Thạch Bình là xã nằm ở phía Tây huyện Nho Quan, với chiều dài 17 km và chiều rộng 4 km, phía Tây và phía Bắc giáp với tỉnh Hòa Bình; diện tích hành chính trên 2.500 ha, trong đó đất lâm nghiệp 891 ha, chiếm gần 36% diện tích toàn xã. Độ dốc của rừng trồng trên địa bàn xã bình quân 10-12 độ, rừng khoanh nuôi tái sinh núi đá thì độ dốc từ 30-40 độ. Với độ dốc này, khó khăn trong việc giữ nước, hết mưa là khô hạn nhanh..., đây cũng điểm yếu dễ gây cháy rừng...
Đồng chí Vũ Xuân Thủy, Trưởng Ban lâm nghiệp xã nhận định, thời điểm dễ xảy ra cháy rừng hàng năm là từ tháng 6 đến tháng 9 và từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Thời điểm này nằm trong những ngày nắng nóng cục bộ, kèm theo gió Lào, nhất là dịp nghỉ hè của học sinh, mùa đốt ong...
Hơn nữa, tại địa bàn xã chủ yếu là rừng thông đang khai thác nhựa, rừng keo và rừng khoán khoanh nuôi núi đá mật độ cây bụi nhiều, thảm thực vật dày là những vật liệu dễ cháy. ở những khu vực này, thực bì dưới tán dễ cháy là lớp trảng con, lau lách, cây bụi sinh trưởng rất tốt trên núi đá. Tất cả các loại thực bì trên thường bị khô kiệt trong những ngày nắng nóng, khả năng bắt lửa, gây cháy nhanh và khi cháy thì lan trên diện rộng.
Để hạn chế nguy cơ gây cháy rừng, Thạch Bình xác định rõ vai trò của UBND xã, các cấp, ngành, thôn, bản, các chủ rừng và toàn dân thực hiện tốt quy định về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR).
Bên cạnh đó, là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về Luật Phòng cháy, chữa cháy bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ tài nguyên rừng đến mọi cấp và quần chúng nhân dân. Trong đó, lấy phương châm phòng là chính, khi chữa cháy phải tích cực, kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Quách Công Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã đồng thời là Trưởng Ban chỉ huy PCCCR xã Thạch Bình cho biết: Nhờ chỉ đạo tập trung, những năm gần đây phong trào phát triển kinh tế đồi rừng đã được các chủ rừng trong xã ủng hộ và làm theo.
Hàng năm, xã luôn kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR để phân công phụ trách nhiệm vụ và điều hành, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc các chủ rừng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống cháy rừng.
Trong đó, áp dụng biện pháp chữa cháy rừng bằng dụng cụ thô sơ, thủ công đối với những đám cháy có diện nhỏ. Đám cháy có chu vi lớn hơn và nguy cơ lan rộng thì xác định hướng lan truyền chính của đám cháy để triển khai tăng cường viện trợ, tập trung phương tiện, nhân lực tạo vành đai băng cản lửa rộng 20 - 30 m bằng phương pháp thủ công, hoặc đốt trước có điều khiển để tạo vành đai rộng, đám cháy lớn tiến tới không còn vật liệu cháy nữa.
Cùng với đó, Ban chỉ huy PCCCR xã đôn đốc, giám sát trực ban theo dõi báo cháy khi có nguy cơ trong mùa nắng nóng, mùa hanh khô, giờ cao điểm... Trong đó, Ban lâm nghiệp xã cùng tổ đội thuộc Hạt kiểm lâm huyện quản lý chặt chẽ tình hình hoạt động làm nương, đốt rẫy ở các thôn, bản.
Đặc biệt là nắm bắt số lượng người dân ra, vào rừng trong những ngày nắng nóng có cấp dự báo cháy rừng từ cấp IV trở lên. Đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của đồi rừng và hiệu quả kinh tế do đồi rừng mang lại; phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện tổ chức tuyên truyền việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao nhận thức cho các chủ rừng và mỗi người dân trong việc phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Bài, ảnh: Nguyễn Minh