Bếp ăn tập thể của Công ty TNHH XNK Thủ công mỹ nghệ Đông Thành (thành phố Ninh Bình) thường xuyên phục vụ nhu cầu ăn ca của cán bộ, công nhân Công ty với từ 150-200 suất ăn/ngày. Tuy cơ sở vật chất khu vực chế biến chưa khang trang, rộng rãi, nhưng Công ty đã bố trí diện tích để tách các khu vực nấu ăn, chế biến, phục vụ ăn thành từng khu riêng biệt, đảm bảo vệ sinh. Theo bà Đặng Thị Bảy, Giám đốc điều hành xưởng may của Công ty: Để phục vụ nhu cầu ăn ca của công nhân, bếp ăn tập thể của Công ty được bố trí 2 nhân viên phục vụ. Hai người này hàng năm đều được Công ty quan tâm cử tham gia các lớp tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khám sức khỏe định kỳ theo quy định, đáp ứng các điều kiện để trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm. Bên cạnh đó, Công ty cũng đặc biệt quan tâm đảm bảo nguồn thực phẩm đầu vào thông qua việc ký hợp đồng với bên cung cấp thực phẩm, lập sổ theo dõi thực phẩm cung cấp hàng ngày, thực hiện lưu mẫu thực phẩm trong tủ lạnh. Hàng ngày, thực phẩm được chế biến và nấu tại bếp bằng lò hơi nên đảm bảo mỗi bữa ăn đều nóng sốt, chất lượng. Vì đặc thù hoạt động của Công ty có công nhân xưởng may và nhân viên siêu thị làm việc theo ca nên bếp ăn phục vụ hai bữa ăn trong ngày. Tuy nhiên, thức ăn đều được nấu theo từng bữa. Thực phẩm như: thịt, cá, trứng, rau xanh… cũng được cung cấp hàng ngày. Qua nhiều năm phục vụ các bữa ăn ca cho công nhân, Công ty chưa để xảy ra ca ngộ độc thực phẩm nào. Qua đó góp phần đảm bảo sức khỏe cho người lao động khi làm việc tại Công ty…
Theo thống kê của Trung tâm Y tế thành phố, trên địa bàn thành phố Ninh Bình hiện có 53 bếp ăn tập thể. Đây là các bếp ăn phục vụ nhu cầu ăn bán trú của học sinh tiểu học, bậc học mầm non, bếp ăn của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Để hoạt động của các bếp ăn tập thể đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo ngành Y tế và các đơn vị có liên quan phối hợp đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông nhằm mục đích làm thay đổi hành vi của người chế biến, phục vụ bếp ăn. Thông qua các hình thức tuyên truyền, nhiều nội dung về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được phổ biến rộng rãi đến với nhiều đối tượng. Trong đó nổi bật là hoạt động tuyên truyền của các đoàn thể. Trong 2 năm 2011 và 2012, Hội Nông dân và Hội Phụ nữ thành phố đã tổ chức 321 buổi tuyên truyền cho 5.376 hội viên, tập trung vào các nội dung: tuyên truyền Luật An toàn thực phẩm, các văn bản hướng dẫn thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thi tìm hiểu kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó, để người nấu ăn và phục vụ tại các bếp ăn tập thể được cập nhật kiến thức thường xuyên, thành phố đã tổ chức 11 lớp tập huấn kiến thức cho đội ngũ cán bộ y tế người trực tiếp sản xuất, kinh doanh, lãnh đạo, nhân viên y tế học đường, người nấu ăn tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú của các trường tiểu học, mầm non.
Ngay trong "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" năm nay với chủ đề "An toàn bếp ăn tập thể", thành phố đã tiến hành tuyên truyền rộng khắp các quy định của Luật An toàn thực phẩm thông qua hệ thống truyền thanh ba cấp, căng treo 9 băng zôn, 150 tranh và áp phích, phát 1.150 tờ rơi… để các nội dung về đảm bảo an toàn thực phẩm đến được với nhiều người dân, nhất là những người có liên quan đến sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phục vụ bếp ăn tập thể. Đồng thời, để hướng các cơ sở, nhất là chủ doanh nghiệp, người phục vụ bếp ăn tập thể chấp hành tốt các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, hàng năm các bếp ăn tập thể đều là đối tượng được quan tâm kiểm tra.
Năm 2011 đã có 27 bếp ăn tập thể được thanh, kiểm tra. Năm 2012 có 29 bếp ăn tập thể được kiểm tra. Số bếp ăn tập thể đảm bảo đúng quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt tỷ lệ 93,1%.
Nhân "Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" năm 2013, những bếp ăn tập thể trên địa bàn thành phố qua kiểm tra của đoàn liên ngành tỉnh phần lớn đều chấp hành tốt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, chưa có bếp ăn nào để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Lý Nhân