Bà con làng xóm ai cũng khen vợ chồng anh chị có phúc. Nghe những lời khen đó, chị Lan thấy mình thật hạnh phúc. Thế nhưng, từ mấy tháng nay, mỗi lần đi làm đồng về, chị thấy chồng chị có điều gì đó buồn buồn. Gặng hỏi, thì chồng chị chia sẻ, mỗi lần đi ăn cỗ hoặc đi chơi với bạn bè anh đều bị xếp ngồi… mâm dưới vì không có con trai. Nghe vậy, chị lại thấy thương chồng và nảy sinh ý định cố thêm một thằng cu cho chồng được nở mày nở mặt.
Nắm được ý định của chị Lan, các chị cộng tác viên dân số xã thường xuyên đến nhà chị để tuyên truyền, vận động. Họ cùng chị lên nương làm rẫy, cùng chị thu vén việc nhà rồi nhỏ to phân tích hậu quả của việc sinh nhiều con. "Mưa dầm thấm lâu", chị Lan hiểu ra suy nghĩ lệch lạc của mình. Chị động viên chồng tập trung phát triển kinh tế, cùng nhau nuôi dạy con học hành. Ngôi nhà nhỏ của vợ chồng chị Lan luôn ngập tràn tiếng cười hạnh phúc. Chị Lan cũng trở thành một cộng tác viên dân số tích cực. Chị không chỉ vận động bằng lời mà chị còn thuyết phục các đối tượng bằng chính cuộc sống hạnh phúc của mình. Giờ đây, ở Thạch Bình ngày càng có nhiều gia đình thực hiện tốt các chính sách dân số như chị Lan. Điển hình như các gia đình như chị Lụa ở xóm Ngọc, chị Chiên, chị Tuyết ở Quảng Mào…
Thạch Bình là xã miền núi có 18 xóm với hơn 2.000 hộ, gần 10 nghìn người, trong đó dân tộc chiếm 50%, đồng bào có đạo chiếm 40%. Đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của người dân về công tác dân số-KHHGĐ không đồng đều, vẫn còn nặng tâm lý thích đông con, có đủ nếp, đủ tẻ. Bởi thế, mà vào những năm 2000, Thạch Bình nổi lên là một trong những điểm nóng về công tác dân số trên địa bàn huyện Nho Quan với tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên trên 20%.
Chị Nguyễn Thị An, cán bộ chuyên trách dân số xã Thạch Bình cho biết, thực trạng đối tượng sinh con thứ 3 trở lên ngày càng mở rộng và ngày càng "già hóa" đang đặt ra cho dân số Thạch Bình nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xác định, nắm bắt đối tượng để tuyên truyền. Bởi lẽ, từ trước tới nay chúng ta thường tập trung vào nhóm đối tượng sinh con một bề, những cặp vợ chồng trẻ để vận động, tuyên truyền, chứ ít ai ngờ nhiều gia đình đã có tới 2,3 người "nối dõi", thậm chí có những trường hợp chị em đã bước vào cái tuổi "ngoại tứ tuần" mà vẫn đẻ nữa. Chỉ khi các đối tượng này bụng đã "lùm lùm", những người làm công tác dân số mới… tá hỏa. Lúc này, thì mọi can thiệp của ngành Dân số đều vô hiệu.
Trước tình hình đó, để thực sự tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác dân số-KHHGĐ, từ đó nâng cao chất lượng dân số, các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận và các hội, đoàn thể của xã đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ sinh và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục nhằm làm thay đổi nhận thức, suy nghĩ cho người dân.
Ban công tác dân số- KHHGĐ đã phối hợp chặt chẽ, lồng ghép công tác dân số với công tác xóa đói, giảm nghèo của Mặt trận Tổ quốc, phong trào sản xuất giỏi của Hội Nông dân, xây dựng gia đình cựu chiến binh gương mẫu, phong trào lập thân, lập nghiệp của Đoàn thanh niên cũng như phong trào phát triển kinh tế gia đình, nuôi con khỏe, dạy con ngoan của Hội Phụ nữ. Bằng những hoạt động lồng ghép này, xã Thạch Bình đã đưa công tác truyền thông, vận động dân số-KHHGĐ đến tận thôn, xóm, vào tận các gia đình một cách có hiệu quả.
Mặt khác, nhiều chị em tâm sự rằng, việc sinh thêm con hoàn toàn là vì các ông chồng. Trong khi đó, thì từ trước tới nay, nói tới việc thực hiện KHHGĐ không ít người nghĩ ngay rằng đó là việc của chị em. Bởi thế mà vai trò của người đàn ông trong việc thực hiện KHHGĐ dường như mờ nhạt, thậm chí nhiều người nghĩ họ vô can. Song trên thực tế, nam giới lại chính là người quyết định việc có hay không sử dụng các biện pháp KHHGĐ.
Trong các đợt chiến dịch, địa phương đã chỉ đạo ban dân số, các tổ chức hội, đoàn thể phải tập trung tuyên truyền, vận động các đối tượng tham gia đình sản là nam giới. Bên cạnh đó, các chuyên trách và cộng tác viên dân số các xóm tích cực phối hợp với Trạm y tế xã đẩy mạnh tuyên truyền và đa dạng hóa các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện giúp các đối tượng tiếp cận dễ dàng hơn với các hoạt động y tế.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cán bộ, chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, công tác dân số-KHHGĐ của xã đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Năm 2012, các chỉ tiêu dân số của xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tỷ lệ các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện các biện pháp tránh thai toàn xã đạt trên 80%, tỷ lệ phát triển dân số dưới 1%, tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm. Toàn xã có 12/18 địa bàn không có người sinh con thứ 3 trở lên.
Nguyễn Hùng