Vậy nhưng đến nay, khi đã gắn bó với công việc đọc mo-rat được tròn 11 năm, tôi nhận ra rằng nghề đọc mo-rat không hề đơn điệu. Trong quá trình xuất bản tờ báo, việc đọc sửa mo-rat được xem là khâu "nhặt sạn" hết sức quan trọng, đảm bảo báo được "sạch sẽ" trước khi chuyển đến nhà in. Cũng chính công việc này đã giúp tôi rèn luyện tính kiên trì, cẩn trọng, giàu thêm vốn sống, thu thập được nhiều thông tin qua từng bài viết của phóng viên. Nghề đọc mo-rat còn tạo cho tôi sự nhạy bén, linh cảm đôi khi rất khó lý giải.
Công việc của bộ phận đọc mo-rat bắt đầu "căng" từ 14 giờ cho đến khi báo được chuyển tới nhà in, thường là khoảng 19-20 giờ. Thời gian ấy, chúng tôi phải tập trung cao độ vào các bản thảo, bản bông nhằm phát hiện lỗi chính tả, những sai sót về địa danh, tên tuổi, chức vụ… Đó không đơn thuần là công việc phải làm, mà còn là sự nhạy bén, linh cảm nghề nghiệp mà tới giờ tôi vẫn không thể giải mã nổi. Nhưng dù có tích lũy nhiều kinh nghiệm, dẫu có cẩn thận đến đâu cũng khó tránh khỏi việc để xảy ra sai sót.
Những lỗi chính tả, những lỗi sai "ngớ ngẩn" bị bỏ sót trên mặt báo, với tôi, đó là khoảnh khắc nhiều tâm trạng và day dứt nhất. Dù luôn được cảnh báo về tính nghiêm trọng của công việc, nhưng thận trọng mấy dường như cũng chưa đủ. Chỉ cần bỏ lọt một sai sót nhỏ, đôi khi là thiếu một chữ cái, một con dấu nhưng đã làm sai nghĩa của câu, có thể sẽ dẫn tới phải in lại báo.
Còn nhớ, một đồng nghiệp đi trước từng kể cho chúng tôi nghe câu chuyện: Tờ báo A, trong bài viết về vấn đề giáo dục phóng viên có nêu thực trạng toàn tỉnh đang thiếu vài trăm giáo viên nhưng do lỗi đánh máy, chữ U đánh nhầm thành chữ N, biến chữ "Thiếu" thành "Thiến", và như vậy, sai lầm nghiêm trọng đã xảy ra. hậu quả thật khó lường. ở Báo Ninh Bình, cũng có lần phóng viên viết thiếu chữ T trong từ "hoàn thành" ra thành "hoàn hành" ngay trên tít tin đứng trang 1, lẽ ra rất dễ thấy, nhưng không hiểu sao từ biên tập viên, người chấm mo-rat đến lãnh đạo trực duyệt… đều không phát hiện ra, kết quả, hôm sau báo phải in lại, kíp trực bị hạ thi đua.
Sai sót thì trăm nghìn vẻ, chẳng lỗi nào giống lỗi nào. Với người làm biên tập, mo-rat, phát hiện hàng trăm lỗi sai và âm thầm sửa, không ai biết. Nhưng chỉ cần sót một lỗi trên mặt báo thì sự việc trở nên "ồn ào", biến thành nghiêm trọng và người đọc mo-rat cũng như biên tập "lãnh đủ".
Vốn dĩ không được đào tạo bài bản để làm công việc này, nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tránh những sai sót không đáng có, không còn cách nào khác, tôi phải vừa làm, vừa học, vừa tự tìm ra cách bắt lỗi tốt nhất, phải giám sát qua nhiều công đoạn, từ lỗi đánh máy, trình bày, lỗi kỹ thuật in ấn… Dần dần, tôi nhận thấy rằng, công việc mo-rat không đơn thuần là đọc và soát lỗi chính tả, mà phải biết tư duy logic, gắn kết các câu chuyện, sự kiện được phản ánh trong bài viết nhằm phát hiện lỗi ở khâu trình bày như: mất đoạn, sót đoạn, dẫn đến thông tin sai lệch. Muốn làm tốt công việc, tránh xảy ra sai sót, tôi thường xuyên phải cập nhập thông tin, kiến thức nhiều ở lĩnh vực để có thể phát hiện và đề xuất với Ban Thư ký Tòa soạn kiểm tra, chỉnh sửa. Với những từ chuyên ngành lần đầu đọc, chưa hiểu, tôi vào mạng tra cứu.
Chừng ấy thời gian gắn bó với công việc đọc mo-rat, tôi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, buồn có nhưng cũng nhiều lắm những niềm vui mà công việc mang lại. Suốt ngày ngồi một chỗ dò bài, công việc đọc mo-rat tưởng chừng đơn điệu, tẻ nhạt, nhưng mỗi ngày tôi lại được làm giàu thêm thông tin, vốn sống của mình qua từng bài viết của phóng viên. Chẳng rõ những người trong nghề có khi nào đọc toàn bộ tờ báo của mình, từ trang nhất đến trang cuối hay không? Nhưng người làm mo-rat thì luôn phải đọc hết, không sót một chữ, kể cả dấu chấm, dấu phẩy, kể cả các sưu tầm, quảng cáo. Đọc và dò lỗi, soi lỗi. Rồi đọc lại bản in thử lần nữa, sau khi lãnh đạo trực duyệt đã biên tập.
Làm báo, đọc sách, báo nói chung là một trong những cách học rất tốt, nhất là đọc tờ báo mà mình đã gắn bó hơn 20 năm. Trong nghề, đọc mo-rat học được nhiều thứ. Học từ cách viết của đồng nghiệp, của cộng tác viên, học từ cách biên tập để có thêm kinh nghiệm cho mình, chứ không phải đọc để bắt chước, rập khuôn. Và một niềm vui nữa, đó là sáng hôm sau được cầm tờ báo "nóng hổi" trên tay, lật từng trang báo mà mình đã đọc kỹ bản thảo nhưng vẫn thấy rất tươi mới. Chỉ thế thôi, đã thấy len lỏi một niềm vui thầm lặng.
Hà Mi