Gia đình anh Phạm Văn Phan, phố Phúc Hải, phường Phúc Thành là một trong những gia đình tiêu biểu về việc học tập và xây dựng phong trào học tập trong cộng đồng dân cư. Anh chị là giáo viên về hưu, có hai con học giỏi, một cháu hiện là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, một đang học tại Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy. Mặc dù đã về hưu nhưng anh chị vẫn tâm huyết với sự nghiệp giáo dục bằng việc tạo điều kiện giúp đỡ con, em, các cháu trong khu phố về môn Anh văn. Cùng với tận tình dạy dỗ, kèm cặp những học sinh có nhu cầu học tập môn ngoại ngữ, anh chị cũng không ngừng tự học, trau dồi thêm kiến thức môn ngoại ngữ qua các phương tiện nghe nhìn như tivi, máy tính bảng, Internet… Đặc biệt, gia đình anh Phan còn xây dựng được một tủ sách lớn với hàng trăm đầu sách các loại tại nhà, giúp các thành viên trong gia đình tự học và cho những người thân, bạn bè có nhu cầu tham khảo, trao đổi sách, thúc đẩy việc học tập suốt đời trong gia đình và cộng đồng.
Dòng họ Nguyễn Tử, thôn Thư Điền, xã Ninh Nhất là dòng họ hiếu học truyền thống từ nhiều đời nay. Là dòng họ lớn có trên 400 hộ với hơn 1 nghìn suất đinh hiện sinh sống và làm việc tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và nước ngoài, những năm qua, con em trong dòng họ luôn nỗ lực để học giỏi, thành tài theo gương cụ Nguyễn Tử Dụ, đời thứ 3 đỗ Hương Cống làm quan tham nghị Đại phu, đã đề ra Hương ước, trong đó có điều khuyến khích việc học, ghi rõ: "Người nào đi học thì việc tuần phiên canh gác nhất thiết được miễn trừ"… Đến năm 2018, dòng họ Nguyễn Tử có 429 bằng Đại học, 47 bằng Thạc sĩ, 11 bằng Tiến sĩ, 3 Giáo sư, 1 PGS, 1 Thầy thuốc ưu tú, 1 Thiếu tướng, 15 Đại tá, gần 300 người theo nghề dạy học… Trong dòng họ có những gia đình tiêu biểu như cụ Nguyễn Tử Chương, đời thứ 10 hệ 3, từ hai bàn tay trắng vươn lên học tập và làm kinh tế giỏi, được Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải Cúp vàng văn hóa, doanh nhân thành đạt năm 2010…
Chi hội Khuyến học phố Phúc Thắng, phường Phúc Thành có 146 hộ với 589 khẩu, trong đó người lớn là 470 khẩu. Chi hội rất quan tâm đến việc học tập của người lớn, theo đó 80% người lớn trong chi hội tự giác học bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp, như học qua các phương tiện thông tin đại chúng, đọc sách, tự nghiên cứu tài liệu, qua sinh hoạt hội... Chi hội hiện có 74 tủ sách gia đình, với từ 30 đầu sách trở lên, 258 ti vi, 139 máy vi tính, 91 máy nối mạng, 71 hộ có quỹ khuyến học gia đình… Hàng năm chi hội đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập", 100% gia đình đạt "Gia đình học tập"… Những năm qua, Chi hội được nhận 1 Bằng khen của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam, 1 Bằng khen của UBND tỉnh, 2 Giấy khen của Hội Khuyến học tỉnh và hàng chục Giấy khen của UBND thành phố, Hội Khuyến học thành phố Ninh Bình…
Là một trong số những đơn vị cơ quan, trường học tiêu biểu thực hiện tốt 3 tiêu chí xây dựng "Đơn vị học tập", Trường THCS Lê Hồng Phong có bề dày lịch sử với nhiều năm thực hiện tốt các phong trào thi đua, trong đó có phong trào học tập suốt đời, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong tất cả cán bộ, giáo viên và học sinh. Trường đã được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành. Đội ngũ giáo viên nhà trường 100% đạt chuẩn, 53/60 giáo viên có trình độ đại học. Trường là điển hình trong việc phát huy tinh thần trách nhiệm vừa dạy vừa học, nâng cao kiến thức văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, tham gia học tập các lớp bồi dưỡng chính trị. 100% giáo viên có chứng chỉ tin học A - B, ngoại ngữ A-B và phấn đấu đạt các tiêu chí xây dựng "Gia đình học tập" ở khu dân cư, trường đạt danh hiệu "Đơn vị học tập" tiên tiến.
Theo bà Đào Thị Quang, Chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Ninh Bình, hiện nay việc học tập suốt đời đã trở thành xu thế phát triển tất yếu, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, giáo dục kiến thức về văn hóa, lịch sử, pháp luật..., thông qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại. Qua 3 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua xây dựng gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị học tập trên địa bàn thành phố Ninh Bình cho thấy phong trào đã diễn ra khá sôi động, được tất cả cán bộ, đảng viên của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia, từ đó xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình, điển hình nổi bật, tiêu biểu đạt danh hiệu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" tiên tiến, xuất sắc.
Năm 2017, thành phố Ninh Bình có 94,5% gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập"; 94,7% dòng họ đạt danh hiệu "Dòng họ học tập"; 95,6% cộng đồng thôn, phố đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập" và 100% đơn vị ở cơ sở thuộc xã, phường quản lý được công nhận "Đơn vị học tập". 3 năm, thành phố Ninh Bình có 8 mô hình học tập tiêu biểu được Hội Khuyến học tỉnh khen thưởng; 5 gia đình, 1 dòng họ, 5 cộng đồng và 3 đơn vị được UBND thành phố khen thưởng do có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng "Xã hội học tập" của thành phố giai đoạn 2015-2018.
Thời gian tới, thành phố Ninh Bình phấn đấu giữ vững các chỉ tiêu đã đạt được và phấn đấu nâng cao một số chỉ tiêu về gia đình học tập, dòng họ học tập… Theo đó, tập trung đẩy mạnh phong trào học tập bằng việc mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Gắn việc thực hiện Quyết định 281 về đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời với cuộc vận động "Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", phong trào "Trường học thân thiện, học sinh tích cực", phong trào xây dựng "Nông thôn mới, đô thị văn minh", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng khu dân cư tiên tiến". Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về xã hội học tập, mô hình học tập suốt đời trong các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị qua các phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ các cơ sở giáo dục và giảng dạy của các Trung tâm học tập cộng đồng ở phường, xã phát triển nhiều loại hình học tập đa dạng, phù hợp với điều kiện, nhu cầu học tập của nhân dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hạnh Chi