Ông Phạm Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thành cho biết: Ngày 16/4/2019, nhận được tin báo, tại hộ chăn nuôi của bà Nguyễn Thị Thơm (phố Trung Nhì) xuất hiện lợn ốm, chết, địa phương đã nhận được sự chỉ đạo kịp thời của cấp trên và ngành chuyên môn nhằm quyết không để dịch bùng phát lây lan. Bên cạnh việc lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm và tổ chức tiêu hủy toàn bộ 5 con lợn, phường đã triển khai ngay công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chuồng nuôi và các hộ gia đình lân cận.
Tiến hành thống kê, rà soát lại các hộ chăn nuôi, giết mổ lợn trên địa bàn; cắt cử lực lượng túc trực tại hiện trường để theo dõi, giám sát tránh để xảy ra tình trạng bán chạy lợn ốm, chết, đồng thời để cảnh báo, hạn chế người và phương tiện ra vào hộ có lợn ốm, chết.
Ngày 18/4/2019, sau khi có phiếu trả lời kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y vùng I xác định đàn lợn ốm chết dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, địa phương ngay lập tức triển khai các biện pháp ứng phó theo kế hoạch.
Theo đó, thành lập 3 chốt kiểm dịch tạm thời (tại đầu các ngõ 810 đường Trần Hưng Đạo, ngõ 61 đường Xuân Thành và chốt tại chùa Đẩu Long) để ngăn chặn không cho vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn ra vào vùng dịch. Sử dụng ngay 400 lít hóa chất do thành phố cấp phát để thực hiện khử trùng tiêu độc toàn khu vực.
Thực hiện tuyên truyền và hướng dẫn các hộ chăn nuôi, giết mổ trên địa bàn ký cam kết không mua bán con giống, vận chuyển, giết mổ lợn, sản phẩm lợn phải rõ nguồn gốc, an toàn dịch bệnh, có giấy kiểm dịch của cơ quan thú y; không giết mổ, buôn bán lợn và sản phẩm của lợn ốm, lợn chết; yêu cầu tạm ngừng việc buôn bán thịt lợn tại chợ Trung Nhì...
Chúng tôi có mặt tại chợ Trung Nhì, phường Tân Thành 1 ngày sau khi thành phố Ninh Bình công bố dịch, không khí buôn bán có phần trầm lắng hơn thường ngày, dọc các con đường vôi phủ trắng xóa, các biển cảnh báo "khu vực có dịch" được dựng lên. Một chốt kiểm dịch được đặt ngay ngã ba dẫn vào chợ.
Trao đổi với ông Đinh Hùng Sơn, Tổ trưởng Tổ dân phố Phúc Tân, phường Tân Thành, thành viên tại chốt kiểm dịch này được biết: Chúng tôi triển khai trực thường xuyên 24/24 giờ. Ngoài việc phun khử trùng các phương tiện qua lại, chúng tôi còn kiểm tra các xe hàng… để đảm bảo tuyệt đối không để trường hợp nào mang lợn, thịt lợn ra khỏi địa bàn.
Đồng thời yêu cầu các tiểu thương tại chợ ngưng buôn bán thịt lợn. Ngoài ra, việc vận chuyển thức ăn thừa từ nhà hàng cũng bị nghiêm cấm. Ông Sơn cho biết thêm: Riêng tại phố Phúc Tân, hiện đang có 2 hộ chăn nuôi lợn với quy mô nhỏ, để ngăn chặn dịch lây lan, tổ dân phố đã tổ chức vãi vôi dọc đường, tiến hành phun khử trùng tiêu độc tại hộ.
Trên địa bàn thành phố Ninh Bình đang có khoảng 5.530 con lợn được chăn nuôi tại 592 hộ gia đình. Nhìn chung, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ, chỉ có một số đơn vị có đàn con nuôi lớn như xã Ninh Nhất, Ninh Phúc, Ninh Tiến có hộ chăn nuôi với quy mô trên 100 con lợn thịt, tuy nhiên số lượng này rất ít.
Ngoài ra, hiện nay, thành phố còn có 57 hộ có hoạt động giết mổ lợn và 271 hộ kinh doanh buôn bán thịt lợn. Do vậy, dịch tả lợn châu Phi sẽ có nguy cơ tiếp tục lan rộng.
Bà Phạm Thị Thu Hiền, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Ninh Bình cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, thành phố đang nỗ lực triển khai các biện pháp ngăn chặn, khoanh vùng khống chế dịch bệnh lây lan. Theo đó, yêu cầu các phòng chuyên môn và phường Tân Thành tập trung mọi nguồn lực để triển khai các công tác ứng phó khẩn cấp theo kế hoạch đã ban hành.
Các xã, phường chưa có dịch tuyệt đối không được chủ quan lơ là, mất cảnh giác để phát sinh, lây lan dịch bệnh, thực hiện tiêu độc, khử trùng định kỳ theo quy định. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động khai báo khi có dịch bệnh trên đàn lợn.
Nói thêm về ổ dịch tại phường Tân Thành, phóng viên chúng tôi đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thơm - hộ chăn nuôi có 5 con lợn ốm chết được xác định là do virut tả lợn châu Phi. Bà Thơm cho biết: gia đình đã nuôi lợn hàng chục năm nay với số lượng đàn chỉ từ 3-5 con. Về thức ăn thì ngoài cám viên công nghiệp, bà còn thường xuyên xin rau, cơm canh thừa của các hộ xung quanh về cho lợn ăn.
Đây rất có thể là nguyên nhân mà đàn lợn của bà Thơm mắc bệnh bởi theo Tổ chức Thú y thế giới có 3 nguyên nhân chính làm bệnh dịch tả lợn châu Phi lây lan, trong đó 46% là do phương tiện vận chuyển và do con người nhưng không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% là do sử dụng thức ăn thừa và 19% là do vận chuyển lợn sống và các sản phẩm của lợn giữa các vùng.
Do vậy, các hộ chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ cần lưu ý, ngoài việc thực hiện đầy đủ, thường xuyên các biện pháp vệ sinh phòng bệnh thì tuyệt đối không sử dụng thực phẩm thừa, chưa qua xử lý nhiệt để làm thức ăn cho lợn tránh để dịch bệnh lây lan phức tạp.
Bài, ảnh: Hà Phương