Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Ninh Sơn, được ví như vựa rau ngoại ô thành phố Ninh Bình, ngay từ bé, chị Ánh đã gần gũi, gắn bó với những luống rau của mẹ. Những mớ rau, củ khoai, củ sắn quê hương ấy đã nuôi lớn chị. Ngày rời ghế nhà trường, sẵn có năng khiếu ca hát, chị quyết định theo đuổi con đường nghệ thuật. Nộp nguyện vọng vào cả 2 trường nghệ thuật, chị Ánh quyết tâm theo đuổi đam mê. Sau ngày tháng miệt mài với những buổi luyện thanh, học đàn học nhạc, chị trở về quê hương và công tác tại Nhà hát Chèo Ninh Bình.
Hơn 12 năm công tác, chị Ánh đã gặt hái được nhiều thành công trên con đường nghệ thuật. Ấy thế nhưng trong thâm tâm chị vẫn canh cánh một nỗi niềm khó tả khi nhớ về những năm tháng tuổi thơ. Chị Ánh kể lại: "Tôi vẫn nhớ những buổi chiều nắng như đổ lửa, gia đình tôi vẫn phải gánh từng xô nước để tưới tắm cho rau. Ngày ấy, trồng rau để phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình là chính, không dùng hết mới đem đi bán ở chợ xã.
Cho đến những năm trở lại đây, khi báo chí, truyền thông ngày càng xuất hiện nhiều những bài báo, phóng sự về thực phẩm bẩn, mất an toàn. Trong khi đó, những mô hình nông sản an toàn, rau sạch vừa được gây dựng lên thì đã "chết yểu" là bởi chi phí sản xuất lớn nhưng giá bán lại không chênh lệch so với rau không an toàn.
Thực tế ngay tại vùng quê Ninh Sơn của tôi, nhiều hộ gia đình lâm vào cảnh khó khăn khi chuyển sang mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới hay áp dụng các phương pháp canh tác rau không sử dụng thuốc hóa học. Vấn đề tiêu thụ là vấn đề "sống còn" đối với người sản xuất, mà đặc biệt là đối với nông sản lại càng cấp bách hơn do khó bảo quản. Mỗi loại rau, củ quả có thời gian chín nhất định, sẽ đảm bảo độ tươi ngon. Nếu quá thời điểm đó, rau củ sẽ không còn đạt độ tươi ngon nữa, dù có bảo quản lạnh đi chăng nữa.
Chị Ánh cho biết thêm, tôi nhận thấy vấn đề then chốt giữa việc tiêu thụ nông sản an toàn với người tiêu dùng là do thiếu những cầu nối trung gian đáng tin cậy. Là người tiêu dùng, ai cũng mong muốn mua được những thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe cho gia đình mình, song giữa sự xô bồ của thị trường hiện nay, người tiêu dùng khó phân biệt được đâu là nông sản an toàn, đâu là nông sản kém an toàn. Ở phía bên kia, người nông dân lại khó chứng minh được giá trị của nông sản mình làm ra, do thiếu đối tác trung gian tin cậy. Do đó, việc mở một cửa hàng nông sản an toàn không chỉ giúp hiện thực hóa ước mơ của tôi hồi còn nhỏ, mà còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Để bắt đầu xây dựng ước mơ, chị Ánh lựa chọn hình thức kinh doanh online để tiếp cận thị trường, tìm kiếm khách hàng. Chị Ánh cho biết: Nhờ 2 năm kinh doanh online mà tôi có lượng khách hàng thân thiết, thêm vào đó là tìm kiếm được nhiều đối tác cung cấp nguồn hàng dồi dào, đảm bảo chất lượng. Đến tháng 3/2020, chị Ánh mới quyết định khai trương cửa hàng tại số 111, đường Trương Hán Siêu, phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình.
Tham quan cửa hàng, chúng tôi khá bất ngờ trong không gian chỉ vỏn vẹn 30m2 nhưng đầy đủ các loại thực phẩm, từ rau củ quả, thịt cá bình dân cho đến những thực phẩm đặc sản của tỉnh như thịt dê cơm cháy, dưa lê Kim Sơn... Ngoài những nông sản của các HTX trong tỉnh, còn nhiều mặt hàng nông sản của tỉnh bạn như Bắc Giang, Hưng Yên... Ước tính mỗi tháng, cửa hàng cung cấp ra thị trường gần 1 tấn rau củ quả các loại.
Chị Ánh chia sẻ: Chất lượng của nông sản là yếu tố hàng đầu mà cửa hàng của tôi đề ra, sau đó mới là doanh thu. Không chỉ được khách hàng thừa nhận đảm bảo chất lượng, toàn bộ sản phẩm đều có truy xuất nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp giấy chứng nhận.
Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (phường Phúc Thành), một khách hàng thân thiết của cửa hàng cho biết: Mua hàng ở cửa hàng nông sản Cụ Bá, tôi rất yên tâm. Các mặt hàng tươi ngon, chế biến thành món ăn bổ dưỡng. Đặc biệt là chưa bao giờ khiến gia đình tôi gặp vấn đề về tiêu hóa. Còn cô Đinh Thị Nga (phường Vân Giang) cho biết: Tôi thường xuyên mua hàng tại đây do tiện đường đi làm về. Tuy vậy, chưa bao giờ tôi phải phàn nàn vì chất lượng của thực phẩm.
Tiêu thụ nông sản đang là bài toán mà các cấp, ngành Nông nghiệp và người nông dân cần tìm lời giải. Và chính sự xuất hiện của những cửa hàng nông sản an toàn là sự "cứu cánh" kịp thời để giải quyết một phần cho bài toán trên. Tuy vậy để mở cửa và vận hành tốt một cửa hàng nông sản an toàn cũng không phải là điều đơn giản, từ nguồn hàng, chất lượng nông sản cho đến tìm kiếm người tiêu dùng... Qua đó có thể thấy, việc mở một cửa hàng nông sản an toàn như chị Nguyễn Thị Ngọc Ánh đã và đang thực hiện là một sự khá liều lĩnh, nhưng cần thiết để góp phần giải quyết bài toán tiêu thụ nông sản, thúc đẩy nông nghiệp an toàn, công nghệ cao phát triển.
Bài, ảnh: Thái Học - Trường Giang