Giá trị hàng cói hiện nay giảm gần một nửa so với "thời hoàng kim" là con số đáng báo động. Đi tìm nguyên nhân, chúng tôi về Kim Chính (Kim Sơn) - xã có làng nghề cói đầu tiên của tỉnh. Với vị trí địa lý vừa giáp thị trấn Phát Diệm, có Quốc lộ 10 chạy qua, lại có sông Càn chảy dọc theo chiều dài đến sông Đáy và đổ ra biển Đông, xã Kim Chính hội tụ nhiều thuận lợi: "nhất cận thị, nhị cận giang". Cả 3 làng nghề của địa phương đều đã được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận làng nghề truyền thống: Làng cói Trì Chính (tháng 5-2006), làng cói Thủ Trung, làng cói Kiến Thái (tháng 1-2007). Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chính, đồng chí Phan Văn Cảnh, giãi bày: Xã có 8.842 nhân khẩu, 2.508 hộ, với bình quân ruộng đất khoảng 1,1 sào ruộng/ đầu người, nếu trồng lúa thì chỉ giải quyết được phần lương thực, nên ngoài làm nông nghiệp, nhân dân còn phát triển nhiều nghề khác: nghề cói, nghề mộc, nghề nề, hoặc đi trồng cà phê, trồng điều ở miền Nam… Nghề cói thì khá ổn định về thời vụ, có thể làm quanh năm, nhiều đối tượng đều tham gia làm tại gia đình. Người làm có thể là người già, trẻ em đi học về tranh thủ thời gian rỗi. Cũng vì thế mà tay nghề kỹ thuật không ổn định và dẫn đến ngày công lao động không được cao. Trong khi các nghề khác thì chỉ có tính thời vụ, không cần đầu tư nhiều mà vẫn thu nhập cao đang có "sức hút" toàn bộ lực lượng lao động chính ở đây gồm nhóm người trẻ tuổi và trung tuổi, có sức khỏe, nhanh nhẹn …
Anh Đỗ Văn Đoàn, xóm trưởng xóm 2, Trì Chính cho biết: Được tiếng là đã được công nhận làng nghề, song cả xã mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan đến nghề cói. Ngay cả nguyên liệu cói chẻ khô, nguồn cung cấp cũng từ các thương lái nhỏ lẻ vận chuyển về bán lại cho người sản xuất hàng cói tại địa phương. Các hộ gia đình làm hàng cói tự tìm tòi sản xuất, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề cho nhau, kiểu "người khá dạy người kém", từng bước đổi mới kỹ thuật theo yêu cầu khách hàng. Với cách làm nghề theo kiểu tự phát, hoàn toàn bị động, thì chuyện bị ép giá cả từ đầu vào (nguyên vật liệu) đến đầu ra (hàng thành phẩm) dẫn đến ngày công lao động khó mà đúng với giá trị thực tế. Chưa kể, hàng thủ công làm ra tại địa phương chưa có doanh nghiệp đứng ra xuất khẩu thẳng đi các nước, mà đều phải nhờ các "đầu nậu" thu gom, hoặc bán lại cho các doanh nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng hoặc trong thành phố Hồ Chí Minh…
Cùng với Phó Chủ tịch xã Phan Văn Cảnh, chúng tôi đến thăm Doanh nghiệp Tư nhân chế biến cói Đức Thắng. Văn phòng giao dịch gắn liền với nơi sản xuất nên khá chật chội. Giám đốc Lâm Đức Thắng chia sẻ: Trưởng thành từ làm nghề kiểu "cha truyền, con nối", có chút vốn và kinh nghiệm làm nghề, đến năm 2011, tổ hợp mới chuyển thành Doanh nghiệp. Doanh nghiệp đảm bảo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động. Bộ máy điều hành, sản xuất tại đây tương đối gọn nhẹ gồm các tổ kỹ thuật kiểm tra chất lượng, tổ đóng gói, sấy... Khó khăn nhất của Doanh nghiệp hiện tại là mặt bằng và vốn lưu động. Mặt bằng của doanh nghiệp hiện có là 800 m2 làm các khu sấy, khu kho chứa…, phần đất còn lại đang phải thuê thêm 1.000m2 mới đủ chỗ phơi hàng…
Các hợp đồng của Doanh nghiệp có lúc cần tới 1.000 - 2.000 lao động làm rải rác tại các hộ gia đình ở địa bàn, sang tới huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) và cả tỉnh Nam Định nên khi lượng hàng tập kết về với mặt bằng hiện tại thì rất chật chội. Sản xuất hàng cói xuất khẩu đang trong thời kỳ "trầm lắng" là do có nhiều nguyên nhân: Một số mặt hàng cói của Kim Sơn đang bị hàng của Trung Quốc cạnh tranh về mẫu mã, độ bắt mắt, giá rẻ… Chưa kể đến nhiều chất liệu mới (nylon, vải tổng hợp…) cũng tham gia ganh đua cùng...
Bên cạnh sản phẩm làm từ nguyên liệu cói: làn cói, dép cói, hộp cói thì nay lại có thêm làn bèo bồng, dép bèo bồng… thảm bèo, làn đay, hộp, lẵng…bèo bồng gia cố thêm khung sắt hoặc dây nylon…Bên cạnh đó, lực lượng lao động đang ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của làng nghề. Nhóm trung tuổi có tay nghề giỏi chuyển sang làm các nghề có thu nhập cao hơn. Còn lại là người già và trẻ em tham gia làm hàng tranh thủ thời gian nhàn rỗi, nên thu nhập thấp, khoảng 70 nghìn đồng/ngày.
Cùng với lợi thế "trên bến, dưới thuyền" lại có làng nghề truyền thống với gần 90 năm, dù nghề cói đang trong thời kỳ trầm lắng, nhưng tin rằng với những cách nghĩ, nếp làm của người dân nơi đây, nghề cói sẽ thăng hoa trở lại.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh