Tuy nhiên, công tác ứng phó với thiên tai năm 2018 của thành phố Ninh Bình đã được các đơn vị tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, giảm thiểu được thiệt hại. Trong đó ưu điểm là Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) thành phố đã chủ động xây dựng và chỉ đạo các đơn vị, địa phương xây dựng và triển khai phương án PCTT &TKCN của đơn vị, địa phương mình; trực tiếp chỉ đạo công tác chống úng ngập tại các địa bàn trọng điểm. Phần lớn các đơn vị, địa phương đã thực hiện tốt "4 tại chỗ"; chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai, ứng phó với các tình huống thiên tai trên địa bàn...
Theo dự báo năm 2019, tình hình thời tiết ngày càng có chiều hướng diễn biến khó lường, cường xuất bão có xu thế ngày càng tăng, đường đi của áp thấp nhiệt đới, bão diễn biến phức tạp, các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng nhiều... Thành phố đề ra mục tiêu đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của nhà nước và nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; bảo vệ an toàn tuyệt đối các tuyến đê, kè, cống, các công trình phòng chống thiên tai, đặc biệt là tuyến đê Hữu Đáy, bảo vệ sản xuất và môi trường sinh thái.
Do đó, để chủ động trong công tác PCTT &TKCN năm 2019, thành phố đã củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCTT &TKCN của thành phố và các xã, phường, các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm công tác PCTT &TKCN năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Đồng thời tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn, cảnh báo để nâng cao nhận thức của cộng đồng, từng bước nâng cao khả năng chuẩn bị, ứng phó của cộng đồng trước, trong và sau thiên tai; xây dựng và chuẩn bị phương án PCTT &TKCN theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó lấy phòng, tránh là chính...
Đồng thời thành lập Đội xung kích PCTT&TKCN năm 2019 và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; xây dựng và triển khai phương án PCTT&TKCN năm 2019 cụ thể và chi tiết với từng tình huống có thể xảy ra. Theo đó, lực lượng xung kích dự kiến bố trí khoảng 2.140 người từ các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn; ngoài ra khi sự cố xảy ra ở xã, phường, đơn vị nào thì xã, phường, đơn vị đó trực tiếp huy động lực lượng của mình để xử lý.
Về vật tư, phương tiện phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, ngoài 3 nhà bạt, 100 áo phao, 150 phao cứu sinh là vật tư dự phòng do thành phố quản lý, khi cần thiết thành phố có thể huy động các vật tư phòng chống thiên tai của các đơn vị trên địa bàn như bao tải đất, cọc tre, vồ đóng cọc, thang tre, các dụng cụ cầm tay như mai, cuốc, xẻng... Các loại vật tư khác phục vụ công tác hộ đê sẽ được tiếp nhận tại kho của Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão khi có lệnh điều động của tỉnh. Phương tiện phòng, chống thiên tai dự kiến bố trí huy động từ các xã, phường, các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn gồm có 90 xe tải, 27 xe ca, 3 xe cẩu, 4 máy xúc.
Với sự chủ động trong công tác chuẩn bị, thành phố Ninh Bình phấn đấu bảo vệ đê điều, giữ vững tuyến đê hữu Đáy và các công trình trên đê với mức lũ sông Đáy tại thành phố Ninh Bình là +3,5m; đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước trong trường hợp bão dưới cấp 10, hạn chế các thiệt hại trong trường hợp bão trên cấp 10; đảm bảo tiêu úng cục bộ và an toàn cho trên 1.000 ha lúa và hoa màu, chủ động tiêu úng nhanh, không để ngập úng kéo dài; đảm bảo an toàn khi lượng mưa ở mức 200mm và hạn chế thiệt hại khi lượng mưa lên tới 250mm trở lên trong 2-3 ngày liên tục...
Vân Giang