Đến hết năm 2007, diện tích trồng cói của Công ty đã đạt 293,9 ha. Tuy nhiên, do tác động lớn của giá cả và thị trường đang đặt ra cho Công ty những khó khăn để thực hiện được mục tiêu trồng 452 ha cói đến hết năm 2010.
Hiệu quả ban đầu từ mô hình
Đến tháng 9/2006, trên địa bàn huyện Kim Sơn chỉ còn 414,6 ha trồng cói, trong đó Nông trường Bình Minh (nay là Công ty Nông nghiệp Bình Minh) có diện tích trồng cói lớn nhất (154,8 ha). Đến hết năm 2007, Công ty Nông nghiệp Bình Minh đã trồng được 293,9 ha/452 ha theo kế hoạch, năng suất cói đạt 15 tấn/ha/năm. Chất lượng cói đảm bảo, giá cả hợp lý, tiêu thụ phần lớn ở thị trường Kim Sơn, một phần theo hợp đồng ký với tỉnh Thanh Hóa xuất khẩu cói sang Trung Quốc.
Về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng chuyên canh cói: Theo kế hoạch, tổng vốn đầu tư 10 tỷ đồng được huy động theo tỷ lệ: tỉnh 20%, huyện 40% và Nông trường 40%. Đến ngày 31/12/2007 đã hoàn thành 67% khối lượng công việc, những hạng mục phải làm tiếp gồm: Xây đúc cống số 2, 3, 4, 7 và làm mặt đường 2 bờ mương phân độ, 1 bờ mương tiêu mặn. Công ty Nông nghiệp Bình Minh đã đầu tư 1 tỷ đồng vào việc hoàn thiện các hạng mục công trình phụ trợ để phục vụ dự án như: Đào lại toàn bộ hệ thống rãnh cói dọc theo bờ mương tiêu mặn và 2 bên bờ mương phân độ bị san lấp, tiêu nước cho đồng cói hiện có, toàn bộ hệ thống cống tưới tiêu qua bờ mương phân độ, mương tiêu mặn số 5 phải được lắp đặt mới phục vụ việc lấy nước khi cần thiết, kéo đường điện để chạy trạm bơm cống số 5.
Những khó khăn
Những khó khăn mà Công ty Nông nghiệp Bình Minh đang gặp phải là giá vật tư, phân bón tăng, thị trường tiêu thụ hạn chế... Về sản xuất cói: Giá phân đạm tăng từ 4.500 đồng/kg năm 2007 và hiện nay đang là 8.000 đồng/kg, phân lân tăng từ 1.500 đồng lên 3.200 đồng/kg, đặc biệt tiền công lao động từ 25 nghìn đồng/công nay tăng lên 60 nghìn đồng/công trong khi giá bán cói nguyên liệu thành phẩm từ tháng 11/2007 đến nay vẫn giữ ở mức 1.200 đồng/kg cói ngắn, 1.600 đồng/kg cói dài song tiêu thụ rất chậm, có nơi không bán được. Theo ông Nguyễn Văn Ngạn, Giám đốc Công ty Nông nghiệp Bình Minh, đã có tình trạng người sản xuất tính toán, nếu tiếp tục đầu tư vào sản xuất sẽ lỗ nên nhiều hộ đến nay đã bỏ ruộng không chăm sóc, mặc dù cói vụ chiêm năm nay rất dày chân, ít cỏ, cói phát triển đồng đều. Mặc khác, nghề sản xuất cói nguyên liệu lại rất vất vả, phải có lực lượng lao động trẻ, khỏe, tay nghề tốt, thu hoạch cói chỉ trong 1 tháng nếu thu hoạch chậm 10-15 ngày chất lượng cói sẽ giảm 15-20%. Thu hoạch khi trời nắng to chất lượng cói mới cao, cói chẻ ra mới năng suất. Việc vận chuyển cói từ đồng về nhà cồng kềnh, khối lượng lớn trong khi xe công nông không được lưu hành... đang làm cho người sản xuất cói không mặn mà với nghề, có người đã bỏ đi làm việc khác. Về thị trường tiêu thụ cũng có những khó khăn đặt ra với công ty.
Giải pháp tháo gỡ
Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy đã khẳng định vị trí quan trọng của trồng và chế biến cói trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn. Vì vậy, việc khắc phục khó khăn để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết là trách nhiệm của các cấp, các ngành. Khó khăn mà Công ty Nông nghiệp Bình Minh đang gặp phải cũng chủ là nhất thời, không phải là không có cách giải quyết. Theo các đồng chí lãnh đạo Công ty, trong điều kiện giá cói giảm mạnh, thị trường tiêu thụ giảm, trước mắt cần tập trung chăm sóc, bảo vệ tốt 212,8 ha cói hiện có. Công ty tích cực phối hợp với Công ty Yát Sushirô ômôte của Nhật Bản trồng thử nghiệm giống cói Nhật đã được UBND tỉnh, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho phép vào trồng thí điểm trên diện tích 1.700 m2. Giống cói Nhật có ưu điểm: Cây cói dài, nhỏ, khi cắt xong không phải chẻ, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, sâu bệnh, sử dụng được công nghệ sấy để bảo quản cói không bị mốc, lại giữ được màu xanh nguyên gốc của cói... Kết quả trồng thí nghiệm cho thấy: Mặc dù có bị ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại kéo dài đầu năm 2008 vừa qua, cây cói phát triển chậm song vẫn ra "tiêm" tốt. Tháng 8 tới sẽ cho thu hoạch. Với những kết quả ban đầu về trồng thí điểm cây cói Nhật đã mở ra hướng đi mới đối với việc thay đổi giống cói Kim Sơn, cùng với việc có thêm thị trường Nhật Bản để bao tiêu loại cói nguyên liệu này. Theo ông Đoàn Lan, Giám đốc Xí nghiệp Thủ công mỹ nghệ Đổi Mới, Chủ tịch Hiệp hội nghề cói tỉnh: Hiện nay do tập quán tiêu dùng của khách hàng nước ngoài thay đổi, họ thích sử dụng các hàng mỹ nghệ làm từ vỏ dừa, mây tre đan, bèo tây, bẹ chuối, vải, xơ dừa, lá dừa..., vì đây là những nguyên liệu lạ mắt, hấp dẫn với nhiều mẫu mã song chắc chắn họ sẽ tiếp tục sử dụng sản phẩm làm từ cói bởi tiện ích của cói là nhẹ, an toàn với môi trường. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là phải có nguyên liệu tốt, mẫu mã phải luôn đổi mới, giá cả hợp lý để cạnh tranh trên thị trường, cói nguyên liệu đẹp sẽ không phải chịu giá thấp như hiện nay.
Nguyễn Chấn