Nhìn ngôi nhà khang trang, rộng rãi, đầy đủ tiện nghi vừa mới được khánh thành vào cuối năm 2018 của thương binh Đỗ Văn Thân, thôn Khoái Thượng, xã Ninh Phúc, ai cũng mừng cho vợ chồng ông. Cả hai đều là những đồng chí, đồng đội có nhiều năm phục vụ trong quân ngũ, phục viên về cuộc sống đời thường với mức thương tật trong người, ông thì bị mất một chân, còn bà sức khỏe không được tốt. Hai ông bà chỉ sinh được một người con gái, hiện đã lập gia đình riêng.
Mấy năm trước, ngôi nhà nhiều đời để lại của gia đình ông Thân cũng đã xuống cấp, nhưng ông không có nhu cầu làm lại, phần vì cuộc sống chưa dư giả gì nhiều, phần khác ông cũng cũng nghĩ đơn giản, hai ông bà già thì "ăn nhiều, ở mấy" nên ông bà cứ sống qua ngày trong ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, chật chội ấy. Đến tháng 6/2018, được xã Ninh Phúc rà soát và đề nghị hỗ trợ xây nhà, gia đình ông Thân được phê quyệt mức hỗ trợ 40 triệu đồng theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Với số tiền được hỗ trợ tạo thêm động lực để ông Thân quyết định xây ngôi nhà kiên cố để yên tâm dưỡng già. Cùng với số vốn tích cóp được, với sự trợ giúp, vay mượn thêm của con cái, người thân, họ hàng, ông Thân đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, rộng rãi trên 90m2, với đủ các phòng ăn, ngủ, công trình khép kín... số tiền trên 500 triệu đồng.
Ông Thân vui vẻ cho biết, trong quá trình xây dựng, ông nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể xã Ninh Phúc. "Ngôi nhà được xây mới không chỉ là sự quan tâm về vật chất đối với gia đình ông, mà còn thể hiện sự quan tâm, chia sẻ về tinh thần của cộng đồng đối với những gia đình chính sách, người có công với cách mạng.
Đây là ước nguyện lớn nhất của ông bà và cũng là động lực để ông bà cố gắng sống vui, sống khỏe, sống có ích cho những năm tuổi già sắp tới..." - ông Thân chia sẻ thêm. Vậy nên, khi vẫn còn sức khỏe, ông Thân phát huy bản chất bộ đội Cụ Hồ, nhiệt tình tham gia công tác an ninh tại xã, thôn, xóm, góp phần giữ vững sự bình yên, an ninh trật tự cho xóm làng.
Trên địa bàn xã Ninh Phúc hiện có 230 đối tượng người có công, gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam... Phần lớn đối tượng này sống bằng nguồn trợ cấp của Nhà nước, một số ít còn sức khỏe thì tham gia làm kinh tế, làm bảo vệ cho các doanh nghiệp, trường học.
Với phương châm người có công, gia đình chính sách cần được quan tâm, động viên về cả vật chất và tinh thần, đảm bảo có cuộc sống vật chất tốt hơn hoặc bằng người dân trong cùng thôn, xóm, xã Ninh Phúc đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ, động viên các đối tượng.
Trong năm 2018, có 6 gia đình được hỗ trợ xây mới, sửa nhà, trong đó có 5 hộ xây mới; từ đầu năm 2019 đến nay có 2 hộ được hỗ trợ sửa chữa nhà, đến hết năm 2019 sẽ có thêm 4 nhà đã được phê duyệt xây dựng mới. Đối với hộ xây mới, mỗi hộ được hỗ trợ từ 40-50 triệu đồng, hộ sửa chữa được hỗ trợ 20 triệu đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" của thành phố hoặc theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện trên địa bàn xã, qua rà soát còn 4 hộ gia đình chính sách có nhu cầu về nhà ở, xã đã lập danh sách, đề xuất phê duyệt hỗ trợ trong thời gian tới. Cùng với đó, các đối tượng người có công, gia đình chính sách trên địa bàn cũng được các cấp, các ngành, tổ chức quan tâm, thực hiện chi trả đầy đủ, chính xác, nghiêm túc các chế độ theo quy định của Nhà nước về trợ cấp chế độ hàng tháng, thẻ BHYT, tặng quà nhân dịp ngày lễ, tết, ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7...
Đồng chí Đỗ Thị Dung, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thành phố Ninh Bình cho biết: Thành phố Ninh Bình hiện có 3.446 đối tượng người có công với cách mạng; trong đó có khoảng 100 Mẹ Việt Nam anh hùng đã được phong tặng, truy tặng (hiện 7 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống), trên 1.500 liệt sỹ, gần 1.800 thương binh, bệnh binh, trên 1.100 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học đã được hưởng chế độ.
Hàng tháng, số người hiện đang hưởng trợ cấp thường xuyên của thành phố là trên 3.400 người, với số tiền chi trả mỗi tháng hơn 5 tỷ đồng. Những năm qua, nhận thức rõ trách nhiệm phải chăm lo, tri ân các đối tượng chính sách, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, các thương binh, bệnh binh..., thành phố Ninh Bình phát động sâu rộng tới tất cả các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố và được các cấp, các ngành từ thành phố đến xã, phường, phố, xóm triển khai và hưởng ứng nhiệt tình, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ.
Hiện 14/14 xã, phường trên địa bàn thành phố có các công trình ghi công liệt sĩ như nghĩa trang, nhà bia, đài tưởng niệm và thường xuyên được đầu tư, tôn tạo, nâng cấp. Tất cả các xã, phường trên địa bàn thành phố đều được công nhận là đơn vị làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công. 100% gia đình chính sách, người có công có mức sống ngang bằng và khá hơn mức sống của người dân trong khu dân cư.
Đặc biệt, tất cả 7 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống trên địa bàn đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời và thường xuyên quan tâm chăm sóc, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, động viên tinh thần để các Mẹ sống vui, sống khỏe, sống có ích. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sỹ 27/7, thành phố và các xã, phường đều tổ chức thắp nến tri ân, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách tiêu biểu trên địa bàn thành phố.
Năm nay, nhân kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh, liệt sỹ, thành phố Ninh Bình rà soát và lên kế hoạch thăm hỏi, chuyển tặng trên 3.400 suất quà cho các đối tượng là người có công, gia đình chính sách.
Trong đó, trên 100 đối tượng là thương binh, bệnh binh từ 81% trở lên, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học mắc bệnh hiểm nghèo suy giảm khả năng lao động 81% trở lên, thân nhân liệt sĩ hưởng tuất nuôi dưỡng, thân nhân 2 liệt sĩ trở lên, mỗi suất quà 500 nghìn đồng/người; tặng thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ 21-81%, thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hàng tháng, đại diện người thờ cúng liệt sĩ, người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, gồm 3.340 người, mỗi suất quà 200 nghìn đồng; thăm và tặng quà 35 gia đình chính sách tiêu biểu (gồm 7 Mẹ Việt Nam anh hùng và 28 gia đình chính sách), mỗi gia đình 1,5 triệu đồng. Tổng giá trị các phần quà được trích từ ngân sách thành phố với trên 787 triệu đồng.
Cùng với đó, 100% các xã, phường đều có kế hoạch tổ chức các hoạt động trong dịp kỷ niệm 27/7, như trích nguồn ngân sách địa phương hoặc Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa và an sinh xã hội" địa phương tặng quà cho các gia đình chính sách, người có công; tiến hành sửa chữa, tôn tạo, nâng cấp, dọn vệ sinh, làm đẹp cảnh quan môi trường các nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức dâng hương tại các công trình tưởng niệm liệt sĩ; thắp nến tri ân vào tối ngày 26-27/7 tại các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn thành phố…
Tất cả các hoạt động hướng đến mục tiêu chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn, đảm bảo cho họ có cuộc sống ngày càng đầy đủ, hạnh phúc, góp phần đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.
Bài, ảnh: Mỹ Hạnh