Đây là đơn nguyên chống đau được thực hiện theo hình thức cung cấp dịch vụ, tiếp nhận điều trị chống đau cho những mặt bệnh, như: Đau do zona thần kinh, đau lưng do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đau do ung thư giai đoạn cuối, đau sau mổ dai dẳng, đau sau chấn thương, các loại đau mạn tính kéo dài khác, tư vấn và điều trị đau sau mổ...
Tiến sĩ, Bác sĩ Đinh Huy Cương, Trưởng Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Đau là một cảm giác khó chịu và là triệu chứng cơ năng thường gặp ở rất nhiều bệnh thuộc các chuyên ngành khác nhau như thần kinh, cơ-xương- khớp, phẫu thuật, chấn thương, ung bướu... Triệu chứng này là nguyên nhân đầu tiên khiến người bệnh đến khám và nhập viện. Những cơn đau có thể không đe dọa đến sự sống nhưng nếu không được quan tâm chữa trị tận gốc sẽ là nguyên nhân dẫn đến sự tàn phế, mất khả năng lao động cho người bệnh.
Tại một số quốc gia phát triển, các phương pháp chống đau cho người bệnh rất được quan tâm và phát triển. Tuy nhiên, ở Việt Nam, triệu chứng đau chưa được quan tâm đúng mức, nhiều bệnh nhân đang phải chịu nhiều cơn đau đớn hành hạ, nhất là sau những ca mổ lớn như phẫu thuật tim, thay khớp háng, thay khớp gối, cắt dạ dày, cắt đại tràng..; đau do di chứng bệnh zona thần kinh, đau do ung thư giai đoạn cuối hay do thoát vị đĩa đệm cột sống...
Bà Vũ Thị Nhài, xã Như Hòa (huyện Kim Sơn) nhập viện điều trị tại Khoa Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hơn 1 tuần nay. Bà Nhài được chẩn đoán mắc thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống thắt lưng, người lúc nào cũng đau đớn, đi lại khó khăn, khó ăn, ngủ... Trước đó, bà Nhài đã đi bệnh viện tuyến Trung ương điều trị nhiều lần, nhưng chỉ đỡ rồi lại về vì chi phí điều trị cao, thời gian đi lại vất vả, tốn kém.
Vào Khoa Thần kinh, bà Nhài cho biết, được các bác sĩ tiêm ngoài màng cứng cột sống thắt lưng, thấy đỡ rất nhiều, hiện đã đi lại nhúc nhắc và ăn ngủ được. "Việc thành lập và đi vào hoạt động đơn nguyên chống đau ngay tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ rất thuận lợi cho người bệnh. Bởi chúng tôi không phải lên tuyến trên để chữa bệnh, những kỹ thuật mới, tiên tiến, với các loại thuốc đặc trị sẽ được các giáo sư, bác sĩ đầu ngành thăm khám, điều trị, giúp bệnh nhân bớt đau đớn và dần khỏi bệnh với chi phí giảm hơn nhiều so với phải lên tuyến trên..." - bà Nhài cho biết.
Bác sĩ Chu Thị Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Theo kết quả nghiên cứu tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, có đến trên 70% bệnh nhân đau mãn tính. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình, khảo sát sơ bộ cho thấy, số lượng bệnh nhân đau mãn tính chiếm phần lớn và ngày càng tăng, chủ yếu liên quan đến các bệnh về xương khớp, thần kinh.
Nhận thức được nhu cầu cấp thiết về hoạt động chống đau, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chuẩn bị các bước cho việc thành lập đơn nguyên chống đau thuộc Khoa Thần kinh với 15 dịch vụ kỹ thuật cao. Theo đó, để đơn nguyên đủ điều kiện và đi vào hoạt động hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cho đơn nguyên hoạt động.
Cùng với đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ y bác sĩ bằng việc mời các chuyên gia đầu ngành về trực tiếp đào tạo theo hình thức "cầm tay chỉ việc" và thăm khám, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời cử cán bộ, điều dưỡng đến các trung tâm, bệnh viện đầu ngành trong nước như Bệnh viện 108, các Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh đã thành lập đơn nguyên chống đau để học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Mục tiêu của đơn nguyên chống đau là nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng khám và điều trị, đem lại niềm vui và niềm tin cho người bệnh.
Tiến sĩ - Bác sĩ Đinh Huy Cương, Trưởng đơn nguyên chống đau - Khoa Thần kinh cho biết thêm: Triệu chứng đau được xem là dấu hiệu sinh tồn thứ 5 bên cạnh nhịp tim, nhịp thở, huyết áp và nhiệt độ của bệnh nhân, ngày nay, nó được xem là triệu chứng rất quan trọng và có ý nghĩa lớn trong thực hành lâm sàng; là dấu hiệu chỉ điểm giúp người thầy thuốc định hướng đến chẩn đoán bệnh. Sự ra đời của mô hình lâm sàng đơn vị chống đau là bước đi tiên phong, đúng hướng, tạo động lực để đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng khoa Thần kinh nói riêng, Bệnh viện đa khoa tỉnh nói chung được học tập, tiếp nhận các kỹ thuật mới, nâng cao trình độ chuyên môn, chuẩn hóa phương pháp điều trị, để vừa nghiên cứu chuyên sâu về đau cũng như triển khai nhiều phương pháp, kỹ thuật chống đau mới, giúp điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Được biết, đơn nguyên chống đau đi vào hoạt động với trang thiết bị chống đau hiện đại, cùng sự tận tâm, nhiệt tình của các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm chống đau và đưa vào thực hiện nhiều kỹ thuật điều trị cao, như; Tiêm ngoài màng cứng đốt sống cổ; tiêm ngoài màng cứng cột sống thắt lưng; tiêm phong bế thần kinh; tiêm khớp; tiêm điểm bám gân; các hình thức điều trị đau bằng: điện châm, điện xung, siêu âm, sóng ngắn, hồng ngoại; điều trị đau bằng kéo dãn cột sống cổ, kéo dãn cột sống thắt lưng; xoa bóp bấm huyệt toàn thân, xoa bóp bấm huyệt vùng... Đây sẽ là địa chỉ tin cậy về chất lượng dịch vụ cho nhân dân trong và ngoài tỉnh đến khám và điều trị các triệu chứng đau, hạn chế tình trạng chuyển tuyến, nâng cao vị thế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Bài, ảnh: Hạnh Chi