhân ái, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh của cộng đồng...
Hướng tới giảm nghèo bền vững
Trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách an sinh xã hội đã được thành phố triển khai thực hiện một cách linh hoạt, trong đó mục tiêu chính là hướng đến giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống cho người dân.
Theo đó, các biện pháp giảm nghèo đã được đề ra như: Đào tạo nghề, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp, chú trọng các đối tượng thuộc diện bị thu hồi đất GPMB các dự án, lao động nông thôn; đa dạng hóa các nguồn lực, phương thức thực hiện giảm nghèo, vùng nghèo, kết hợp sử dụng có hiệu quả sự trợ giúp của các chương trình, dự án, của cộng đồng và các doanh nghiệp; trợ giúp trực tiếp hộ nghèo về điều kiện sản xuất, nâng cao kiến thức để người nghèo, hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo và cải thiện mức sống một cách bền vững...
Cũng theo đồng chí Vũ Đức Tín: Từ thực tế cho thấy, để giảm nghèo không chỉ cần đến đồng vốn mà người nghèo còn rất cần hướng dẫn cách thức làm ăn sao cho hiệu quả. Thành phố đã tăng cường mở các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT cho người lao động.
Các lớp tập huấn ngắn ngày, các lớp học nghề đã giúp cho người nghèo chưa có việc làm trên địa bàn tiếp thu được những kiến thức nhất định, những kinh nghiệm trong sản xuất, trong cuộc sống và cả những kiến thức xã hội để người nghèo biết cách sử dụng đồng vốn cũng như sự giúp đỡ, chia sẻ của cộng đồng một cách hiệu quả.
Trong công tác giải quyết việc làm, thành phố đặc biệt quan tâm đến những đối tượng là người bị thu hồi đất nông nghiệp GPMB các dự án, hộ nghèo, gia đình chính sách, đối tượng chấp hành xong các án phạt tù… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các đối tượng sớm vươn lên trong cuộc sống. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, trung bình mỗi năm thành phố đã tạo việc làm mới cho gần 1.500 lao động, hỗ trợ việc làm cho trên 4.500 lao động ở nhiều lĩnh vực, giảm dần tỷ lệ thất nghiệp, nâng cao mức sống cho người dân.
Trong nhiều năm qua, thành phố Ninh Bình đã tích cực huy động các tổ chức xã hội tham gia ủng hộ Quỹ vì người nghèo, Quỹ hỗ trợ sửa chữa và xây nhà mới cho các hộ nghèo, hộ chính sách... Theo số liệu thống kê sơ bộ, trong 10 năm qua, toàn thành phố đã có trên 500 hộ nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Việc làm này đã giúp các hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn an cư, lạc nghiệp.
Cũng nhờ làm tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, năm 2016, qua rà soát số hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều, thành phố Ninh Bình còn 464 hộ nghèo (chiếm 1,37% tổng số hộ của toàn thành phố), 610 hộ cận nghèo (chiếm 1,8%) và số hộ có mức sống khá và giàu chiếm trên 40%. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố có 3 đơn vị đã xóa nghèo, đó là các phường: Vân Giang, Phúc Thành và Thanh Bình.
Với việc thực hiện nhanh chóng, đầy đủ và linh hoạt các chính sách an sinh xã hội, thành phố Ninh Bình đã và đang góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hướng tới xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại và điểm đến thân thiện của du khách gần, xa.
Mai Lan