Không gian Khu Di tích Quốc gia Truông Bồn hiện ra linh thiêng, tĩnh mịch như thể lắng nghe được tiếng cỏ cây thầm thì, tiếng lòng rưng rưng, thổn thức của những lớp người ở lại. Bước thật khẽ lên từng bậc tam cấp, chúng tôi gặp khu mộ chung tại Khu Di tích với tấm bia đá khổng lồ khắc ghi tên tuổi của 13 chiến sỹ TNXP anh dũng: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa. Các anh, các chị đã mãi mãi dừng lại ở độ tuổi mười tám, đôi mươi. 13 cuộc đời, 13 tuổi thanh xuân, 13 khát vọng ấy đã mãi nằm lại trong lòng đất mẹ sau khi hiến dâng trọn vẹn tình yêu cho Tổ quốc, viết lên một huyền thoại cho mảnh đất Truông Bồn.
Với vị trí đặc biệt quan trọng trên tuyến đường 15 huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, Truông Bồn, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An) đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của đế quốc Mỹ.Chỉ trong vòng 4 năm (từ 1964-1968), trọng điểm này đã phải hứng chịu gần 19 nghìn quả bom các loại và hàng nghìn quả tên lửa.
Để giữ vững "huyết mạch" giao thông này, trên 1.200 thanh niên xung phong (TNXP) đã anh dũng hi sinh, trong đó có 13 liệt sỹ TNXP thuộc Tiểu độ 2- "Tiểu đội Thép" thuộc Đại đội 317, Đội 65, Tổng đội TNXP Nghệ An - những người đã hóa thành bông hoa bất tử.
Tiếng cô thuyết minh viên đậm chất xứ Nghệ kể cho từng đoàn người vào viếng nghe những câu chuyện xúc động về 13 liệt sỹ TNXP anh hùng ấy. Họ cũng đã có một thời đắm say, thơ mộng, cùng nhau dệt những bức tranh tươi đẹp về hạnh phúc lứa đôi. Nhưng, khát vọng về một gia đình đã mãi dang dở bởi một ngày định mệnh.
Sáng ngày 31/10/1968, chỉ trong 4 giờ đồng hồ, Truông Bồn phải hứng chịu 3 đợt oanh kích của máy bay Mỹ. 167 quả bom các loại rải xuống đoạn đường dài 120m và 50m chiều ngang. Ngay loạt bom đầu tiên lúc 6 giờ 10 phút, 13 trong tổng số 14 chiến sỹ Thanh niên xung phong của Tiểu đội 2, Đại đội 317 đã mãi mãi ra đi ở tuổi đôi mươi. Chỉ 6 liệt sỹ tìm thấy thi hài, còn 7 liệt sỹ hòa tan thân thể vào đất mẹ. Duy nhất cô Nguyễn Thị Thông, Tiểu đội trưởng may mắn thoát chết khi đầu nòng súng trường nhô lên khỏi mặt đất nên được đồng đội tìm thấy trong tình trạng ngất xỉu vì bom vùi.
Xót xa, tiếc nuối bởi chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đế quốc Mỹ phải ngừng ném bom miền Bắc. Chỉ ngày mai thôi, 7 nữ chiến sỹ của đại đội TNXP 317 sẽ xuất ngũ. Người sẽ lên đường nhập học, người trở về với vòng tay gia đình và đặc biệt, đôi tình nhân anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm sẽ được làm cô dâu, chú rể trong một đám cưới mà cả hai ước mong, đợi chờ. Lẽ ra, các anh, các chị không phải ra chiến hào ngày hôm đó. Nhưng vì huyết mạch Truông Bồn, các anh, các chị vẫn cầm súng, cuốc, xẻng để làm nhiệm vụ.
Với họ, "tim có thể ngừng đập, nhưng đường thì không thể tắc" và họ đã lao ra chiến hào. 13 cuộc đời mãi mãi gác lại ở độ tuổi xuân thì. Trong cuộc quyết chiến giành độc lập, đâu chỉ có chị Tâm, anh Hòa, mà còn biết bao cô gái nhỏ bé, bao chàng trai can trường đã phải gác lại hạnh phúc riêng để tròn trách nhiệm với Tổ quốc.
Hôm nay, trong dòng người về thăm lại Truông Bồn, tôi đã gặp một cựu TNXP. Ông tên là Ba, quê ở Nghệ An, năm nay ngoài 70 tuổi. Ông Ba chia sẻ: Tôi may mắn hơn đồng đội của tôi vì được trở về. Tháng 7 năm nào tôi cũng trở lại đây thăm đồng đội. Mỗi cái tên ấy là một cuộc đời có thật. Nay các anh, các chị đã hóa thành khúc tráng ca bất tử. Tôi thấy lòng ấm áp khi được chứng kiến Khu tưởng niệm Truông Bồn được xây dựng khang trang, bề thế.
Bàn thờ của hơn 1.200 liệt sỹ hi sinh tại Truông Bồn luôn nghi ngút khói hương, thể hiện tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của lớp lớp thế hệ sau đối với sự hi sinh của các Anh hùng liệt sỹ. Mảnh đất Truông Bồn nay đã phủ một màu xanh đầy sức sống, một màu xanh của bất tử… Trong tận cùng của nhớ nhung, xúc động, ông Ba khe khẽ đọc vài câu thơ trong bài thơ "Âm vang Truông Bồn" của Hoàng Thi: Em hát lời đất mẹ/ Truông đỏ máu kiên cường/ Tôi ru lời lặng lẽ/ Khấn mười ba linh hồn…
Tạm biệt Khu Di tích Truông Bồn- một Đài tưởng niệm hữu hình nhưng đã khắc ghi trong tim tôi, trong tim mỗi người ở lại một đài tưởng niệm vô hình, day dứt và không thể nào quên.
Đào Hằng