Chúng tôi đến Thạch Bình vào những ngày đầu năm 2018. Đợt không khí lạnh tăng cường càng làm cho ngôi nhà của gia đình anh Bùi Văn Khu ở thôn Thạch La thêm trống trải. Bằng giờ những năm trước, anh Khu cũng đang tích cực làm thuê để kiếm một cái Tết đủ đầy cho gia đình. Nhưng từ đầu năm 2017 đến giờ, việc của anh chỉ là… vào viện kiểm tra lại vết mổ và ở nhà trông nhà. Anh Khu kể, anh vốn là một thợ xây. Trong một lần đang lên giàn giáo để hoàn thiện nhà thì anh bị ngã, cú ngã khiến anh bị gẫy giập một chân. Anh Khu phải đằng đẵng ở bệnh viện tới nửa năm trời, tiêu tốn gần 50 triệu đồng để đóng đinh và điều trị vết thương. Không những mất khoản tiền viện phí lớn phải đi vay mượn mới có, gia đình anh Khu còn bị mất một lao động chủ lực. Không thể trông chờ vào hai sào ruộng vườn thường xuyên ngập úng vào mùa mưa, vợ anh Khu giao lại nhà cửa và con cái cho anh chăm sóc, đi Bắc Ninh để bán hàng thuê. Với hoàn cảnh quá khó khăn ấy, trong đợt bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa qua, gia đình anh Khu "rớt" từ hộ trung bình xuống hộ nghèo. Anh Khu ngậm ngùi chia sẻ: Phấn đấu mãi, gia đình tôi mới ra khỏi tốp nghèo của xã. Nhưng nay lại rớt xuống hộ nghèo nên cả gia đình đều thấy buồn.
Bà Bùi Thị Thú, Trưởng thôn Thạch La lắng nghe câu chuyện giữa anh Khu với chúng tôi với sự cảm thông, thương xót, bởi lẽ bà đã quá hiểu hoàn cảnh của anh Khu. Đáng nói là theo lời bà Thú, hoàn cảnh đặc biệt như anh Khu ở thôn Thạch La này không phải là hiếm. ở Thạch La có tất cả 145 hộ thì có 19 hộ nghèo, trong đó có 5 hộ từ cận nghèo và hộ bình thường rớt xuống hộ nghèo vào cuối năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu là do các hộ gặp tai nạn hoặc ốm đau thường xuyên. Thôn còn nhiều khó khăn, nên đối với những hộ nghèo, các đoàn thể chỉ biết chia sẻ, động viên và giúp đỡ phần nào công việc lúc thời vụ thôi. Còn lâu dài, chúng tôi mong mỏi có một hướng thoát nghèo hiệu quả, bền vững hơn.
Đồng chí Đinh Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Năm 2017 là một năm đầy khó khăn, thử thách đối với công tác xóa đói, giảm nghèo của xã. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 10,41%, chỉ giảm được 0,68% so với năm 2016, không đạt mục tiêu đề ra. Đáng lo ngại là tình trạng tái nghèo ở mức khá cao. Cụ thể, trong khi chỉ có 63 hộ thoát nghèo thì có đến 47 hộ tái nghèo. Trong số các hộ bị tái nghèo không chỉ có những hộ cận nghèo mà còn có cả những hộ có mức sống trung bình. Sở dĩ tình trạng tái nghèo cao bởi lẽ đời sống bà con chủ yếu là chăn nuôi vừa và nhỏ, thời gian qua do giá chăn nuôi sụt giảm nên nhiều bà con lỗ nặng. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của đợt mưa lũ hồi đầu tháng 10 cũng là một nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng tái nghèo… Vì trên thực tế, công tác xóa đói, giảm nghèo ở Thạch Bình chưa thực sự bền vững. Nếu chỉ gặp thiên tai, tai nạn hay ốm đau bệnh tật… mất đi nguồn thu cơ bản thì người dân rất dễ rơi xuống hộ nghèo.
Chia sẻ thêm với chúng tôi về những khó khăn trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở Thạch Bình những năm qua, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trung Kiên khẳng định, từ khi có chủ trương chuyển đổi rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất và bàn giao trực tiếp cho người dân đã tạo nên một luồng gió mới trong công tác giảm nghèo của xã. Với chủ trương này người dân đã thực sự được trao quyền tự chủ trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác các sản phẩm từ rừng. Ngoài ra, các hộ trồng rừng còn năng động kết hợp trồng rừng với chăn thả gia súc như trâu, bò và ong mật. Đến nay, trên 90% số hộ này đã thoát nghèo, trong đó, hơn 20% số hộ có rừng đã trở thành hộ khá, giàu của xã.
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn được hưởng "lộc" rừng. Trong tổng số gần 3.000 hộ gia đình của xã thì chỉ có 150 hộ là có diện tích rừng. Còn lại, người dân sống dựa hoàn toàn vào nghề nông. Giảm nghèo đối với họ thực sự vẫn còn là bài toán quá khó. Bởi là xã thuần nông, song Thạch Bình lại không được tự nhiên ưu ái cho những điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Địa hình không bằng phẳng, hầu hết là ruộng bậc thang, trong khi đó hệ thống thủy lợi của xã mới có khả năng cung cấp nước cho 4 thôn là Đầm Bòng, Tân Thành, Liên Phương và Phú Thịnh…Còn 14 thôn khác, hầu hết việc tưới tiêu phụ thuộc vào 7 hồ lớn nhỏ. Và do không được nạo vét, tu sửa thường xuyên, nên năng lực cung cấp nước của các hồ này đều hạn chế. Có năm hạn hán, các hồ còn … trơ đáy. Đây chính là nguyên nhân khiến vào vụ đông xuân, toàn xã chỉ cấy được hơn 100 ha lúa, trong tổng số 600 ha đất nông nghiệp.
Cá biệt, ở một số thôn như: Đồi Máy, Gọng, Vệ Đình, Vệ Chùa… không có hồ, người dân phải tự đào ao, đào giếng ở giữa cánh đồng để tưới tiêu, chăm sóc lúa. Mỗi nhà đều phải trang bị vài trăm mét ống dẫn nước, 3 cái máy bơm để dẫn nước từ sông về giếng và tưới nước từ giếng ra các chân ruộng. Bởi thế, chi phí cho sản xuất nông nghiệp của những hộ dân này thường quá cao... Tận dụng hết sức lao động, thì chi phí cho mỗi sào ruộng ở đây cũng ngót nghét 700.000 đồng. Không bám trụ được với ruộng đồng, nhiều hộ dân cho thầu, thậm chí… cho người khác cấy ăn không để "ly hương" đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Thậm chí, hơn 10 mẫu ruộng ở khu Đầm Rừng có thời điểm bị bỏ hoang vì không có người cày cấy.
Thực tế cho thấy, công tác xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt là giảm nghèo bền vững ở xã Thạch Bình còn quá nhiều khó khăn. Bên cạnh nỗ lực phát huy tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo trong lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững của bà con nhân dân thì xã Thạch Bình đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tìm ra những giống cây, con phù hợp với điều kiện, đồng đất của địa phương và đặc biệt là có thể đưa các ngành nghề phù hợp về với bà con địa phương. Chỉ khi có nghề với nguồn thu nhập ổn định thì người dân mới có thể thoát nghèo bền vững.
Đào Hằng