Nhớ lại thời điểm mới triển khai xây dựng NTM, ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Thạch Bình triển khai xây dựng NTM trong điều kiện có điểm xuất phát thấp, địa bàn rộng, dân cư thưa, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và nằm trong nhóm những xã khó khăn nhất của huyện Nho Quan. Trước khó khăn đó, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM, từ đó tự nguyện chung sức, đồng lòng từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM.
Từ năm 2011 đến nay Thạch Bình đã huy động được nguồn lực lớn từ nhân dân để đầu tư xây dựng các tiêu chí về cơ sở vật chất và tiêu chí liên quan đến phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đến hết tháng 5/2021, Thạch Bình đã đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí, trong đó 17 tiêu chí đạt và 2 tiêu chí cơ bản đạt (cơ sở vật chất văn hóa và đường giao thông).
Để hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM, cùng với việc nâng cao các tiêu chí đã đạt, Thạch Bình đang tập trung nguồn lực để hoàn thành 2 tiêu chí cơ bản đạt. Có thể nói đây đều là những tiêu chí khó, cần nguồn lực lớn, trong khi Thạch Bình là xã rất khó khăn. Đối với tiêu chí giao thông, do địa bàn rộng nên tổng số chiều dài đường giao thông thôn, xóm lên đến trên 90 km, đến tháng 4/2021, xã mới chỉ bê tông hóa được trên 40 km, còn lại gần 50 km cần làm mới. Với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng lòng của nhân dân, Thạch Bình quyết tâm huy động mọi nguồn lực để sớm hoàn thành mục tiêu kiến cố hóa hệ thống đường giao thông theo kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm đến nay, Thạch Bình đã tiếp nhận 3.000 tấn xi măng, cùng với nguồn vốn của tỉnh, huyện, xã và sự đóng góp của nhân dân, Thạch Bình đang tiến hành làm mới 34 km, nâng cấp 14 km đường bê tông để đáp ứng tiêu chí về đường giao thông.
Tại các thôn, xóm, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người dân đang tích cực ra quân làm đường giao thông nông thôn với khí thế sôi nổi. Ngoài sự hỗ trợ xi măng của Nhà nước, người dân đã đóng góp hàng triệu đồng tiền mặt, hiến đất và nhiều ngày công để mở rộng, kiên cố hóa những con đường.
Tiêu biểu như tuyến đường dọc thôn Đồi Ngọc có chiều dài chỉ hơn 600 m nhưng trong khu vực chỉ có 5 hộ gia đình sinh sống. Do đó, để hoàn thành được con đường này, bình quân mỗi hộ dân đóng góp 22 triệu đồng, gia đình đóng nhiều nhất lên đến 42 triệu đồng. Mặc dù kinh tế khó khăn, số tiền đóng góp lớn nhưng để phát triển kinh tế xã hội, tạo thuận lợi trong đi lại, các hộ dân đều cố gắng đóng góp.
"Trước đây con đường này là đường đất, việc đi lại và giao thương hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi các hộ ở khu vực này chủ yếu phát triển kinh tế đồi rừng, trồng keo bán gỗ, mỗi khi thu hoạch xe không thể vào tận nơi thu mua, người dân tốn rất nhiều công sức. Khi có chủ trương làm mới tuyến đường, người dân chúng tôi rất đồng tình ủng hộ. Ngoài đóng góp bằng tiền mặt, các hộ đều huy động mọi nhân lực ra làm đường. Khi tuyến đường được hoàn thành, xe thu mua của các doanh nghiệp có thể thuận tiện vào tận nơi thu mua, người dân đỡ vất vả". Chị Bùi Thị Thân, thôn Đồi Ngọc phấn khởi cho biết.
Cùng với phát triển hạ tầng giao thông, xã cũng đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất văn hóa. Hiện tại các thôn đang nỗ lực huy động nguồn lực để xây mới 7 nhà văn hóa đạt chuẩn NTM, trong đó 3 nhà đang ở giai đoạn hoàn thiện. Đặc biệt, Thạch Bình là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung ở một số thôn và hoạt động văn hóa ở các thôn có những nét đặc trưng riêng.
Do đó, nhân dân một số thôn như thôn Quảng Mào, thôn Đồi Bồ đang huy động các nguồn lực phục dựng lại ngôi nhà sàn truyền thống làm nhà văn hóa thôn để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, Thạch Bình đang cố gắng hoàn thành 7/7 nhà văn hóa trước tháng 12/2021 và hoàn thành tiêu chí.
Bên cạnh hoàn thiện 2 tiêu chí cơ bản đạt, Thạch Bình còn quan tâm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế mới hiệu quả. Đồng thời, tranh thủ và sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của nhà nước để đầu tư cho phát triển kinh tế, giảm nghèo, giải quyết việc làm.
Hiện Thạch Bình có 1.200 lao động làm công nhân tại các công ty, đây cũng là lực lượng lao động mang lại nguồn thu nhập lớn cho xã. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó lĩnh vực sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kinh doanh dịch vụ và xây dựng cơ bản chiếm 48% tổng thu nhập toàn xã. Thu nhập bình quân đầu người của xã cuối năm 2020 đạt 52 triệu đồng/người/năm.
Ông Vũ Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho biết: Thời gian tới, cùng với việc thực hiện những tiêu chí cơ bản đạt, địa phương sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ đề nghị xét, công nhận xã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, hướng tới mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương
Hồng Giang - Anh Tuấn