Dự hội nghị có đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Sở Nông nghiệp & PTNT; Lãnh đạo sở TN&MT, Liên minh HTX tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn; lãnh đạo một số xã, HTX trên địa bàn tỉnh; Tập đoàn Quế Lâm và các đoanh nghiệp bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết số 37/NQ của HĐND tỉnh , Sở Nông nghiệp & PTNT đã triển khai mô hình thí điểm sản xuất lúa đặc sản, chất lượng cao dài ngày theo hướng hữu cơ kết hợp nuôi trồng thủy sản được thực hiện ở 03 xã: Khánh Trung, Khánh Nhạc (huyện Yên Khánh) và Xuân Thiện (huyện Kim Sơn).
Quy mô vùng dự án là 14,9 ha, trong đó diện tích trồng lúa là 11,2 ha, chiếm 81,8% diện tích trước khi cải tạo, hạ mặt bằng; Diện tích ao, kênh mương là 2,1 ha, chiếm 15,3% diện tích trồng lúa trước khi cải tạo, hạ mặt bằng (có 4 ao nuôi chạch, mỗi ao 0,12 ha; Diện tích bờ ao, kênh mương là 0,4 ha, chiếm 2,9% diện tích trước khi cải tạo, hạ mặt bằng.
Các giống lúa đưa vào sản xuất là các giống lúa đặc sản truyền thống, bao gồm Nếp cau, Tám, Dự. Gieo mạ từ ngày 10/6- 15/6/2018. Công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên mạ được thực hiện tốt. Cấy khi tuổi mạ đạt khoảng 30 ngày, riêng điểm Xuân Thiện tuổi mạ 45 ngày. Phân bón được sử dụng là phân hữu cơ 06 do Tập đoàn Quế Lâm sản xuất, cung cấp trên cơ sở phân tích đất tại các điểm thực hiện dự án. Định mức phân bón: 1.700 kg/ha. Phòng trừ dịch hại bằng thuốc có nguồn gốc sinh học và biện pháp thủ công.
Đến nay năng suất thực thu bình quân ước đạt: Nếp cau từ 44,6 - 46 tạ/ha tùy theo mỗi điểm; Tám 38 tạ/ha; Dự 38 tạ/ha...Giống thủy sản được lựa chọn nuôi là chạch sụn, cá trắm và cá chép. Tổng lượng giống chạch được thả là 288 nghìn con, giống khỏe, kích cỡ đồng đều, trung bình 1g/con. Dự kiến thu hoạch từ trung tuần tháng 11/2018; năng suất dự kiến đạt 11,3 tấn/ha; tổng sản lượng 5,4 tấn. Cá được bố trí thả ở hệ thống kênh và mặt ruộng với tổng diện tích 12,8 ha.
Trong đó diện tích kênh nuôi là 1,6 ha. Tại Khánh Trung và Xuân Thiện, cá giống được thả làm 2 đợt vào ngày 21/8 và 5/9; tại Khánh Nhạc thả ngày 24/8. Tổng lượng cá giống thả là 33,5 nghìn con. Dự kiến thu hoạch vào tháng 5/2019; tổng sản lượng 51,1 tấn...
Ba giống lúa đặc sản đưa vào sản xuất theo hướng hữu cơ đến nay có thể khẳng định đã thành công. Năng suất trung bình không thấp hơn lúa sản xuất đại trà theo cách thông thường, chất lượng tốt và đảm bảo an toàn, giá bán 20.000 đ/kg lúa thành phẩm, cao hơn 8.000 đ/kg so với lúa sản xuất theo cách thông thường. Mức đầu tư sản xuất bình quân khoảng 46 triệu đồng/ha, cho lãi 42,5 triệu đồng/ha.
Về nuôi trồng thủy sản, đối với điểm Khánh Trung và Xuân Thiện một năm nuôi 2 lứa chạch và 1 lứa cá, bình quân chi phí nuôi thủy sản khoảng 220 triệu đồng/ha; cho lãi từ thủy sản khoảng 72 triệu đồng/ha. Đối với điểm Khánh Nhạc, nuôi 1 lứa cá/năm chi phí bình quân 103 triệu đồng/ha, cho lãi 31,6 triệu đồng/ha/năm. Hội nghị đã dành nhiều thời gian cho các đại biểu là người trực tiếp tham gia mô hình và các doanh nghiệp trao đổi ý kiến về thành công và tồn tại của mô hình; những kiến nghị, đề nghi với ngành, tỉnh, huyện...
Các đại biểu tham quan mô hình thí điểm nuôi cá.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng: Sản xuất nông nghiệp hữu cơ là hướng đi chung của ngành nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Kết quả bước đầu đạt được ở các mô hình nông nghiệp hữu cơ tại xã Khánh Trung, Khánh Nhạc (Yên Khánh), Xuân Thiện (Kim Sơn) cho thấy đã có sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo địa phương, người dân trong vùng trong việc nâng cao chất lượng nông sản với việc không sử dụng thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu hóa học. Đó cũng là cách để bảo vệ sức khỏe và môi trường cho cộng đồng.
Tỉnh ủy, UBND tỉnh biểu dương các xã, HTX trên đã mạnh dạn đi đầu trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, cũng như việc lưu giữ, bảo tồn và phục hồi giống lúa đặc sản của bản địa. Tới đây HĐND, UBND tỉnh sẽ xem xét, xây dựng cơ chế chính sách để mở rộng mô hình với ít nhất mỗi huyện có diện tích từ 10 ha trở lên. Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản xuất hữu cơ không chỉ lĩnh vực trồng lúa mà ở cả các lĩnh vực trồng rau, củ, quả, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng nông dân, liên kết sản xuất bao tiêu sản phẩm cho các mô hình. Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức sơ kết rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện mô hình làm cơ sở cho việc triển khai ở các năm sau và lĩnh vực khác. Trước khi thảo luận tại hội trường UBND xã Khánh Trung; các đại biểu đã trực tiếp thăm quan mô hình sản xuất lúa đặc sản hữu cơ kết hợp với nuôi trồng thủy sản tại cánh đồng của xã khánh Trung với quy mô 5 ha, bao gồm: 4 ha cấy lúa nếp cau và gần 1 ha nuôi thả cá và trạch sụn.
Đinh Chúc - Đức Lam