Năm nào cũng thiếu ăn, ông Bùi Văn Muộn (thôn Đầm Bòng) là một trong những hộ nghèo có "thâm niên" ở xã Thạch Bình. Nhưng chủ trương chuyển đổi một số diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất của tỉnh đã làm thay đổi cuộc sống gia đình ông. Ông Muộn cho biết: Gia đình tôi được giao 3 ha rừng, chi phí cho trồng rừng chỉ từ 1-1,5 triệu đồng/ha, bao gồm cả giống, phân lân. Sau 5-6 năm có thể thu hoạch với giá trung bình 1 triệu đồng/cây keo. Nhưng chỉ sau 2 năm, người trồng đã bắt đầu có nguồn thu từ rừng nhờ chặt cành bán củi, tỉa cây bán nhiên liệu gỗ giấy… cũng được hơn 10 triệu đồng/ha. Diện tích rừng của gia đình tôi hết năm nay là được thu hoạch lứa đầu tiên, ước tính được trên 200 triệu đồng. Vậy là đủ tiền cho con cái ăn học và tiếp tục phát triển kinh tế.
Đồng chí Quách Công Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Theo mục tiêu, trong tổng số 924 ha rừng, sẽ chuyển 888 ha rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất. Đến nay, xã đã chuyển đổi được 555 ha rừng cho 172 hộ gia đình với diện tích từ 1 ha đến vài chục ha. Hiệu quả từ việc chuyển đổi rừng đã thấy rõ. Trước đây, những hộ được giao rừng đều thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Vì đói, nghèo mà người dân phải chặt, phá rừng để bán lấy tiền mua gạo. Tuy nhiên, với chủ trương này người dân đã thực sự được trao quyền tự chủ trong việc trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác các sản phẩm từ rừng. Ngoài ra, các hộ trồng rừng còn năng động kết hợp trồng rừng với chăn thả gia súc như trâu, bò và ong mật. Đến nay, trên 90% số hộ này đã thoát nghèo, trong đó, hơn 20% số hộ có rừng đã trở thành hộ khá, giàu của xã. Điển hình như gia đình ông Bùi Văn Hoàn, anh Trần Văn Phú (thôn Bái Lóng).
Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng may mắn được hưởng "lộc" rừng. Trong tổng số trên 2.000 hộ gia đình của xã thì chỉ có 172 hộ là có diện tích rừng. Còn lại, người dân sống dựa hoàn toàn vào nghề nông. Giảm nghèo đối với những gia đình này vẫn còn là bài toán quá khó. Bởi là xã thuần nông, song Thạch Bình lại không được tự nhiên ưu ái cho những điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Địa hình không bằng phẳng, hầu hết là ruộng bậc thang, trong khi đó hệ thống thủy lợi của xã chỉ có khả năng cung cấp nước cho 4 thôn là Đầm Bòng, Tân Thành, Liên Phương và Phú Thịnh. Còn 14 thôn khác, hầu hết việc tưới tiêu phụ thuộc vào 7 hồ lớn nhỏ. Và do không được nạo vét, tu sửa thường xuyên, nên năng lực cung cấp nước của các hồ này đều hạn chế, có năm hạn hán, các hồ còn… trơ đáy. Đây chính là nguyên nhân khiến vào vụ đông xuân, toàn xã chỉ cấy được hơn 100 ha lúa, trong tổng số 600 ha đất nông nghiệp.
Cá biệt, ở một số thôn như: Đồi Máy, Gọng, Vệ Đình, Vệ Chùa… không có hồ, người dân phải tự đào ao, đào giếng ở giữa cánh đồng để tưới tiêu, chăm sóc lúa. Mỗi nhà đều phải trang bị vài trăm mét ống dẫn nước, các loại máy bơm để dẫn nước từ sông về giếng và tưới nước từ giếng ra các chân ruộng, do đó chi phí cho sản xuất nông nghiệp thường rất cao. Tận dụng hết sức lao động, chi phí cho mỗi sào ruộng ở đây cũng mất gần 700.000 đồng. Không bám trụ được với ruộng đồng, nhiều hộ dân cho thầu, cho người khác cấy để "ly hương" đi nơi khác tìm kế sinh nhai. Thậm chí, hơn 10 mẫu ruộng ở khu Đầm Rừng bị bỏ hoang vì không có người cày cấy.
Đồng chí Quách Công Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết thêm: Mặc dù điều kiện để sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, song Đảng ủy, UBND xã vẫn xác định hướng đi trước mắt là đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, vận động nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa những cây, con có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xã cũng tích cực đưa các giống lúa mới vào gieo cấy thử nghiệm, song năng suất chưa đạt kết quả cao. Lý do vì chưa quy hoạch được vùng riêng để trồng lúa cao sản. Do không đồng cấp, lại ở rải rác nhiều xứ đồng nên việc vận động nhân dân thực hiện dồn điền, đổi thửa rất khó khăn, có những hộ chỉ có hơn 4 sào ruộng nhưng lại nằm rải rác ở… 10 mảnh khác nhau.
Trước mắt, để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xã vận động bà con tiến hành dồn khu, dồn khoảnh, đồng thời tận dụng lợi thế đồi rừng để phát triển chăn nuôi. Tranh thủ sự hỗ trợ của Phòng Nông nghiệp huyện, xã tăng cường mở các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, KHKT về chăn nuôi, cách phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi, cách chọn con nuôi cho hiệu quả kinh tế… Đến nay, toàn xã có 45 trang trại nuôi gà, vịt, lợn, tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên việc nhân rộng các mô hình kinh tế và đưa các con đặc sản vào chăn nuôi còn ít và hiệu quả chưa cao.
Để giải quyết vấn đề giảm nghèo, Thạch Bình đang rất cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ phía Nhà nước trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, tìm ra những giống cây, con phù hợp với điều kiện, đồng đất của địa phương, giúp người dân Thạch Bình vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Thu Hằng