Hằng ngày, đồng chí Phạm Thị Thủy, công chức Văn phòng HĐND, UBND phường Ninh Phong luôn tiếp nhận và giải quyết khá nhiều công văn, giấy tờ, nhưng từ khi ứng dụng công nghệ thông tin đã tạo thuận tiện cho việc thực hiện các công việc hơn rất nhiều.
Đồng chí Phạm Thị Thủy cho biết: Khi thực hiện nhiệm vụ, mỗi cán bộ, đảng viên xác định, việc áp dụng CNTT có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng sự phát triển của xã hội hiện đại. Là công chức làm trực tiếp tại bộ phận "Một cửa" của phường, tôi rất tích cực tham gia các buổi tập huấn nâng cao trình độ do thành phố Ninh Bình tổ chức, giúp cán bộ, đảng viên tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin vào công việc.
Hiện nay, công chức thành phố thực hiện nhiều phần mềm như I-office, phần mềm về quản lý cán bộ, công chức, phần mềm tư pháp, phần mềm địa chính, dịch vụ công… Để thực hiện tốt nhiệm vụ, cán bộ, đảng viên vừa làm vừa học, trong quá trình làm có nhiều khó khăn như lỗi trên phần mềm, lỗi trên hệ thống trong quá trình thao tác. Tuy nhiên, cán bộ, công chức thường xuyên trao đổi, rút kinh nghiệm trong các cuộc họp hàng tháng, tích cực chia sẻ kinh nghiệm với nhau, góp phần thực hiện nhiệm vụ tốt hơn. Việc ứng dụng CNTT và các phần mềm vào công việc đã tiết kiệm thời gian, nhanh chóng, kịp thời trong chuyển nhận văn bản, đồng thời tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm cho cơ quan, góp phần hiện đại hóa đội ngũ công chức phường.
Đồng chí Vũ Văn Vinh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Ninh Phong cho biết: Thực hiện chuyển đổi chính quyền điện tử, Đảng ủy phường Ninh Phong đã đưa vào Nghị quyết Đại hội phường, triển khai thực hiện đến tất cả cán bộ, công chức phường. UBND phường cũng chỉ đạo hoàn thiện về cơ sở vật chất, đảm bảo đủ máy móc, trang thiết bị phục vụ cho thực hiện chính quyền điện tử.
Đối với Đảng ủy, UBND phường, đã thực hiện chuyển nhận văn bản từ phường tới thành phố qua hệ thống i-office. Đối với bộ phận một cửa, chỉ đạo bố trí máy tính và giao cho cán bộ chuyên môn hướng dẫn nhân dân khi đến giao dịch về thủ tục hành chính, từng bước thực hiện chính quyền điện tử trên địa bàn phường. Hiện, 100% các đồng chí Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND phường sử dụng thành thục công nghệ thông tin, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ được giao. Phường Ninh Phong là 1 trong những phường được xếp hạng tốp đầu thực hiện tốt công tác CCHC trên địa bàn thành phố Ninh Bình.
Đồng chí Hoàng Ngọc Khuyến, Phó Chánh Văn phòng HĐND, UBND thành phố Ninh Bình cho biết: Thực hiện xây dựng chính quyền điện tử, ngay từ đầu năm, thành phố đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho các đơn vị thực hiện. Đối với Trung tâm Một cửa liên thông thành phố, triển khai 2 nội dung về ứng dụng và sử dụng các phần mềm xử lý văn bản và triển khai các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia và Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh.
Hàng năm, thành phố chọn, cử cán bộ, đặc biệt công chức phụ trách, tham mưu trong lĩnh vực công nghệ thông tin tham gia tập huấn do Sở Thông tin, Truyền thông đào tạo, bồi dưỡng. Quan tâm đầu tư trang thiết bị máy móc phục vụ quá trình xử lý văn bản và tiếp cận, giải quyết công việc của cán bộ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức được cấp 1 máy tính, máy in, máy scant để phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Thành phố Ninh Bình cũng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin làm việc tại Phòng Văn hóa và Văn phòng HĐND, UBND thành phố. Đội ngũ cán bộ đầu mối vừa thực hiện việc kiểm soát thủ tục hành chính, vừa làm công tác tham mưu, giúp việc phụ trách CNTT cho các phòng, ban chuyên môn và UBND thành phố. Đến nay, thành phố Ninh Bình đã xây dựng được quy trình xử lý văn bản trên hệ thống điện tử, sử dụng chữ ký điện tử; số hóa, scant hồ sơ công dân nộp để lưu trữ điện tử, thuận lợi cho việc tra cứu điện tử; giảm thiểu việc sử dụng văn bản giấy tờ, giảm việc gửi văn bản đi từ 60-70%.
Để xây dựng thành công chính quyền điện tử, thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, phường tập trung đổi mới quy trình xử lý văn bản, hồ sơ công việc, giải quyết thủ tục hành chính, chuyển từ môi trường làm việc trên giấy sang làm việc trên môi trường điện tử trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Việc ứng dụng CNTT trong giải quyết TTHC cũng được tăng cường. Hiện, 100% các phòng, ban chuyên môn được kết nối mạng LAN, được trang bị phần mềm quản lý hồ sơ công việc. Đồng thời, thành phố cũng đã triển khai thử nghiệm các hợp phần dịch vụ Đô thị thông minh để phục vụ công tác quản lý, điều hành của thành phố.
Bài, ảnh: Tiến Minh