Anh Quách Ngọc Trang, ở thôn Đồi Ngọc là một trong những tấm gương thanh niên vượt khó làm giàu. Vì hoàn cảnh gia đình, Trang học hết lớp 9 rồi ở nhà tích cực tham gia sinh hoạt đoàn và hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế. "Trong các buổi tham gia sinh hoạt đoàn, chúng tôi được lĩnh hội nhiều kiến thức, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm khuyến khích sức trẻ trong xây dựng quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng được nghe giới thiệu những điển hình thanh niên tiên tiến, làm kinh tế giỏi, được đi tham quan các mô hình kinh tế phù hợp…, từ đó, một khát vọng vươn lên đã nhen nhóm và thôi thúc trong tôi. Thạch Bình là mảnh đất khó khăn, không có nhiều ưu đãi của thiên nhiên. Người dân Thạch Bình bao đời nay vất vả, lam lũ… nhưng tôi tin rằng, chúng tôi sẽ cải tạo được mảnh đất ấy bằng lòng nhiệt huyết, kiến thức và sự bền bỉ"- anh Quách Ngọc Trang kể về động lực để khởi nghiệp.
Nghĩ là làm, anh Trang tận dụng diện tích đất rộng của gia đình, vay mượn thêm vốn để xây dựng trang trại và mua lợn giống để nuôi. Khi mới lập nghiệp, anh gặp nhiều khó khăn như giống, vốn... Tin tưởng vào hướng đi của Trang, gia đình, họ hàng, làng xóm, đặc biệt là Đoàn thanh niên tạo điều kiện để anh Trang được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, các anh em, bạn bè cho vay vốn không lấy lãi… Vậy là anh bắt tay vào công việc chăn nuôi ban đầu với hàng trăm con lợn thịt và hơn 50 con lợn nái. Những lứa lợn đầu tiên bắt đầu cho thu nhập, anh Trang càng thêm quyết tâm bám trụ lại quê hương để lập thân, lập nghiệp. Từ năm 2017, anh Trang quyết định chuyển hướng từ nuôi lợn sang nuôi gà ri Lạc Thủy. Giống gà này cứ 4-5 tháng nuôi sẽ cho xuất chuồng một lần. "Tôi luôn muốn tìm ra một hướng đi mới để thực hiện. Sẽ có rất nhiều rủi ro với những thử nghiệm ấy, song tôi tin rằng mình sẽ vượt qua. Hiện nay, tôi đang có gần 3 nghìn con gà chuẩn bị xuất chuồng. Giá gà hiện nay đang khá ổn định, thương lái về tận nơi để đặt hàng nên tôi không phải lo lắng nhiều. Mỗi năm, trừ các khoản chi phí, trang trại gà cũng cho cũng gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng. Khoản thu nhập ấy chưa phải đã lớn, song là động lực và nguồn lực để tôi tiếp tục vươn lên"- anh Trang phấn khởi nói.
Còn thanh niên trẻ Quách Duy Tùng, ở thôn Đầm Bòng lại chọn cho mình một con đường lập nghiệp khác-đó là nghề mộc. Học xong THPT, không thi vào Đại học như các bạn cùng trang lứa, Duy Tùng quyết định đi học nghề. "Cũng có khá nhiều nghề để lựa chọn, song tôi đã chọn nghề mộc làm bước đệm để bước vào đời. Bởi lẽ, với tôi, học nghề mộc thì ngoài đôi bàn tay khéo léo, trí tưởng tượng phong phú, người học cần phải rèn được tính kiên trì, tỉ mẩn, trọng chữ tín… - đó là những đức tính rất cần thiết để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào "- anh Tùng chia sẻ. Sau hơn chục năm miệt mài học nghề và đi làm thuê cho các xưởng mộc lớn để tích lũy vốn, kiến thức, kỹ năng…, giờ thì Duy Tùng đã là tay thợ cứng, độc lập mở một xưởng mộc cho riêng mình.
Không chỉ sản xuất mộc gia dụng, Duy Tùng còn nhận các công trình nội thất gỗ. Hiện nay, xưởng mộc của Tùng giải quyết việc làm cho 5 lao động địa phương, với mức lương trung bình 10 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ dừng lại ở đam mê với nghề mộc, năm vừa qua, anh Duy Tùng còn cải tạo 1,5 ha vườn nhà để đưa về trồng cây cam Cao Phong. Anh Tùng cho biết, hiện nay, ở xã Thạch Bình có rất nhiều hộ tận dụng thế mạnh đồi vườn để phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Trong đó, đã có nhiều hộ đưa về trồng cây bưởi Diễn có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, anh Tùng lại là hộ đầu tiên đưa về trồng thử nghiệm cây cam Cao Phong. "Tôi đã tham khảo ý kiến của các nhà vườn và thấy rằng chất đất ở Thạch Bình cũng phù hợp để trồng loại cây này. Vì vậy, năm 2018 tôi đã trồng trên 600 gốc cam, vụ vừa rồi cây đã cho quả bói, chất lượng không kém gì cam trồng trên đất Cao Phong. Nếu thời tiết thuận lợi, thì cuối năm 2020 này, tôi sẽ được thu hoạch lứa cam đầu tiên"- anh Tùng nói.
Hiện nay, xã Thạch Bình có trên 300 đoàn viên tham gia sinh hoạt Đoàn. Những năm qua, Ban Chấp hành Đoàn xã đã có nhiều thay đổi trong các buổi sinh hoạt, trong đó chú trọng việc phổ biến các cách làm kinh tế hay, kiến thức mới và tổ chức cho đoàn viên đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các điển hình kinh tế trong và ngoài xã… Nhờ đó, đoàn viên, thanh niên trong xã hăng hái tham gia sinh hoạt và vận dụng kiến thức để phát triển kinh tế gia đình. Những điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế của lực lượng đoàn viên thanh niên ngày càng được nhân rộng, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo, chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã Thạch Bình đã đạt 14 tiêu chí. Năm 2018, Thạch Bình là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của huyện với trên 11%, hết năm 2019, giảm xuống còn 6,3%, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân trên 1 ha canh tác đạt 72 triệu đồng.
Bài, ảnh: Đào Hằng