Đồng chí Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết: Thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2019, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai và có văn bản chỉ đạo kịp thời nhằm tăng cường công tác bảo đảm ATTP. Cùng với đó, Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của cả 3 tuyến (tỉnh, huyện, xã) đã kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kiên quyết xử lý vi phạm, góp phần bảo đảm sức khỏe cho người dân…
Theo đó, công tác thông tin tuyên truyền về ATTP được đẩy mạnh, đa dạng cả về hình thức và nội dung, góp phần tích cực trong việc thay đổi nhận thức, thái độ, hành vi của người quản lý, người sản xuất, kinh doanh, chế biến và người tiêu dùng thực phẩm. Với chủ đề "Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng", Tháng hành động đã phát động chiến dịch truyền thông về ATTP rộng khắp trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức, với nội dung phong phú, dễ tiếp cận; chú trọng đổi mới các hình thức truyền thông như: Tổ chức tọa đàm tuyên truyền về chính sách, pháp luật trên sóng truyền hình, phóng sự tuyên truyền...
Đồng thời tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông qua các hội nghị, hội thảo, tập huấn, in ấn cấp phát tờ rơi, treo băng zôn, panô tuyên truyền... Nội dung truyền thông được tập trung tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về ATTP; các quy định về điều kiện vệ sinh ATTP; các mô hình sản xuất, kinh doanh, các sản phẩm, chuỗi thực phẩm an toàn. Hướng dẫn sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn như: Thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản, chất hỗ trợ chế biến; thực hiện tốt các yêu cầu về điều kiện bảo đảm ATTP trong sơ chế, chế biến thực phẩm; không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, thực phẩm không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng… Kết quả trong Tháng hành động đã có trên 130 nghìn lượt người tham gia nói chuyện, hội thảo, tập huấn về công tác ATTP; đồng thời các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về các mô hình, điển hình trong thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch..., từ đó tác động mạnh mẽ đến nhận thức về trách nhiệm trong việc bảo đảm ATTP của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.
Cùng với đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, công tác thanh, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường và triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Các đoàn kiểm tra ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) đã bám sát chủ đề của Tháng hành động, tập trung kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, đặc biệt tại các cơ sở bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, lễ hội và các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với cơ sở có vi phạm, đồng thời tiêu hủy, buộc tiêu hủy sản phẩm không bảo đảm an toàn, hết hạn sử dụng... Đặc biệt, các đoàn kiểm tra liên ngành đã tăng cường kiểm tra đột xuất, bất ngờ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các lỗi vi phạm, góp phần chấn chỉnh và đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở thực phẩm thực hiện theo đúng quy định của nhà nước.
Trong Tháng hành động vì ATTP năm 2019, toàn tỉnh đã thành lập 263 đoàn thanh tra, kiểm tra; trong đó có 7 đoàn tuyến tỉnh, 22 đoàn tuyến huyện và 234 đoàn tuyến xã. Các đoàn thanh, kiểm tra đã kiểm tra 1.923 cơ sở, phát hiện 267 cơ sở có vi phạm, chiếm 13,9% số cơ sở được kiểm tra, tiến hành xử lý 115 cơ sở vi phạm. Trong đó, xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 112 cơ sở, với tổng số tiền phạt trên 240 triệu đồng; có 30 cơ sở bị tiêu hủy sản phẩm với 25 loại sản phẩm bị tiêu hủy và 38 cơ sở bị tịch thu sản phẩm với 23 loại sản phẩm. Các Đoàn thanh tra, kiểm tra cũng đã tăng cường công tác xét nghiệm nhanh tại cơ sở và lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm chất lượng nhằm phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm tới người tiêu dùng, đồng thời đề ra các biện pháp kiểm soát ngăn chặn nguy cơ gây mất ATTP.
Cũng theo đồng chí Giám đốc Chi cục ATVSTP tỉnh Nguyễn Thị Hường, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong Tháng hành động ATTP năm 2019, nhưng công tác ATTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn chưa thể giải quyết. Đó là Nghị định 15/2018/NĐ-CP đã thay đổi phương thức quản lý ATTP từ tiền kiểm sang hậu kiểm mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng lại đặt ra mối lo ngại về chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường, bởi có thể phải mất nhiều thời gian các cơ quan quản lý mới có thể lấy mẫu kiểm nghiệm đánh giá chất lượng, trường hợp sản phẩm không đạt các chỉ tiêu an toàn theo quy định thì người tiêu dùng đã sử dụng, tiêu thụ sản phẩm không an toàn. Cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, kiểm soát về ATTP của ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương còn nhiều hạn chế. Cùng với đó là tình trạng thiếu cán bộ làm công tác ATTP ở các tuyến, đặc biệt là tuyến xã chưa có cán bộ phụ trách của ngành Công thương và Nông nghiệp. Việc quy hoạch quỹ đất cũng như đầu tư xây dựng vùng sản xuất thực phẩm an toàn; phát triển vùng sản xuất nông sản, thực phẩm tập trung phục vụ đời sống và chế biến hàng hóa thực phẩm theo hướng truy xuất được nguồn gốc còn khó khăn. Trách nhiệm của cộng đồng trong việc tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP chưa cao...
Trước những khó khăn, tồn tại như trên, Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đề ra những nhiệm vụ cần quan tâm thực hiện tốt trong thời gian tới như: Tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý về ATTP đối với UBND huyện, thành phố; các sở, ban, ngành và tổ chức chính trị xã hội có liên quan tới công tác bảo đảm ATTP. Tăng nguồn kinh phí (từ nguồn xử phạt vi phạm hành chính và ngân sách địa phương) cho công tác quản lý ATTP trên địa bàn, đặc biệt là kinh phí phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, mua mẫu, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm. Tăng biên chế cán bộ làm công tác quản lý ATTP tại cả 3 tuyến tỉnh, huyện, xã. Các sở, ban, ngành chỉ đạo các cơ quan chức năng khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh để nhân rộng mô hình chăn nuôi và trồng trọt an toàn trên địa bàn tỉnh. Đối với các hội, đoàn thể, các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tổ chức triển khai các hoạt động bảo đảm ATTP thuộc lĩnh vực phân công phụ trách. Trong đó tập trung tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ATTP; tăng cường vai trò giám sát, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm...
Mỹ Hạnh