Trăn trở từ làng chài Hữu Thường "Làng chài Hữu Thường còn nghèo lắm. Tỉ lệ hộ nghèo của thôn lên đến gần 40% và là nơi có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất của xã Thượng Hòa. Bao nhiêu năm nay, công tác xóa đói giảm nghèo của thôn vẫn luôn là một thách thức lớn"- ông Nguyễn Khắc Lịch, trưởng thôn Hữu Thường nói như vậy trước khi đưa chúng tôi đi thăm thôn Hữu Thường. Đúng như lời ông trưởng thôn nói, thôn Hữu Thường hiện ra khá xơ xác.
Ông Lịch bảo, ở thôn này có 198 hộ thì cả 198 hộ sinh sống bằng nghề sông nước. Ruộng để cày cấy thì ít, trong khi các gia đình đều đông con, có nhà cả chục miệng ăn cũng chỉ trông vào hơn sào ruộng. Vậy nên cái nghèo, cái đói cứ bám riết khi mọi khoản chi tiêu chỉ biết trông chờ vào vài… cheo lưới.
Thăm con thuyền nhỏ của gia đình chị Nguyễn Thị Hợi- một hộ nghèo lâu năm của thôn Hữu Thường, nhận thấy chị già hơn khá nhiều so với cái tuổi 40. Những ngày mưa phùn kéo dài khiến con thuyền- và cũng là nơi sinh hoạt duy nhất của cả gia đình chị trở nên ẩm thấp. Chị Hợi thở dài: Vợ chồng tôi nên duyên từ hai bàn tay trắng. Bố mẹ đôi bên cũng nghèo lắm, đến mảnh đất cắm dùi còn không có.
Tài sản duy nhất mà hai bên gia đình cho đôi vợ chồng trẻ chính là con thuyền nan nho nhỏ. Hàng ngày, vợ chồng tôi bám vào đó mà mưu sinh. Rồi lần lượt 5 đứa con ra đời, mỗi đứa chỉ cách nhau chừng vài năm, cái nghèo, cái khó cứ vậy mà đeo bám. Chị Hợi bảo, 2 đứa con lớn nhà chị năm nay cũng đã 14-15 tuổi rồi.
Năm học này, cả hai đứa đành phải nghỉ học để ở nhà phụ giúp bố mẹ trông em, hai đứa nhỏ đang học tiểu học. Mặc dù được địa phương, nhà trường hỗ trợ nhiều, song các khoản ăn, mặc, bút sách… của hai đứa cũng là một khó khăn lớn đối với gia đình.
Mong ước lớn nhất của gia đình chị Hợi là mua được đất ở trên bờ để ổn định cuộc sống, cho con cái có chỗ ăn, ở tử tế. "Nhưng với thu nhập chỉ từ 30-50 nghìn/ngày như hiện nay thì đến ăn cũng chẳng đủ chứ nói gì đến mua đất"- chị Hợi ngán ngẩm nói.
Ông Nguyễn Khắc Lịch, trưởng thôn Hữu Thường nói, trước đây, hầu hết những hộ ở làng chài này đều không có đất ở trên bờ do kinh tế quá khó khăn. Những năm gần đây, nhiều hộ đã mua được đất, ổn định cuộc sống dù rằng những ngôi nhà đó chưa hẳn đã kiên cố.
Tuy nhiên, hiện toàn thôn vẫn còn 5 hộ chưa mua được đất do quá nghèo như gia đình anh Mừng, chị Hợi. Cái khó khăn lớn nhất trong công tác giảm nghèo ở thôn hiện nay đó chính là chưa tìm được việc làm thêm phù hợp với trình độ, nhận thức của người dân, giúp họ có một nguồn thu ổn định ngoài thời gian làm chài lưới.
Cần chung tay trong công tác giảm nghèo
Mong mỏi có việc làm thêm của bà con thôn chài Hữu Thường cũng là ước nguyện của hơn 4000 lao động trên địa bàn xã Thượng Hòa. Theo cách tiếp cận nghèo đa chiều thì năm 2016, tỉ lệ hộ nghèo ở xã Thượng Hòa là 19,63%. "chiếm số đông trong tỉ lệ hộ nghèo này chính là hộ do người già đứng chủ (65% tổng số hộ nghèo), còn đối với những hộ nghèo trong độ tuổi lao động thì nguyên nhân nhiều nhất dẫn đến nghèo là do không có việc làm"- ông Hà Xuân Hinh, Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hòa khẳng định.
Thượng Hòa là 1 xã với 1893 hộ, 6928 khẩu. Đảng ủy, UBND xã xác định hướng đi trước mắt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.
Tuy nhiên, do đặc điểm là vùng chiêm trũng, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên sản xuất nông nghiệp ở đây gặp rất nhiều khó khăn.
Tổng diện tích trồng lúa của xã là hơn 600 ha thì có tới gần 40% diện tích lúa ở ngoài đê, hàng năm, năng suất cấy lúa phụ thuộc hoàn toàn vào…ông trời. Năm nào lũ tiểu mãn về sớm (từ 10 đến 15-4) thì diện tích lúa ngoài đê coi như mất trắng.
Trong khi đó việc đưa các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy thử nghiệm cũng gặp khó do xã chưa quy hoạch được vùng riêng để trồng lúa cao sản. Đồng đất không bằng phẳng, hệ thống kênh mương phần lớn là mương đất, lại được xây dựng từ rất lâu nên đang xuống cấp nghiêm trọng.
Tình trạng đó khiến bà con nông dân gặp nhiều khó khăn trong việc tưới và tiêu, dẫn đến thất bát trong sản xuất. Cũng do chưa hoàn thiện được hệ thống thủy lợi nội đồng, nên việc đưa cây vụ đông vào sản xuất theo tinh thần Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy của xã gặp nhiều khó khăn, hiệu quả rất thấp.
Được biết, trong các cuộc họp quan trọng, Đảng ủy xã đều bàn tới việc nâng cấp hệ thống thủy lợi nội đồng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Tuy nhiên, do đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên chưa thể huy động sự đóng góp để thực hiện dự án vào thời điểm này.
Không thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nên vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương luôn được xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp bà con xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có nghề nào thực sự phát huy hiệu quả đối với cuộc sống của bà con.
"Trước đây, một số doanh nghiệp của tỉnh về mở lớp dạy trồng nấm, đan chiếu trúc, bèo bồng… cho bà con trong xã nhưng đều không thành công. Chỉ có nghề đan bèo bồng là duy trì được một thời gian, song, do giá trị ngày công thấp nên bà con cũng bỏ dần"- ông Đinh Công Văn, cán bộ lao động thương binh và xã hội xã Thượng Hòa nói.
Thời gian qua, thực hiện Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, xã đã tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của nhân dân trong xã. Trên cơ sở đó, báo cáo với huyện để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề phù hợp với lao động địa phương.
Tuy nhiên, trong tổng số 4000 lao động thì chưa đầy 100 lao động có nguyện vọng đăng ký học nghề đính hạt cườm. Nhiều lao động cho biết, họ rất muốn được học nghề, có việc làm, song chưa dám đăng ký học nghề vì còn e ngại những thất bại ở các lớp học trước đó. Không có việc làm, đa số lao động địa phương phải ly hương tìm việc.
Nam giới thì làm nghề thợ xây đi làm ăn ở các tỉnh miền núi phía bắc, còn một số chị em phụ nữ đi làm cho các doanh nghiệp ở vùng lân cận. Tuy nhiên, do địa bàn doanh nghiệp đóng ở xa nên nhiều chị em không duy trì được công việc.
Thực tế đã cho thấy, bài toán đặt ra cho chặng đường phát triển kinh tế-xã hội của Thượng Hòa là khá gian nan. Để giải quyết bài toán khó này, Thượng Hòa rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp; tìm ra những giống cây, con phù hợp với điều kiện, đồng đất của địa phương; đưa được nghề phù hợp về với bà con địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp may mặc về mở xưởng ngay tại địa phương để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động trẻ.
Và quan trọng nữa, chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho bà con về công tác xóa đói giảm nghèo, kiến thức, kỹ năng làm nông nghiệp để từ đó phát huy nội lực từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Đào Hằng