Mỗi năm có hàng chục thanh niên mạnh dạn vay vốn đầu tư mở nhà xưởng sản xuất, trang trại, tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội và việc làm cho nhiều lao động. Phong trào được gắn với cuộc vận động "Tuổi trẻ Ninh Bình học tập và làm theo lời Bác" và từ phong trào thi đua này đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến làm theo lời Bác với những mô hình kinh tế thiết thực, hiệu quả.
Anh Phạm Bá Ngọc (Ủy viên Hội Liên hiệp thanh niên phường Nam Sơn) là một "bông hoa đẹp" của phong trào "Thanh niên thi đua lao động xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng". Sinh năm 1978, tốt nghiệp Trường Thủ công mỹ nghệ Nam Định, sau đó anh đã có một thời gian dài làm việc cho các cơ sở sản xuất gỗ trong Nam, ngoài Bắc. Dù làm ở đâu Ngọc cũng say mê, nhiệt tình với công việc, đặc biệt là việc cho ra các sản phẩm gỗ nghệ thuật. Năm 2008 anh đã mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất và thành lập Doanh nghiệp tư nhân Vạn Bảo Ngọc, chuyên sản xuất các loại gỗ lũa nghệ thuật, bàn ghế bằng gốc cây, tranh tượng, các đồ vật trang trí nội thất, tranh gỗ, tượng phật, bình hoa, hộp bút… Nhiều mặt hàng của anh đã có mặt trên thị trường và được khá nhiều người ưa chuộng. Hiện nay, anh đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động, với mức lương trên 2 triệu đồng/người/tháng. Hay như anh Lê Anh Tú, mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có một cơ ngơi khá khang trang ở khu hóa chất mỏ (phường Nam Sơn). Qua tìm hiểu được biết, trước đây cuộc sống của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Từ khi mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, gia đình anh đã khá lên nhiều. Anh cho biết, anh lựa chọn mô hình nuôi nhím sau khi đã tham khảo một số mô hình hiệu quả ở tỉnh bạn, sau đó anh đã mạnh dạn đầu tư gần 400 triệu đồng mua con giống, xây dựng chuồng trại. Sau 4 năm, trang trại nhà anh có trên 40 con nhím, 50 con lợn rừng. Ngoài ra còn nuôi thêm một số con nuôi đặc sản như hươu, gà lôi… Mô hình trang trại chăn nuôi con đặc sản của anh Tú đã được nhiều người biết đến và học tập.
Không chỉ có anh Ngọc, anh Tú, ở thị xã Tam Điệp còn có những tấm gương làm kinh tế hiệu quả, như anh Lê Văn Tuyến ở phường Trung Sơn, chủ Doanh nghiệp tư nhân Tiến Dũng chuyên sản xuất khung nhôm kính, cửa hoa, cửa xếp, hiện đang tạo việc làm thường xuyên cho 9 lao động, với mức thu nhập 1,8 triệu đồng/người/tháng. Ở phường Tân Bình, thanh niên đã nhanh chóng tiếp cận với khoa học kỹ thuật, phát huy lợi thế của địa phương, áp dụng mô hình kinh tế như: lúa - cá, nuôi vịt, nuôi dê… cho hiệu quả kinh tế cao. Ở xã Yên Sơn có anh Phạm Văn Hải đã mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi cá - ếch. Riêng từ nuôi cá mỗi năm cho lãi 20 triệu đồng/ha. Được sự giúp đỡ của thị xã và Trung tâm khuyến nông tỉnh cấp 1.000 con giống, anh Hải đã đầu tư nuôi ếch, hiện đang phát triển rất tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Được biết, hiện nay, toàn thị xã có 21 doanh nghiệp trẻ, thu hút 1.115 lao động, có thu nhập bình quân 1.250.000 đồng/người/tháng. Các tổ hợp, cửa hàng dịch vụ do thanh niên làm chủ phát triển mạnh, có 279 cơ sở tập trung vào các ngành nghề như kinh doanh, sửa chữa điện tử, điện lạnh, xe máy, thu hút 1.435 lao động với thu nhập bình quân khoảng 1 triệu đồng/người/tháng. Trong thời gian tới, đoàn viên, thanh niên thị xã sẽ tiếp tục phát huy truyền thống thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Bài, ảnh: Vân Anh