Đưa nghề về nông thôn
Những năm gần đây, Khánh Phú là một trong những địa phương có diện tích đất chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển công nghiệp, dịch vụ, thương mại khá lớn.Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động sau thu hồi đất là một bài toán nan giải đối với cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, việc phát triển nghề TTCN được xã coi là biện pháp hữu hiệu để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ chủ trương đó, cùng sự hỗ trợ của các cấp, các ngành từ tỉnh đến xã, năm 2004 HTX thêu Ngọc Bích đã ra đời.
Từ khi thành lập, Ban quản trị HTX đi tìm hiểu nhu cầu của thị trường sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thêu, thấy nghề này phù hợp với người lao động, bên cạnh đó HTX còn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương để mở lớp dạy nghề thêu cho một số bà con nông dân. Kết thúc khóa học, HTX đã tổ chức ngay sản xuất, ban đầu chủ yếu gia công những hàng thêu đơn giản cho các doanh nghiệp trên địa bàn như: doanh nghiệp Minh Hiếu, Minh Trang, Đông Thành….theo phương châm học nghề phải gắn với sản xuất. Khi mới đi vào sản xuất, cơ sở vật chất của HTX hầu như không có gì, ngay cả địa điểm sản xuất cũng phải đi mượn. Nhưng rồi theo thời gian, nhờ sự nỗ lực của ban quản trị HTX cùng lòng yêu nghề của chị em, thương hiệu của HTX đã dần được khẳng định với nhiều mặt hàng cao cấp phục vụ xuất khẩu.
Đến nay, nhiều xã viên vẫn chưa tin rằng sản phẩm từ bàn tay một đời chỉ biết cầm cày, cầm cuốc của mình lại có thể làm nên những sản phẩm đẹp và có thể xuất khẩu đến tận trời Tây. Chị Phan Thị Bắc - một trong những người làm nghề đầu tiên ở địa phương tâm sự: "đa số chúng tôi từ nhỏ chỉ quen làm ruộng, có thêu thùa gì đâu nên không dám nghĩ là mình có thể làm được. Lúc đầu còn nhiều bỡ ngỡ, giờ đây nhiều chị em đã làm được những sản phẩm đẹp được đối tác đánh giá cao. Cái hay của nghề thêu là khá nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe của người phụ nữ. Mặc dù thu nhập chưa cao, chỉ khoảng 600 nghìn đồng/người/tháng, nhưng khá ổn định. Người dân ở đây bây giờ không còn đất sản xuất, nay có nghề thêu nên cũng đỡ lo".
Dạy nghề gắn với sản xuất, kinh doanh
Thực tế cho thấy sự khó khăn trong chuyển nghề và tìm việc làm mới đối với nông dân sau khi thu hồi đất. Trước thực trạng đó, nhiều giải pháp đã được thực hiện về định hướng nghề, đổi nghề được đưa tới nhiều hộ nông dân. Các địa phương đã chú trọng công tác dạy nghề, nhân cấy nghề mới cho nông dân, nhân rộng nghề từ những làng nghề sang làng thuần nông, tạo cơ hội cho nông dân chuyển sang nghề mới. Tuy nhiên mô hình dạy nghề thì nhiều nhưng không phải ở đâu cũng đem lại hiệu quả. Một số nơi, tổ chức dạy nghề cho nông dân nhưng vì nhiều lý do mà không thể tổ chức sản xuất được làm lãng phí, thậm chí còn gây chán nản cho chính người được đào tạo. Vì vậy, sự thành công của HTX thêu Ngọc Bích là điển hình đáng để cho nhiều nơi tham khảo.
Theo chị Lê Thị Nga- Phó Chủ nhiệm HTX thêu Ngọc Bích, ban đầu huyện hỗ trợ tổ chức 6 lớp học nghề. Đến nay, hầu hết các học viên đều theo nghề và phát triển tay nghề tốt. Những người tham gia lớp học đầu tiên nay đã trở thành "cô giáo" tiếp tục truyền nghề cho lớp sau. Sở dĩ, Ngọc Bích giữ và phát triển được nghề là nhờ đã tổ chức tốt khâu sản xuất kinh doanh sau học nghề, bên cạnh đó HTX còn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
Chị Lê Thị Phương, người phụ trách kỹ thuật của HTX cho biết thêm, sau các lớp dạy nghề thêu do phòng Lao động thương binh xã hội huyện tổ chức, không phải ai cũng có thể làm được ngay, mà cần phải tiếp tục được hướng dẫn trong môi trường làm việc thật nghiêm túc. Chính vì vậy, HTX đã có sáng kiến cử ra một tổ kỹ thuật chuyên kèm cặp người mới vào nghề. Bên cạnh việc chỉ bảo từng đường kim mũi chỉ còn truyền cho họ sự nhiệt tình và lòng yêu nghề. Để đảm bảo đủ việc làm cho người lao động, Ban quản trị HTX đã phải "gõ cửa" nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng thêu trên địa bàn. Khi có đơn đặt hàng, HTX trực tiếp đi nhận hàng về phát cho bà con, giao chỉ tiêu và thời gian giao hàng. Tổ chức giám sát kỹ thuật chặt chẽ, đảm bảo hàng giao cho đối tác luôn đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Khi cần HTX sẽ thuê thêm cán bộ kỹ thuật để hướng dẫn cho người lao động nhằm đảm bảo chất lượng hàng thêu.
Từ đó đến nay, HTX ngày càng phát triển theo chiều hướng vững chắc hơn. Ngọc Bích đã trở thành một trong những đối tác của nhiều công ty xuất khẩu trên địa bàn với những mẫu mã mới được cải tiến liên tục, phù hợp với thị hiếu của các thị trường: Mỹ, Nhật Bản, Pháp…. Có tháng, HTX đã nhận được đơn đặt hàng lên đến cả trăm triệu đồng. Doanh thu từ nghề thêu của HTX ngày một tăng, tạo công ăn việc làm ổn định cho 235 lao động, trong đó 105 lao động chính có tay nghề cao.
Hiện nay, HTX thêu Ngọc Bích chủ yếu vẫn là nhận gia công sản phẩm nên giá trị gia tăng còn thấp. Hướng hoạt động HTX là xây dựng thương hiệu riêng cho mình thông qua nâng cao chất lượng sản phẩm, tập trung đào tạo nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, ngày càng khẳng định hiệu quả của HTX ngành nghề.
Bài, ảnh: Quốc Khang