Dẫn chúng tôi đi thăm quan trang trại của gia đình, anh Đỗ Văn Chi, sinh năm 1992 cho biết, hơn 10 ha đất đồi này hiện đang trồng keo, nhãn và vải. Đây là những cây trồng do chính bố của Chi trồng trước khi mất. "Bố tôi vẫn bảo, dù là đất cằn nhưng nếu biết tận dụng lợi thế để phát triển kinh tế thì mảnh đất cằn này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với tư tưởng đó, bố tôi bắt tay trồng các loại cây keo và cây ăn quả. Tuy nhiên, chưa thực hiện hết dự án của riêng mình thì bố tôi đột ngột qua đời do bạo bệnh. Lúc đó tôi đang học lớp 11 và một mong ước mãnh liệt trong tôi lúc đó là làm thế nào để thực hiện nốt giấc mơ còn dang dở của bố"- anh Chi xúc động kể.
Vậy là trong khi bè bạn cùng trang lứa đăng ký dự thi vào các trường Đại học, Cao đẳng thì Chi lại chọn cho mình một hướng đi khác. "Vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nên khi tốt nghiệp THPT, tôi đã tham khảo những ngành học có thể vừa học, vừa làm được và tôi đã chọn học trường trung cấp thú y. Không chỉ vậy, học thú y sẽ giúp tôi hiện thực được ý tưởng thành lập một trang trại chăn nuôi cho riêng mình"- Đỗ Văn Chi bắt đầu câu chuyện khởi nghiệp của mình như vậy. Tốt nghiệp, Chi không đi tìm việc làm mà ở nhà để tự tạo sự nghiệp cho mình. Với kiến thức có được, Chi tìm tòi các giống cây, con phù hợp với đồng đất, lại cho hiệu quả kinh tế cao để nghiên cứu đưa vào thử nghiệm.
Bên cạnh đó, cứ nghe ở đâu có con nuôi hiệu quả là Chi lại cất công tìm đến thăm quan, học hỏi. Một lần đi Cúc Phương, anh Chi đã gặp và quen biết với chủ một trang trại nuôi hươu lấy nhung. Sau khi nghiên cứu thấy phù hợp, anh Chi quyết định nuôi hươu. Theo anh Chi, nuôi hươu lấy nhung mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không nhiều lại có thể tận dụng nguồn thức ăn từ nông sản của gia đình. Vậy là, anh dồn hết vài chục triệu đồng vốn liếng để làm chuồng trại và mua được 2 con hươu sao đem về nuôi. Theo anh Chi, nuôi hươu rất nhàn. Bình thường hươu chỉ ăn các loại cỏ, lá cây, nên chỉ cần một tiếng đồng hồ kiếm cỏ là đủ thức ăn cho hươu. Trừ những lúc hươu mọc nhung thì cần chế độ chăm sóc đặc biệt hơn để nhung đạt trọng lượng, chất lượng. Hươu đực chỉ 2 năm tuổi là bắt đầu cho nhung. Lộc nhung bắt đầu mọc vào mùa xuân. Từ khi nhung mọc đến khi cắt chỉ khoảng 45 ngày. Ngoảnh đi ngoảnh lại, sau vài năm, đến nay đàn hươu của anh Chi đã có gần 100 con. Trong đó, nhiều con đã cho nhung. Riêng năm 2016, anh Chi cắt được hơn 10 cặp nhung, bán với giá từ 7-8 triệu đồng/cặp.
Không chỉ nuôi hươu lấy nhung, bán thịt, anh Chi tận dụng diện tích đồi rừng để nuôi gần 500 con gà thịt và gà Ai Cập lấy trứng. Mỗi ngày, anh thu hoạch được hơn 300 quả trứng gà, bán với giá từ 3.500- 4.000 đồng/quả. Anh Chi cũng tìm hiểu và đưa vào nuôi giống lợn rừng. Lúc cao điểm, đàn lợn của anh Chi lên tới 200 con. Để thuận lợi cho đầu ra, anh liên kết với một số hộ chăn nuôi trong thôn, trong xã để tạo lượng lợn lớn, cung cấp cho các đầu mối. Đối với hơn 10 ha đồi, trước đây chỉ trồng keo, nhãn, vải thì từ năm ngoái, anh Chi đưa vào trồng thử nghiệm hơn 200 gốc mít Thái và măng Bát Độ. Anh Chi cho biết, ưu điểm của cây mít Thái là phù hợp với khí hậu khô, mặt khác lá mít có thể tận dụng làm thức ăn cho hươu. Sau khi thử nghiệm phù hợp trên đồng đất Đông Sơn, năm nay anh Chi phấn đấu sẽ trồng thêm 2 ha mít Thái. Riêng đối với măng Bát Độ, anh Chi đang nghiên cứu đầu tư một dây chuyền sấy khô ngay tại trang trại của mình để cung cấp măng khô ra thị trường.
Đặc biệt, vừa qua, anh Đỗ Văn Chi và 9 hộ chăn nuôi ở địa phương đã thành lập nên HTX nông sản an toàn Tam Điệp. Anh Chi được bầu làm Phó giám đốc HTX. Những thành viên tham gia vào HTX này đều có mô hình trang trại và tâm huyết làm thực phẩm an toàn. Khi thành lập HTX, các thành viên đều kỳ vọng sẽ tăng cường sự hợp tác, tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Liên kết giữa các hộ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản và dần tiến tới xây dựng thương hiệu cho nông sản ở Đông Sơn. Sắp tới, với mong muốn xây dựng thương hiệu cho gà đồi Đông Sơn và đưa giống gà ngon này vào các nhà hàng, khách sạn lớn, anh Chi đầu tư hơn 300 triệu làm lò ấp trứng để đảm bảo chất lượng con giống một cách tuyệt đối.
Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp đã mang lại cho anh Đỗ Văn Chi nguồn thu từ 500-600 triệu đồng/năm. Nói về thành công của mình, anh Đỗ Văn Chi cho biết: Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, ở một quê hương cũng nghèo. Nhiều thanh niên lựa chọn việc ly hương để tìm kế sinh nhai. Tuy nhiên, các bạn trẻ hoàn toàn có thể "sống được", thậm chí là làm giàu ngay trên mảnh đất khó này, điều quan trọng là phải lựa chọn cho mình một hướng đi phù hợp, và dành tâm huyết cho sự lựa chọn ấy. Không có công việc nào là dễ dàng cả, nhưng nếu có quyết tâm thì các bạn sẽ thành công.
Nguyễn Hùng