Đồng chí Hoàng Cao Khải, Chủ tịch UBND xã cho biết: Từ năm 1993, thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện về phát triển kinh tế đồi rừng, xã đã tổ chức giao đất, giao rừng cho người dân khoanh nuôi bảo vệ nhằm đẩy nhanh tiến độ trồng rừng và quản lý rừng.
Cùng với đó, xã tuyên truyền cho người dân hiểu về lợi ích của đồi rừng và hiệu quả kinh tế do đồi rừng mang lại; phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện tổ chức tuyên truyền việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần nâng cao nhận thức cho các chủ rừng và mỗi người dân trong việc phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Ngoài ra, xã đã mời cán bộ kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc, phòng cháy, chữa cháy rừng, bảo vệ rừng cho các chủ rừng. Tạo điều kiện cho các hộ dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất... Nhờ chỉ đạo tập trung, những năm gần đây phong trào phát triển kinh tế đồi rừng đã được các chủ rừng trong xã ủng hộ và làm theo.
Chỉ sau 2 năm, đất trống, đồi núi trọc ở xã Thạch Bình đã được phủ xanh, đời sống của nhân dân ở vùng có rừng đã dần được nâng lên. Đến nay kinh tế rừng đã chiếm tỷ trọng 20% tổng giá trị thu nhập của xã. Nhiều hộ dân ở vùng có rừng đã trở nên khá giả, số hộ giàu từ trồng rừng tăng lên; môi sinh, môi trường được cải tạo và tạo ra việc làm đáng kể cho nhân dân địa phương. Phát triển kinh tế rừng đã kéo theo một số nghành nghề khác phát triển: như nghề mộc, nghề sơ chế gỗ nguyên liệu...
Đồng chí Chủ tịch UBND xã nói: Từ thực hiện chính sách trồng rừng, chúng tôi thấm thía một điều, khi có chủ trương đúng, ở cơ sở làm tốt công tác vận động quần chúng thì sẽ đem lại hiệu quả vô cùng to lớn về giá trị, cũng như niềm tin của nhân dân.
Tuy nhiên, theo đồng chí Hoàng Cao Khải: Sau hơn 20 năm thực hiện chính sách trồng và bảo vệ rừng, hiện nay đã bộc lộ một số hạn chế như chưa lựa chọn được nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao, các vấn đề về nguồn nước, phòng, chống cháy rừng còn khó khăn...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, mặc dù tiềm năng kinh tế rừng của xã Thạch Bình còn rất lớn nhưng hiện tại người dân trong xã mới tập trung trồng cây keo. Bản thân cây keo là rễ chùm dễ bị gãy, đổ; khả năng cải tạo đất không cao. Bên cạnh đó, loại cây này cho thu nhập tối đa một chu kỳ từ 7 đến 10 năm là 200 triệu đồng/ha, giá trị không cao vì gỗ keo chủ yếu làm nguyên liệu giấy.
Cùng với việc lựa chọn giống, nguồn nước đang là một thách thức lớn đối với xã Thạch Bình. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, rừng Thạch Bình giữ vai trò quan trọng trong việc chi phối nguồn nước dòng sông Lạng, có ảnh hưởng đến nhiều địa phương, do đó công năng của nó càng trở nên quan trọng. Trước đây, Thạch Bình còn rừng tự nhiên, nguồn nước rất phong phú.
Hiện tại rừng đã được phủ kín nhưng nguồn nước đang ngày càng nghèo kiệt. Bên cạnh đó, khí hậu ngày càng biến động phức tạp, khô hanh, nắng hạn gay gắt, kéo dài, nguy cơ cháy rừng cao, công tác phòng, chống cháy rừng chưa quy mô, chưa chủ động.
Đồng chí Chủ tịch UBND xã Thạch Bình cho rằng: Để nâng cao hiệu quả và chủ động trong sản xuất nông nghiệp và trồng rừng, các ngành chức năng nên nghiên cứu về thổ nhưỡng, phân loại từng loại đất, từ đó có hướng dẫn, chỉ đạo cho các doanh nghiệp, các hộ nông dân định hướng phát triển các loại cây, con phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu, mang tính chủ động, bền vững. Đối với rừng, cần phải tạo ra nhiều tầng, nhiều tán, nhiều bộ rễ thì mới có khả năng cải tạo đất và giữ nước.
Do đó, cần hướng dẫn cho nhân dân từng bước chuyển đổi dần diện tích đất trồng cây keo thuận lợi sang trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao, bảo tồn cây bản địa quý, cây dược liệu vừa có khả năng cải tạo đất, cải tạo môi trường, đồng thời đem lại hiệu quả kinh tế, không bị ngắt quãng thời gian cải tạo môi trường.
Trong công tác phòng, chống cháy rừng, ngoài việc nâng cao ý thức và các điều kiện phòng cháy, chữa cháy thì những vùng rừng tập trung, đề nghị các ngành chức năng xây dựng kế hoạch làm những tuyến đường chia lô để làm đường băng cản lửa kết hợp làm đường phục vụ sản xuất; căn cứ vào quy mô các lô và điều kiện nên làm các ao, hồ chứa nước để phục vụ sản xuất và chữa cháy khi có cháy xảy ra.
Song song với công tác phòng cháy, chữa cháy, cần có chính sách phù hợp để khuyến khích trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ rừng tái sinh, mở rộng trồng cây phân tán để nâng cao khả năng bảo vệ môi sinh, cải tạo môi trường.
Thực hiện phát triển kinh tế đồi rừng ở xã Thạch Bình đã góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã nói riêng và huyện Nho Quan nói chung. Với hướng đi này còn giúp người dân làm quen với kinh tế thị trường, tạo nhu cầu hợp tác, liên hệ với các doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động, thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Nguyễn Thơm