Dạo quanh thị trường tại thành phố Ninh Bình, các cửa hàng bán đồng hồ, thời trang, túi xách, giầy dép thấy rất nhiều sản phẩm của thương hiệu lớn như Nike, Adidas, Lacos, Louis Vuitton…với giá bán "quá bèo" so với của chính hãng.
Tại một cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, khách hỏi giá một chiếc túi xách nữ hiệu Louis Vuitton, người bán hàng "quát" 800.000 đồng. Khách hàng chê đắt và sau một hồi mặc cả, giá cuối cùng là 500.000 đồng. Cô nhân viên bán hàng khẳng định: "Đây là hàng chúng em xách tay từ Trung Quốc về nhưng là hàng "Superfake" nên đảm bảo về chất lượng, ngoài ra còn có hàng fake 2,3 thì giá rẻ hơn nhưng cửa hàng không bán. Mặc dù hàng nhái nhưng đều là da xịn, có cho vào lửa đốt cũng không cháy được".
Tại những cửa hàng giày dép, ngay biển quảng cáo đã thể hiện bán hàng của những thương hiệu nổi tiếng như Nike, Adidas..., nhân viên bán hàng cũng hồn nhiên giới thiệu các dòng sản phẩm là chính hãng để thuyết phục người tiêu dùng.
Không chỉ tại các cửa hàng mà cả vỉa hè và đặc biệt là trên các trang thương mại điện tử được quảng cáo ở facebook, zalo... người tiêu dùng dễ dàng để tìm một sản phẩm với thương hiệu nổi tiếng như Chanel, Adidas, các loại đồng hồ sang trọng, kính mắt, bút Montblanc, túi xách Hermes, giầy Nike... với giá chỉ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng.
Chị Nguyễn Hương Giang, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình kể lại: Tranh thủ giờ nghỉ trưa, chị lên Sendo.vn tìm mua đồng hồ. Vừa gõ vào ô tìm kiếm từ "đồng hồ nữ", chị Giang đã hoa mắt khi có đến hàng trăm sản phẩm giả, nhái các loại thương hiệu nổi tiếng được bày bán công khai trên Sendo. Sản phẩm mặc dù gắn thương hiệu nổi tiếng nhưng giá chỉ vài trăm nghìn đồng, với mức khuyến mại đã có thể lên đến 90%.
Tương tự, khi gõ từ khóa "túi Chanel" trên Shopee.vn, tôi không khỏi giật mình bởi có quá nhiều các sản phẩm ở gian hàng khác nhau tự quảng cáo "chính hãng" nhưng có mức giá chỉ hơn một đến vài trăm nghìn đồng. Một số shop còn đăng những lời nhận xét, cảm ơn của khách hàng về chất lượng sản phẩm cũng như thái độ phục vụ để thuyết phục khách hàng.
Nhiều người cũng ngỡ ngàng khi trên các trang Lazada, Sendo... được quảng cáo trên sóng truyền hình quốc gia nhiều sản phẩm nhái thương hiệu nổi tiếng cũng ngang nhiên được chào hàng với mức giá "quá bèo". Cùng một sản phẩm nhưng có tới hàng chục người bán với những mức giá khác nhau, chênh lệch khá lớn. Điều này khiến cho người mua băn khoăn về chất lượng sản phẩm.
Thực tế cho thấy, việc đăng bán sản phẩm trên các trang thương mại điện tử đã trở thành "lỗ hổng" cho những "gian thương" trà trộn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng. Chị Thu Trang, phường Nam Thành, thành phố Ninh Bình từng mua mỹ phẩm trên mạng cho biết, cùng một bộ sản phẩm nhưng có cửa hàng bán chỉ vài trăm nghìn đồng, có người bán lên tới cả triệu đồng. Trong khi mua thực tế ở shop cũng tiền triệu. Điều chị Trang lo lắng nhất không biết chất lượng ra sao vì chủ shop nào cũng khẳng định đó là hàng nhập khẩu.
Hiện nay việc mua bán, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử là xu hướng của thương mại hiện đại trên thế giới nhưng làm gì để hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không bị trà trộn làm mất uy tín của doanh nghiệp, thiệt hại cho người tiêu dùng rất cần có sự quản lý của Nhà nước, các cơ quan chuyên môn.
Đại diện Sở Công thương chia sẻ, một trong những vấn đề quan trọng để giải quyết câu chuyện hàng giả, hàng nhái cũng chính là ý thức của những người kinh doanh. Bản thân các doanh nghiệp sở hữu sàn TMĐT khi làm việc với cá nhân hay doanh nghiệp đăng ký kinh doanh trên sàn đều đưa ra các quy định về chất lượng hàng hóa, cũng như các điều khoản yêu cầu về kinh doanh, tuy nhiên nhiều người vẫn cố tình vi phạm.
Để giải quyết triệt để vấn đề này cần có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Ban quản lý các sàn giao dịch TMĐT. Còn với người dùng, sau khi mua hàng nếu phát hiện hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng cũng có thể lên website của Cục Thương mại điện tử để tố cáo vi phạm trên cơ sở đó cơ quan chức năng sẽ xử lý.
Nguyễn Thơm